Hotline 24/7
08983-08983

Nhận nhiều chỉ trích, “Phút 89” của Công Vinh có bị thu hồi?

Cuốn tự truyện mang tên “Phút 89” của cựu tuyển thủ Lê Công Vinh đang gây xôn xao làng bóng đá và dư luận khi nhiều huấn luyện viên, đồng đội của anh được nhắc tới với những tình tiết “nhạy cảm” liên quan tới “mảng tối” xoay quanh sân cỏ.

Bày tỏ quan điểm về cuốn sách, một số cầu thủ, huấn luyện viên nhận định, nội dung Công Vinh chia sẻ ít nhiều là có thật, nhưng họ không đồng tình với cách mà cựu tuyển thủ chuyển tải thông tin.

Cựu tuyển thủ Lê Công Vinh và vợ trong ngày ra mắt tự truyện “Phút 89”. Ảnh: TL

Cựu tuyển thủ Lê Công Vinh và vợ trong ngày ra mắt tự truyện “Phút 89”. Ảnh: TL

“Sóng gió” đã lường trước...

Tự truyện của Công Vinh có dung lượng gần 300 trang với những lát cắt về cuộc đời một cầu thủ từ thuở ấu thơ sống ở quê trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt đến những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp và cả vinh quang, sóng gió sau này. Tình tiết khiến cuốn sách tạo “sóng gió” với dư luận không ở nội dung về gia đình, tình cảm tình yêu mà là chuyện “thâm cung bí sử” làng bóng đá. Theo đó, không ít mối quan hệ giữa huấn luyện viên với cầu thủ, mối quan hệ đồng đội... được miêu tả bằng mâu thuẫn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, “bằng mặt nhưng không bằng lòng”...

Trên trang cá nhân và cả trên báo chí... một số đồng nghiệp cũ của Công Vinh đã phản ứng gay gắt về những thông tin kể trên. HLV Lê Thụy Hải cùng một loạt cầu thủ, cựu cầu thủ được nhắc đến trong tự truyện như: Lê Tấn Tài, Ngọc Duy, Văn Quyết, Phan Thanh Bình đã lần lượt bày tỏ sự bức xúc, thất vọng với những thông tin Công Vinh cho là sự thật được phơi bày trước công luận, độc giả. Thậm chí, các tuyển thủ không được nhắc đến trong sách như: Vũ Như Thành, Lê Quốc Vượng, Thạch Bảo Khanh cũng bày tỏ thái độ bất bình với người đồng đội.

Chia sẻ trên một trang báo điện tử, HLV Alfred Riedl đã phủ nhận thông tin mình phân biệt đối xử với các cầu thủ. Ông nói: “Những điều Vinh đã viết đơn giản là hoàn toàn sai. Bất chấp việc tôi là huấn luyện viên khá bảo thủ, tôi luôn sẵn sàng thực hiện các thay đổi. Nguyên tắc của tôi là đối xử bình đẳng với tất cả cầu thủ. Nhưng với những cầu thủ có thể nói một chút tiếng Anh, tôi có thể nói chuyện với họ nhiều hơn mà không cần người phiên dịch. Đó chắc là lý do khiến Vinh có một chút ghen tị”.

Ông Riedl cũng giải thích chuyện Công Vinh tố mình chỉ có mỗi chiến thuật chồng biên. Nhà cầm quân lão luyện này cho hay, các chiến thuật mà ông đưa ra đều phụ thuộc vào chất lượng cầu thủ đội nhà cũng như của đối thủ. Khi được hỏi về cảm xúc cá nhân trước cuốn sách, ông Riedl cũng cho biết, ông không hề giận Công Vinh nhưng hi vọng cựu tuyển thủ sớm có những sự đính chính về nội dung cuốn sách.

Bày tỏ quan điểm về phản ứng trái chiều, cựu tuyển thủ Công Vinh cho hay, anh đã xác định sớm muộn gì cũng sẽ phải đối mặt với sóng gió. Công Vinh đáp lại bằng một chia sẻ rất dài trên trang Facebook cá nhân. Theo đó, anh cho rằng sự thật cần phải được đối diện, không thể giấu giếm theo kiểu “dĩ hòa vi quý”. “Trong cuộc đời chúng ta, gặp 100 người tốt với mình thì cũng phải gặp một vài người khó nuốt với mình. Nếu muốn đi tìm một người chẳng dám đối diện sự thật và thẳng thắn với bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong sự nghiệp của cuộc đời mình để nhìn nhận những gì sai hoặc đúng thì quên tìm đến tôi đi nhé”, Công Vinh đúc kết những gì anh viết trong tự truyện.

