Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị chứng phù?

Phù có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường thấy ở tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân.

Định nghĩa

Phù là tình trạng sưng nề do chất lỏng dư thừa bị mắc kẹt trong các mô của cơ thể. Phù có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường thấy ở tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân.

Phù có thể là kết quả của việc dùng thuốc, thai nghén hoặc một bệnh lý tiềm ẩn - như suy tim, bệnh thận hoặc xơ gan.

Dùng thuốc để loại bỏ chất lỏng thừa và giảm lượng muối trong thực phẩm của bạn thường là hai cách có thể làm giảm phù. Nhưng khi phù là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn, ngoài việc điều trị triệu chứng phù, bạn còn cần được điều trị bệnh đó nữa.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của phù bao gồm:

- Sưng hoặc phồng mô ngay dưới da.
- Da căng bóng.
- Da mềm, ấn lõm.
- Tăng kích cỡ vòng bụng.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Hãy đặt hẹn với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng trên.

Hãy khám cấp cứu nếu bạn có kèm các dấu hiệu:

- Khó thở.
- Tức ngực.

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu phù phổi, một chứng bệnh cần phải điều trị kịp thời.

Ngoài ra, nếu bạn ngồi lâu, ví dụ như khi đi máy bay đường dài và bạn thấy sưng và đau chân kéo dài, hãy đi khám sớm vì đó có thể là dấu hiệu của tắc tĩnh mạch sâu của chân (huyết khối tĩnh mạch chi dưới).

Nguyên nhân

Phù xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong cơ thể bạn (mao mạch) bị rò rỉ dịch. Các chất lỏng này tích tụ vào các mô xung quanh, dẫn đến sưng tấy.

Các trường hợp phù nhẹ, nguyên nhân có thể là do:

- Ngồi hoặc đứng ở một vị trí quá lâu.
- Ăn quá nhiều thức ăn mặn.
- Dấu hiệu và triệu chứng trước kì kinh nguyệt.
- Mang thai.

Phù cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm:

- Thuốc điều trị cao huyết áp.
- Thuốc chống viêm không steroid.
- Thuốc steroid.
- Estrogens.
- Một số loại thuốc tiểu đường như thiazolidinediones.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, phù có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm hơn. Các bệnh có thể gây phù là:

- Suy tim xung huyết. Suy tim xung huyết xảy ra khi một hoặc cả 2 buồng tim dưới (thất phải và thất trái) mất khả năng co bóp tống máu một cách hiệu quả. Máu và dịch có thể ứ đọng ở chân, mắt cá chân và bàn chân gây ra triệu chứng phù. Suy tim cũng có thể làm ứ dịch trong ổ bụng (cổ chướng) và đôi khi là tích tụ dịch ở phổi (phù phổi) khiến người bệnh khó thở nhiều.

- Xơ gan. Xơ gan có thể khiến dịch ứ đọng trong ổ bụng (cổ chướng) và phù ở chân do tế bào gan bị huỷ hoại.

- Bệnh thận. Nếu bạn bị bệnh thận, dịch và muối không bị thải ra ngoài sẽ gây ra phù. Phù trong bệnh thận thường xảy ra ở chân và quanh mắt.

- Hội chứng thận hư. Đây là bệnh do tổn thương các cầu thận khiến cho quá nhiều protein bị mất qua nước tiểu dẫn đến nồng độ protein trong máu giảm và gây phù.

- Các tĩnh mạch ở chân bị yếu hoặc bị tổn thương (suy tĩnh mạch chi dưới). Trong tĩnh mạch có những van một chiều giúp dòng máu chỉ di chuyển về tim mà không đi theo chiều ngược lại. Khi những van này bị tổn thương hoặc bị suy, máu sẽ ứ đọng dưới chân và gây phù. Tuy nhiên nếu một chân đột nhiên sưng kèm đau thì rất có thể bạn bị tắc tĩnh mạch do huyết khối. Khi đó, bạn cần đi khám ngay lập tức.

