Hotline 24/7
08983-08983

Nhận biết những dấu hiệu "bất thường" khi có thai

Đa số các bà mẹ mang thai và sinh nở an toàn tuy nhiên trong một số trường hợp, một số bà bầu gặp phải những dấu hiệu bất thường cần đến sự can thiệp y tế.

Dưới đây là những dấu hiệu bất thường khi có thai giúp phụ nữ mang thai nhận biết và xử trí được kịp thời.

Sẩy thai

Có nhiều trường hợp sẩy thai từ trước khi người phụ nữ biết mình thụ thai. Trứng và tinh trùng kết hợp, nhưng bị đào thải ngay, nên người phụ nữ vẫn hành kinh, không biết là mình sẩy thai.

Cũng có nhiều trường hợp sẩy thai biết được khá sớm, trong 3 tháng đầu, nguyên nhân thường do phôi có bất thường về gene nên có thể ngừng thai nghén để không sinh ra một cá thể khuyết tật.

Nhận biết được những dấu hiệu bất thường khi có thai giúp mẹ bầu xử trí kịp thời bảo vệ bản thân và thai nhi

Đây thực là một sự đào thải may mắn. Đa số các phụ nữ sẩy thai sớm sau đó lại mang thai và sinh nở an toàn. Chỉ có một số ít trường hợp sẩy thai muộn trong tháng thứ tư hoặc tháng thứ năm.

Nguyên nhân thường do sức khỏe của người mẹ, tình trạng tử cung bất thường hoặc hở eo cổ tử cung, do sử dụng một loại thuốc có hại, tiếp xúc với chất độc, người mẹ bị chấn thương nặng hoặc rau thai có vấn đề. Đa số các bà mẹ sau đó cũng lại mang thai, sinh nở an toàn, chỉ một số ít trường hợp cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Có một số ít trường hợp sẩy thai nhiều lần mà bác sĩ không điều trị được hoặc không tìm ra nguyên nhân.

Ra máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu động thai, sẩy thai, nhưng bất cứ khi nào có ra máu, dù là máu tươi hay sẫm màu cũng cần đi khám. Bạn sẽ được những lời khuyên về dưỡng thai (thường là nằm bất động). Nếu thai đã sẩy (biểu hiện là ra máu kèm theo đau bụng dưới), người mẹ cần được điều trị ngay để đảm bảo không sót thai, sót rau và để chống ra máu kéo dài.

Chửa ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là trường hợp thai không làm tổ trong buồng tử cung. Có thể gặp thai làm tổ ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi tử cung, buồng trứng, tại cổ tử cung, trong ổ bụng, thậm chí ngoài ổ phúc mạc. Tuy nhiên, khoảng hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung.

Thai ngoài tử cung thường gặp ở những phụ nữ bị dị tật ống dẫn trứng, hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh, đã từng phẫu thuật liên quan đến vòi trứng....

Các bà bầu nên nghĩ tới thai ngoài tử cung khi có những dấu hiệu sau: chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo bất thường.

Chậm kinh

Đại đa số thai ngoài tử cung có dấu hiệu chậm kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp có kinh nguyệt không đều rất khó dự đoán ngày hành kinh hoặc ra máu âm đạo bất thường trước thời điểm kinh nguyệt cũng cần phải lưu ý.

Đau bụng

Thường đau ở vị trí chỗ thai làm tổ ngoài tử cung, đau vùng bụng dưới đôi khi đau bụng kèm theo mót rặn.

Ra máu âm đạo bất thường: Bất thường về thời gian ra máu như trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh, ra máu kéo dài. Bất thường về tính chất của máu như máu màu đỏ sáng hoặc sẫm hoặc loãng hơn bình thường.

Trong trường hợp khối thai ngoài tử cung bị vỡ có dấu hiệu toát mồ hôi, choáng váng, chóng mặt và có thể thể ngất.

Việc có thai ngoài tử cung có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào nhưng nguy cơ cao hơn ở những người đã từng bị bệnh lây qua đường tình dục hoặc đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng

Chửa trứng

Chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch.

Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng thì những hệ lụy của nó là khó lường vì có khoảng 10 - 30% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí ác tính là ung thư tế bào nuôi.

Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Tuy nhiên, những nghiên cứu khoa học cho thấy có thể do sai sót của yếu tố di truyền trong quá trình thụ tinh đã dẫn đến những bất thường ở bộ nhiễm sắc thể.

Bên cạnh đó phải kể đến một số yếu tố thuận lợi: Chửa trứng thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi, những người có thai nhiều lần, bất thường ở dạ con, những người có mức sống thấp, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như thiếu các chất dinh dưỡng như đạm, acid folic, vitamin A...

Ban đầu, người bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai giống như những trường hợp mang thai bình thường khác, trước hết là tắt kinh, sau đó là nghén. Tuy nhiên, người chửa trứng thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, nôn ra mật xanh, mật vàng, người gầy sút.

Một số trường hợp còn bị phù và tăng huyết áp. Bên cạnh nghén nặng, thai phụ còn bị ra máu âm đạo (hay xảy ra từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 16 của thai kỳ), máu đen hoặc đỏ, dai dẳng, ít một, có thể tự cầm trong một thời gian ngắn. Do mất máu nên thai phụ mệt mỏi, xanh xao, niêm mạc nhợt, hay bị hoa mắt chóng mặt.

Một dấu hiệu bất thường khi có thai nữa là tử cung của người chửa trứng to không tương xứng với tuổi thai, có trường hợp chửa trứng mới 2-3 tháng mà tử cung đã to như người có thai bình thường 5-6 tháng. Tuy vậy, khi sờ nắn bụng thai phụ thì thấy mềm và không thấy khối thai, nếu làm siêu âm thì không thấy âm vang thai mà chỉ thấy hình ảnh của các túi dịch.

Mặt khác, các biểu hiện của chửa trứng rất đa dạng, dễ nhầm với một số bệnh lý sản phụ khoa khác như thai chết lưu, u xơ tử cung, chửa ngoài tử cung... Do đó, để chẩn đoán chính xác bệnh phải khám chuyên khoa sản, làm một số xét nghiệm như siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, làm công thức máu, chụp Xquang bụng...

Theo Phụ Nữ Sức Khỏe

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X