Thấp thỏm nguy cơ thu hồi

Trả lời báo chí về tự truyện của Công Vinh đang nhận nhiều phản ứng trái chiều, ông Chu Xuân Hoà - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh: “Sách được phát hành nghĩa là đã qua cấp phép. Theo quy định hiện nay, chỉ cần cá nhân hoặc đơn vị đăng ký, có nội dung hợp lý, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục là được cơ quan quản lý đồng ý cho phát hành. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản chỉ chịu trách nhiệm quản lý hậu kiểm. Tùy nội dung cuốn sách, nếu bị kiện vì viết không đúng sự thật, Cục sẽ xem xét thu hồi để xử lý”.

Bên cạnh những chỉ trích của dư luận, cũng có những ý kiến nhìn nhận khác xung quanh nội dung “gây bão” trong “Phút 89”. HLV Nguyễn Thành Vinh trả lời báo chí: “Việc Công Vinh nói là những việc có, ít nhiều đều có. Thậm chí còn vấn đề tiêu cực khác. Những điều đó làm ảnh hưởng tới bóng đá Việt Nam. Tôi cho rằng cuốn tự truyện của Công Vinh có giá trị về mặt nhân văn. Chúng ta đang nói trong điều kiện bóng đá Việt chưa chuyên nghiệp dù mang tiếng chuyên nghiệp. Bóng đá chúng ta có nhiều tiềm ẩn tiêu cực. Tại sao các cầu thủ Ninh Bình lại phải ra tòa. Tại sao cầu thủ Đồng Nai trước trận lại dính tiêu cực… Đó là những việc chúng ta đã tìm ra được. Ở đây, Công Vinh mạnh dạn nói ra sự thật, ít nhiều cũng động chạm người này người kia. Nếu có thì sau này nên rút kinh nghiệm, vì trong đội bóng nếu cô lập người này người kia thì không thể tốt được. Cả đội phải đoàn kết, đề cao sức mạnh đội lên trên hết, danh dự, màu có sắc áo lên trên hết chứ không thể chỉ vài người mà làm hỏng giá trị đích thực”. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, Công Vinh nói có thể hơi nặng nề, đụng chạm nhưng giá trị mang tính cảnh tỉnh cho bóng đá Việt Nam qua một góc nhìn.

Cựu tuyển thủ Lê Hồng Minh thì phản bác: “Theo tôi cái gì đã là quá khứ thì chỉ để ở quá khứ thôi, để tự người khác đánh giá chứ mình không được quyền nói như vậy. Tôi nghĩ đây chỉ là trò PR, trò chơi rẻ tiền. Đối với tôi khi đã là đồng đội với mình, đã từng “xương máu” nhiều trận, họ ăn cùng mình, ngủ cùng mình, họ có làm sai thì đã phải gánh chịu rồi. Giờ là hiện tại, còn công việc của người ta, mình đừng nên lôi lại quá khứ, quá khứ là quá khứ, còn hiện tại là cái đang cần phải sống”.

Nhìn vào “lịch sử” của thể loại tự truyện trong dòng chảy của thị trường sách Việt Nam, có thể thấy, cuốn tự truyện nào cũng ít nhiều gây tranh cãi. Lý giải điều này, các nhà phê bình văn học cho rằng, đã là thể loại tự truyện là góc nhìn, câu chuyện cá nhân trong mối tương tác với những sự việc, con người cụ thể khác. Như vậy, không tranh cãi chắc chẳng có gì đáng đọc. Hầu hết các tự truyện của nghệ sĩ, người nổi tiếng đều bán chạy như tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân, ca sĩ Sơn Tùng M-TP... tính cả in lần đầu, tái bản lên đến vài chục nghìn cuốn. Thậm chí, tự truyện của Sơn Tùng M-TP còn bán hết 20.000 bản chỉ sau 2 ngày phát hành...

Về nghĩa tích cực, tự truyện khắc họa chân dung một cá nhân từ đó truyền cảm xúc, cảm hứng cho độc giả và giúp họ tiếp cận nhân vật chính ở góc độ đời thường, gần gũi. Tuy nhiên, không phải cuốn tự truyện nào cũng đạt được ý nghĩa đó. Thời gian gần đây, không ít tự truyện gây “sóng gió” vì yếu tố “câu view”, “sốc”, “sex”, “sến” hoặc làm đảo lộn cuộc sống, hình ảnh của những người được “chỉ mặt đặt tên” trong sách của mình. Ranh giới mong manh giữa cái được gọi là sự thật ở góc nhìn cá nhân với bản chất sự việc ở góc độ khách quan là tình tiết thường gây tranh cãi nhất với các tự truyện mà nếu nhân vật chính không nhận thức tốt, xác định rõ, kể cả ở góc độ pháp luật thì rất dễ bị kiện.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, đối với một tự truyện bị kiện tụng thì ngoài trách nhiệm của nhân vật chính còn là vai trò của người chấp bút, biên tập viên... Những người này cần nhạy cảm để phát hiện, trao đổi với nhân vật chính về những tình tiết không an toàn, tránh hậu quả đáng tiếc, “mất bò mới lo làm chuồng”.

Theo Thành Nam - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X