- Hệ thống bạch mạch bất thường. Bình thường hệ thống bạch mạch trong cơ thể giúp loại bỏ các dịch thừa ra khỏi các mô. Nếu hệ thống này bị tổn thương, ví dụ như sau phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết để điều trị ung thư, các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết có thể không lưu thông dịch bình thường gây ra phù.

Các yếu tố nguy cơ

Trong mỗi hoàn cảnh bệnh khác nhau, phù xảy ra khi có các yếu tố nguy cơ khác nhau.

Ở phụ nữ có thai, do cần tăng lượng dịch cung cấp cho thai nhi và rau thai, cơ thể của người phụ nữ khi đó sẽ tăng trữ dịch và muối nhiều hơn bình thường và điều đó làm tăng khả năng bị phù.

Khi dùng một số loại thuốc, bạn cũng có nhiều khả năng bị phù, như:

- Thuốc điều trị huyết áp.
- Thuốc chống viêm không steroid.
- Thuốc steroid.
- Một số thuốc điều trị tiểu đường như thiazolidinedione.

Nếu bị các bệnh mạn tính như suy tim, bệnh gan, bệnh thận, bạn cũng tăng nguy cơ bị phù hoặc phẫu thuật gây tắc nghẽn các hạch bạch huyết cũng có thể dẫn đến phù một tay hoặc một chân.

Biến chứng

Nếu không được điều trị, phù có thể gây ra:

- Đau và sưng tăng lên.
- Đi bộ khó khăn.
- Da căng bóng, có thể trở nên ngứa và khó chịu.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vùng da bị phù.
- Sẹo giữa các lớp mô.
- Giảm tuần hoàn máu.
- Giảm độ co dãn của động mạch, tĩnh mạch, khớp và cơ.
- Tăng nguy cơ loét da.

Chuẩn bị đi khám như thế nào?

Khi bị phù, bạn có thể đặt hẹn khám với bác sĩ tim mạch hoặc bác sĩ tiêu hoá hoặc bác sĩ tiết niệu.

Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị cho cuộc hẹn và những gì mong đợi từ bác sĩ.

Bạn nên làm gì?

- Nên nhịn ăn vì nhiều khả năng bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu kiểm tra.

- Ghi lại bất kỳ triệu chứng nào mà bạn đang gặp, bao gồm bất kỳ điều gì, thậm chí có vẻ như không liên quan đến lý do bạn cần đi khám.

- Lập danh sách các thông tin sức khoẻ chính của bạn, bao gồm bất kỳ bệnh nào khác mà bạn đang điều trị, tên của bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc thuốc bổ nào bạn đang dùng.

- Viết lại các câu hỏi để hỏi bác sĩ. Mang theo giấy bút để ghi lại thông tin khi bác sĩ trả lời các câu hỏi của bạn.

Vì thời gian gặp bác sĩ có hạn, bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Các bác sĩ của chúng tôi tại BV Tim Hà Nội sẽ sẵn lòng giải đáp các thắc mắc này. Đối với chứng phù, một số câu hỏi cơ bản bạn nên hỏi bác sĩ là:

- Nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
- Tôi cần phải làm những xét nghiệm nào? Các xét nghiệm này có cần phải chuẩn bị đặc biệt gì không?
- Bệnh của tôi có phải chỉ là tạm thời không?
- Tôi có cần phải điều trị không?
- Có những phương pháp điều trị gì?
- Tôi còn có những bệnh khác. Liệu việc điều trị này có ảnh hưởng đến các bệnh kia không?
- Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?

Bác sĩ sẽ hỏi những gì?

