Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh gout

Gout là một bệnh lý mạn tính cơ xương khớp, rối loạn chuyển hóa nhân purin do sự thay đổi bất thường lượng urat bên trong cơ thể. Ðặc trưng đầu tiên của bệnh là những cơn viêm khớp cấp tái phát, thường ở một khớp và sau đó là tình trạng viêm khớp biến dạng mạn tính.

1. Bệnh gút (gout) là gì?

Bệnh gút là một dạng bệnh lý do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gút lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp và gây viêm, sưng và đau đớn cho người bệnh.

Bệnh gút đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát, người bệnh thường xuyên bị đau đớn đột ngột giữa đêm và sưng đỏ các khớp khi đợt viêm cấp bùng phát, đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh gout

Bình thường chỉ số acid uric trong máu được duy trì ở mức cố định đối với nam giới: 210 - 420 umol/L và 150 - 350 umol/L đối với nữ giới. Khi thận không thải được acid uric hoặc do cơ thể tạo ra quá nhiều hoặc do bất thường trong chu trình tạo ra acid này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gút.

Các tinh thể urat dư thừa có thể tích tụ trong khớp của bạn trong nhiều năm mà không hề gây ra triệu chứng. Các tinh thể này có cấu trúc nhỏ, cứng, sắc nhọn có thể cọ xát vào màng hoạt dịch  gây sưng, đau và viêm nhiều. Khi điều này xảy ra tạo thành các đợt gút cấp.

Purine là chất tự nhiên tồn tại ở trong thực phẩm, mỗi loại thực phẩm đều có hàm lượng purine khác nhau, đặc biệt ở một số nhóm thịt, cá, hải sản… có chứa hàm lượng chất này cao. Khi tiêu hóa purine, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra một chất gọi là acid uric và nếu tiêu thụ có nhiều thực phẩm chứa purine đồng nghĩa với việc sản sinh acid uric dư thừa.

a. Nguyên nhân nguyên phát (vô căn)

Đây là nguyên nhân chiếm đa số các trường hợp, gút thường gắn liền với yếu tố di truyền hoặc cơ địa. Người bị bệnh gút vô căn có quá trình tổng hợp purine nội sinh làm tăng acid uric quá mức. Bệnh phần lớn gặp ở nhóm nam giới độ tuổi trên 40, có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh.

b. Nguyên nhân thứ phát

Là tình trạng tăng acid uric máu do một số bệnh lý hay một số nguyên nhân khác như mắc một số bệnh về máu như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcome hạch, đau tủy xương, hoặc quá trình sử dụng thuốc khi điều trị bệnh lý ác tính.

Triệu chứng bệnh gút thường xảy ra đột ngột và vào ban đêm. Trong một số trường hợp, bệnh gút không có dấu hiệu ban đầu. Các biểu hiện của bệnh gút thường xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc gút cấp tính hoặc mãn tính.

3. Triệu chứng của bệnh gout

Ở giai đoạn đầu, một số người được ghi nhận nồng độ acid uric trong máu tăng nhưng không xuất hiện triệu chứng được gọi là tăng acid uric máu. Theo thời gian, khi nồng độ này tăng cao không hạ dẫn đến sự tích tụ các tinh thể urat gây ra các cơn đau khớp. Bệnh thường xảy ra đột ngột, các cơn đau dữ dội đến âm ỉ và thường xuất hiện vào ban đêm. Có thể nhận biết cơ thể đang mắc bệnh thông qua các biểu hiệu sau:

- Đau khớp dữ dội: Triệu chứng đau xảy ra phần lớn ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay. Các khớp ở háng, vai và vùng chậu thì tần suất xảy ra ít hơn. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu.

- Đau âm ỉ, kéo dài: Sau cơn đau dữ dội của đợt cấp, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau âm ỉ trong thời gian sau đó, cơn đau có thể vài ngày hoặc vài tuần, tần suất lần sau sẽ đau và kéo dài hơn lần trước.

- Viêm và tấy đỏ: Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, mềm, nóng và đỏ.

- Giới hạn phạm vi hoạt động khớp: Khi bệnh gút tiến triển, bạn có thể không thể cử động khớp bình thường.

Xem thêm: 5 cách ăn đông trùng hạ thảo Tây Tạng cho người bệnh GOUT

4. Phân loại gout

Bệnh gút được phân loại theo giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể:

a. Tăng acid uric máu không triệu chứng 

Một người có thể bị tăng nồng độ acid uric mà không có bất kỳ triệu chứng bên ngoài nào. Ở giai đoạn này, người bệnh chưa cần điều trị, mặc dù các tinh thể urat có thể lắng đọng trong mô và gây ra tổn thương nhẹ. 

Nếu kết quả xét nghiệm máu có tăng acid uric nhưng không có biểu hiện của bệnh trên lâm sàng, bệnh nhân nên đến chuyên khoa cơ xương khớp để có được tư vấn thích hợp.

b. Bệnh gout cấp tính

Các tinh thể urat lắng đọng có cấu trúc nhỏ, cứng, sắc nhọn khi cọ xát vào lớp niêm mạc mềm của khớp, được gọi là bao hoạt dịch, gây sưng đau và viêm rất nhiều. Khi điều này xảy ra tạo thành các đợt gút cấp. 

