Hotline 24/7
08983-08983

Nhận diện các loại thực phẩm “ngậm” hóa chất độc hại

Cà phê nhuộm bằng pin, thịt lợn “ướp” hàn the, rau phun kích thích, măng tẩm lưu huỳnh… là những việc làm đang đầu độc nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng hàng ngày.


Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm đếm khối lượng cà phê “bẩn” tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp). Ảnh: Zing.vn

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm đếm khối lượng cà phê “bẩn” tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp). Ảnh: Zing.vn

Hậu quả khôn lường đối với sức khỏe

Mới đây, việc bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê “bẩn” bằng cách nhuộm cà phê với bột đen từ pin tại tỉnh Đắk Nông đã khiến dư luận lo lắng. Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) có hàng chục tấn cà phê đã được trộn lẫn với đất, bột đá.

Ở khu vực chế biến, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 2 chậu chứa pin (khoảng 35kg) đã được đập vụn, một xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói, cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan.

Chủ cơ sở này khai nhận, cơ sở đã hoạt động từ nhiều năm nay. Nguồn nguyên liệu chủ yếu là thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ tại các đại lý. Sau đó, mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê.

Liên quan đến sự việc này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, việc dùng pin trong chế biến thực phẩm như luộc ngô, khoai, bánh chưng... hay cả cho vào cà phê gần đây đều rất nguy hại.

Pin nói chung và pin sau khi đã được sử dụng nói riêng được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại, không được phép dùng trong việc chế biến bất cứ loại thực phẩm nào.

Trong pin có nhiều kim loại nặng độc hại như Mangan (Mn), chì (Pb), thủy ngân (Hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen hay còn gọi là thạch tín… Nếu dùng trong thực phẩm, độc tố trong pin sẽ thôi ra thông qua đường ăn uống phát tán khắp các bộ phận trong cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lấy ví dụ với Mangan. Nếu lượng Mangan hấp thu vào cơ thể cao, có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận, phổi và tim mạch. Hít phải Mangan với lượng lớn, có thể gây hội chứng nhiễm độc, tổn thương thần kinh.

Đối với thai nhi, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em thì sẽ hấp thụ Mangan cao hơn là đàn ông và người trưởng thành. Trong đó, thai nhi khi bị ngộ độc Mangan sẽ rất dễ bị các dị tật bẩm sinh, khi sinh ra nhẹ cân và có nguy cơ tử vong cao.

Theo TS.BS Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong quá trình điều trị, ngộ độc kim loại nặng luôn là những vấn đề nhức nhối bởi những tác hại nguy hiểm của nó đến sức khoẻ. Tuy nhiên, trên thực tế kim loại nặng có những nguồn rất khó kiểm soát như từ bệnh nghề nghiệp, thuốc nam không chính thống, khi cơ sở sản xuất sử dụng với mục đích không tốt trong chế biến thực phẩm…

Cách nhận biết thực phẩm “bẩn”

Bên cạnh việc nhiễm độc từ các loại thực phẩm “nhuộm” pin, các chuyên gia cho biết, người tiêu dùng còn có nguy cơ đối mặt với nhiều loại thực phẩm bị “tẩm” hóa chất khác như chì, hàn the, asen, lưu huỳnh... Điều đáng nói, những hóa chất này ngày càng bị lạm dụng trong việc chế biến thực phẩm.

Chẳng hạn, thịt lợn tiêm chất tạo nạc; giò chả “ướp” hàn the; rau phun kích thích tăng trưởng; măng tẩm lưu huỳnh; nội tạng động vật được tẩy trắng bằng hóa chất độc hại rồi đưa ra thị trường.

Nói về cách nhận diện các thực phẩm lạm dụng pin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nhận diện bằng trực quan không dễ, nhất là đối với ngô hay khoai luộc.

Với bánh chưng luộc bằng pin có thể dựa vào một số đặc điểm: Vỏ lá bên ngoài có màu ánh tím hoặc màu xanh mướt; vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn; nhân không có mùi thơm, không dền vì ép chín nhanh. Còn bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống thường không bắt mắt vì màu lá và vỏ bánh thường hơi vàng, không xanh mướt được.

Với các thực phẩm có nguy cơ lạm dụng hàn the, các chuyên gia cho biết, có nhiều cách để phân biệt thực phẩm có ướp hàn the hay không như nhận biết qua mùi vị và màu sắc.

Ví dụ, đối với thịt lợn, miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, thớ thịt săn nhưng khô. Cắt vào bên trong thịt nhũn, có dịch, độ đàn hồi kém. Khi ăn sẽ thấy miếng thịt bở và có mùi hôi. Ngược lại, thịt lợn tươi ngon, bề ngoài không bị nhớt, thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào thớ thịt thấy mềm tay, thịt lõm xuống sau đó nhanh chóng trở lại bình thường. Khi luộc thịt, nước trong, mùi thơm, ăn dai thịt.

Còn với giò lụa, khi mua cần để ý màu sắc và mùi vị của giò. Giò ngon khi cắt ra có màu hồng nhạt, bề mặt giò có nhiều lỗ li ti, sờ vào cảm giác mịn và hơi ướt, khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, không quá giòn, không bị bở… Đối với chả, nếu là loại ngon sẽ có vỏ hơi sần sùi, bề mặt mềm mịn. Chả đã bị tẩm hàn the ăn sẽ không có vị béo ngậy đặc trưng của thịt mà lại giòn, dai bất thường.

Với măng tươi, măng ngâm hóa chất thường bóng đẹp, bắt mắt, vỏ ngoài láng mịn, củ măng đều, sờ vào có cảm giác dính tay. Màu măng hóa chất vàng đậm, hoặc trắng phau. Dùng tay sờ, bẻ măng ngâm hóa chất giòn, dễ bẻ gãy vụn. Khi ngửi măng thấy mùi hóa chất (hơi khét mùi lưu huỳnh).

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn mua thực phẩm ở các cơ sở sản xuất uy tín, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không nên mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều loại hoá chất đang được bày bán tràn lan trên thị trường, sử dụng sai mục đích trong thực phẩm, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và có các biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. u

“Điều nguy hiểm là các kim loại nặng đa phần ít bị đào thải ra khỏi cơ thể mà tích tụ theo thời gian nên khó có cách nào loại bỏ chúng. Nhẹ, ngộ độc cấp tính sau khi ăn ít sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài các kim loại nặng tích lũy dần trong cơ thể gây độc trường diễn, tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Ngay cả việc trẻ con không được chơi với pin cũng đã khuyến cáo từ lâu vì thực tế có nhiều trẻ cầm pin chảy nước đã bị bong da. Điều này cho thấy pin rất độc hại”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Theo Mai Thùy - Phương Thuận - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X