Để khoanh vùng chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để trả lời. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian cho cả bạn và bác sĩ. Một số câu hỏi có thể là:

- Ông/bà đang có những triệu chứng gì?
- Ông/bà có những triệu chứng này bao lâu rồi?
- Các triệu chứng này xuất hiện theo kiểu đến rồi đi hay là liên tục có?
- Trước đây ông/bà đã bị phù chưa?
- Điều gì có thể làm cho các triệu chứng của ông/bà đỡ hơn?
- Bạn có thấy đỡ phù sau khi ngủ dậy không?
- Điều gì có thể làm cho các triệu chứng của ông/bà nặng lên?
- Ông/bà thường ăn loại thực phẩm nào?
- Ông/bà có hạn chế lượng muối và các thức ăn mặn không?
- Ông/bà có uống rượu không?
- Ông/bà có đi tiểu bình thường không?
- Ông/bà có nhận thấy phù ở khắp cơ thể không hay chỉ phù ở một khu vực, chẳng hạn như cánh tay hoặc chân?
- Phù có giảm đi nếu ông/bà nâng chân bị phù lên trên mức tim trong một giờ không?

Xét nghiệm và chẩn đoán

Để tìm hiểu nguyên nhân gây phù, bác sĩ sẽ khám thực thể và hỏi bạn những câu hỏi về tiền sử bệnh. Thông tin này thường là đủ để xác định nguyên nhân gây phù của bạn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cần chỉ định chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu hoặc phân tích nước tiểu.

Điều trị và thuốc

Phù nhẹ thường tự mất đi, đặc biệt nếu bạn nâng chân hoặc tay bị phù cao hơn mức tim.

Phù nặng hơn có thể cần được điều trị bằng các thuốc giúp cơ thể bạn thải bớt chất lỏng dư thừa dưới dạng nước tiểu (thuốc lợi tiểu). Một trong những thuốc lợi tiểu thông thường nhất là furosemide (Lasix). Tuy nhiên, bạn không được tự ý sử dụng các thuốc lợi tiểu khi không có chỉ định của bác sĩ vì các thuốc này cũng có thể gây các rối loạn điện giải rất nguy hiểm.

Điều trị lâu dài thường tập trung vào việc điều trị bệnh lý nền gây phù. Nếu phù xảy ra do dùng thuốc, bác sĩ có thể điều chỉnh đơn thuốc của bạn hoặc đổi bằng thuốc không gây phù.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Những mẹo dưới đây có thể giúp bạn bớt phù và ngăn ngừa phù quay trở lại. Tuy nhiên, tuỳ nguyên nhân gây phù khác nhau mà các cách này có thể chỉ phù hợp với một số người này mà không hợp với người khác. Hãy trao đổi với bác sĩ xem cách nào phù hợp với bệnh của mình trước khi thử nhé.

- Vận động. Vận động và sử dụng các cơ ở vùng cơ thể bị phù có thể giúp bơm chất lỏng dư thừa trở lại tim. Hãy hỏi bác sĩ về các bài tập mà bạn có thể làm để giảm sưng.

- Nâng cao. Giữ phần cơ thể bị phù cao hơn mức tim vài lần trong ngày. Ví dụ như kê chân khi nằm ngủ bằng cách chèn một cái gối hoặc chăn dưới chân có thể giúp bạn bớt phù vào buổi sáng hôm sau.

- Xoa bóp. Vuốt dọc phần bị phù theo hướng tim một cách dứt khoát nhưng không gây đau. Áp lực của các động tác này có thể giúp di chuyển các chất lỏng dư thừa ra khỏi khu vực đó.

- Đi tất áp lực. Nếu chân hoặc tay của bạn bị phù, bác sĩ có thể tư vấn bạn đi tất áp lực, tay áo áp lực hoặc găng tay áp lực để làm giảm phù.

- Bảo vệ. Giữ cho vùng bị phù sạch sẽ, dưỡng ẩm và tránh thương tích vì da khô, nứt nẻ thường dễ bị xước, toác da và nhiễm trùng. Luôn luôn mang giày hoặc tất bảo vệ bàn chân của bạn nếu đó là nơi sưng thường xảy ra.

- Giảm lượng muối tiêu thụ. Hãy làm theo khuyến cáo của bác sĩ về việc hạn chế lượng muối tiêu thụ. Muối có thể làm tăng sự giữ chất lỏng và làm trầm trọng thêm chứng phù.

Chúc các bạn có một trái tim khoẻ!

* Bài viết này được soạn bởi các bác sĩ của BV Tim Hà Nội.

Theo BV Tim Hà Nội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X