Các đợt cấp này có thể được “kích hoạt” sau khi người bệnh gặp căng thẳng, vừa trải qua một bữa tiệc rượu, sau bữa ăn thịnh soạn hay sử dụng ma túy, nhiễm lạnh… cũng có thể khiến bệnh bùng phát. 

c. Gout mãn tính giai đoạn tạm ổn định giữa các đợt cấp

Đây là giai đoạn giữa của các đợt cấp, khoảng tái phát các đợt cấp thường không xác định, có thể vài tháng, hoặc vài năm, điều này tùy thuộc vào quá trình điều trị cũng như việc cân bằng lối sống của bệnh nhân. 

Theo thống kê, có khoảng 62% trường hợp bị tái phát trong năm đầu tiên, 16% trong 1-2 năm, 11% trong 2-5 năm, và 7% không tái phát trong 10 năm trở lên. Thời gian này, các tinh thể urat vẫn tiếp tục lắng đọng và tích tụ trong các mô cơ thể.

d. Gout mãn tính có biến chứng

Đây là bệnh gây nhiều phiền toái và suy nhược cho người bệnh nhất. Ở giai đoạn mãn tính bệnh nhân xuất hiện những hạt tophi lớn xung quanh các khớp, thậm chí ở trong các mô cơ, trong thận gây tổn thương nghiêm trọng ở khớp và thận, nếu không được điều trị trong thời gian dài sẽ dẫn đến giai đoạn mãn tính. 

e. Giả gout

Một tình trạng dễ bị nhầm lẫn với bệnh gút là bệnh giả gút hay còn gọi là bệnh lắng đọng calcium pyrophosphate dihydrate. Các triệu chứng của bệnh này rất giống với dấu hiệu của bệnh gút, mặc dù các đợt bùng phát thường ít nghiêm trọng hơn.

Sự khác biệt chủ yếu giữa bệnh gút và bệnh giả gút là các khớp bị kích thích bởi các tinh thể canxi pyrophosphat hơn là các tinh thể urat. Bệnh nhân cũng có yêu cầu điều trị khác với bệnh gout.

5. Các biến chứng có thể gặp phải

Người bệnh gút có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, cụ thể:

a. Bệnh thận mạn tính

Bệnh thận mạn tính là một trong những biến chứng mà người bệnh gout cấp tính cần lưu ý và phòng ngừa ngay từ đầu. Vì sự hình thành bệnh gout có liên quan đến khả năng lọc của thận, việc acid uric không được lọc hết, tồn đọng bên trong cơ thể người trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người bị gout biến chứng thành sỏi thận là 20%.

Sỏi thận do muối urat gây nên có thể làm tổn thương đến thận, gây viêm nhiễm, thậm chí để lại sẹo. Từ đó, biến chứng mắc bệnh thận mạn của bệnh nhân gout cũng sẽ tăng cao.

b. Tăng huyết áp

Nồng độ acid uric có mối liên hệ với huyết áp, vì vậy khi nồng độ của acid uric tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp. Cụ thể, việc acid uric trong máu cao sẽ khiến áp suất và lưu lượng của máu thay đổi, từ đó gây ra huyết áp cao cho người bệnh gout cấp.

Xem thêm: Ai có nguy cơ mắc bệnh gout?

c. Tiểu đường

Tiểu đường, còn gọi là đái tháo đường là một cảnh báo lớn cho những bệnh nhân bị gout cấp. Các bác sĩ đã chỉ ra rằng đái tháo đường có mối liên hệ khá chặt chẽ, do vậy bệnh gout có thể làm gia tăng nguy cơ bị đái tháo đường.

Để phòng ngừa biến chứng đái tháo đường, người bệnh cần điều trị gout cấp tính ngay khi phát hiện. Đồng thời, tối ưu quá trình điều trị bệnh bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng các thực phẩm có nguy cơ làm lượng đường trong máu tăng cao, thường xuyên. Việc này không chỉ giúp người bệnh hạn chế nguy cơ gặp biến chứng đái tháo đường mà còn phòng tránh trường hợp bệnh gout tái phát sau này.

d. Tăng lipid máu

Gout là do hàm lượng acid uric cao khiến các tinh thể urat lắng đọng tại các khớp và gây ra viêm sưng gout. Sự tăng cao bất thường của acid uric có thể gây ra rối loạn lipid máu, trong đó có tăng lipid máu.

e. Bệnh tim mạch

Gout cấp tính không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về tim mạch nhưng thống kê từ các ca bệnh cho thấy, người bị gout có nguy cơ đau tim và đột quỵ cao gấp đôi so với người không bị gout.

Đặc biệt, nếu gout xảy ra ở người cao tuổi, sức đề kháng yếu hoặc người có bệnh sử tim mạch sẽ dễ gặp rủi ro tử vong do suy tim.

f. Suy gan

Suy gan có thể phát triển từ gout, tương tự như các bệnh lý về thận và tim mạch. Sự thay đổi hàm lượng acid uric trong máu sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của một số bộ phận, bao gồm gan.

Những ảnh hưởng mà gout gây ra cho những cơ quan khác đều là những tác động xấu, không nên kéo dài vì sẽ khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X