Hotline 24/7
08983-08983

Nguy hiểm tiềm tàng từ phong trào cho - nhận sữa mẹ

Hiểu được sự quý giá của sữa mẹ, ngày càng có nhiều “mẹ sữa” chia sẻ sữa của con mình cho những em bé khác. Không ít những em bé mới sinh dị ứng sữa ngoài, sinh non, mồ côi, mẹ đẻ mổ… đã bú những giọt sữa đầu tiên từ những người mẹ xa lạ.


NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hiện nay có khá nhiều hội/ nhóm cho - tặng sữa mẹ được thành lập trên mạng xã hội để giúp đỡ các bà mẹ không đủ sữa cho con bú. Nhiều bà mẹ có con dị ứng sữa ngoài cũng tìm sữa cho con và nhận được sự giúp đỡ của những bà mẹ khác. Theo BS, hoạt động này có ưu điểm, nhược điểm gì?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Hoạt động này có nhiều ưu - nhược điểm như:

     * Ưu điểm: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá giúp cho sự phát triển của trẻ, làm tăng sức đề kháng và phòng chống bệnh.

     * Nhược điểm:

- Nguồn sữa mẹ nhận được không phù hợp với lứa tuổi con mình khi trẻ uống vào sẽ gây suy dinh dưỡng cho trẻ.

- Người mẹ cho sữa có bị nhiễm các loại bệnh khi đang sử dụng thuốc thì sữa cũng bị nhiễm bệnh theo.

- Nguồn sữa bẩn không an toàn, không hợp vệ sinh, trữ không đúng cách khi trẻ uống vào sẽ bị nhiễm bệnh.

- Không kiểm soát được chất lượng sữa làm cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng khi uống sữa người khác.

Do đó, các mẹ nên cân nhắc khi cho con mình uống sữa mẹ người khác, có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe trẻ.


2. Theo BS, sữa mẹ sau khi được vắt ra khỏi bầu sữa, được trữ trong các dụng cụ như chai, túi rồi đông đá… có thay đổi về chất lượng không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Sữa mẹ sau khi được vắt ra khỏi bầu sữa, được trữ trong các dụng cụ như chai, túi rồi đông đá thì sẽ thay đổi về chất lượng, không nên cho trẻ uống.
 Sữa mẹ sau khi được vắt cần ghi chú thời gian

- Những chai, túi nhựa không chuyên dụng thường không được sát khuẩn và có thể chứa các thành phần hóa chất nguy hại, làm nhiễm khuẩn sữa mẹ. Do đó, tốt nhất, bạn nên dùng các túi trữ sữa chuyên dụng hoặc sử dụng chai thủy tinh có nắp đậy kín.

- Thêm một lưu ý nữa là khi bảo quản sữa ở ngăn đá, mẹ nên đặt sữa trong ngăn mát rồi chuyển lên ngăn đá. Thực hiện tương tự, khi muốn rã đông sữa, mẹ nên chuyển sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát một thời gian cho sữa tan đá rồi mới hâm nóng cho trẻ bú.     
                  

3. Người nhận có thể nhận ra sữa kém chất lượng, sữa bị hư hỏng dựa trên màu sắc, mùi vị của sữa không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Người nhận có thể nhận ra sữa kém chất lượng, sữa bị hư hỏng do bảo quản không tốt bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được như bề mặt nổi lên váng hơi vàng không hòa tan, mùi hôi khó chịu, nếm sữa có vị lạ,…

- Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể nhận biết được sữa đang mang mầm bệnh truyền nhiễm, người mẹ cho sữa đang sử dụng thuốc điều trị bệnh, thuốc kích thích hay thuốc gây nghiện.


4. Trường hợp người nhận sữa không biết được rằng từ lúc vắt sữa ra đến lúc đông đá là bao lâu, có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay không… nếu sữa mẹ cho - tặng không được lưu trữ đúng cách, không được xử lý thanh trùng thì sẽ nguy hiểm thế nào khi cho trẻ sử dụng, thưa BS?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trường hợp người nhận sữa không biết được rằng từ lúc vắt sữa ra đến lúc đông đá là bao lâu, có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay không… nếu sữa mẹ cho - tặng không được lưu trữ đúng cách, không được xử lý thanh trùng thì sẽ nguy hiểm khi cho trẻ sử dụng như:

- Cho trẻ bú sữa mẹ cho sẽ  ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa nhất làm trẻ bị tiêu chảy ngay sau khi bú sữa.

- Gây co thắt dạ dày, khiến trẻ bị đau bụng, sôi bụng, đầy bụng, khó chịu và quấy khóc.

- Bị đau bụng, đi ngoài, nặng hơn nôn mửa ngay lập tức.

- Sữa bị nhiễm khuẩn chất lượng không được đảm bảo khi trẻ bú vào cũng bị nhiễm khuẩn theo, gây tiêu chảy, nôn mửa, nặng hơn có thể bị ngộ độc, nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.


5. Xin BS cho biết, những bệnh truyền nhiễm nào có thể lây truyền qua sữa mẹ việc đông đá có đủ làm chết mầm bệnh hay không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

- Những bệnh truyền nhiễm nào có thể lây truyền qua sữa mẹ như: lao, HIV, Virus herpes simplex, thủy đậu,Viêm gan siêu vi B, C.

- Việc đông đá không làm chết mầm bệnh.

- Người cho sữa mang nhiều bệnh truyền nhiểm sẽ làm ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe cho trẻ nhận sữa như các bà mẹ bị nhiễm HIV cho sữa mẹ hay bị viêm gan B thì rất nguy hiểm cho trẻ.

- Việc làm vệ sinh đúng cách và đúng quy trình lúc vắt sữa để sữa được an toàn và chất lượng không phải mẹ nào cũng biết. Vì có nhiều mẹ còn bị các bệnh viêm nhiễm ở vú có nhiều vi khuẩn trú ngụ, khi vắt cho sữa mẹ thì có dịch trong sữa làm đứa trẻ nhận sữa có thể mang các mầm bệnh lây qua dịch tiết.

- Mặc dù sữa mẹ là dinh dưỡng đặc biệt rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc lấy sữa của bà mẹ có sữa dư thừa cho con mình bú là điều không nên làm vì không ai kiểm soát được hay biết được hết những bệnh tật của bà mẹ cho sữa đang mang trong người.

- Nếu gia đình nào có nhu cầu dùng sữa mẹ cho con khi mình ít sữa, khi nhận sữa cho con thì sữa mẹ tốt nhất là của người quen biết, hay biết rõ tình trạng sức khỏe, đảm bảo người cho sữa không nhiễm các bệnh có thể lây cho trẻ qua đường sữa mẹ.

Ngoài ra, quá trình lưu trữ và vận chuyển không đúng cách sẽ phát sinh ra nhiều vi khuẩn khi trẻ uống vào dễ nhiễm bệnh cho trẻ.


6. Nếu cho trẻ bú sữa trữ đông từ nhiều mẹ (người quen, người thân) thì có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ không, thưa BS?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Nếu cho trẻ bú sữa trữ đông từ nhiều mẹ (người quen, người thân) nếu không phù hợp với lứa tuổi trẻ, trữ đông không đúng cách thì sẽ gây rối loạn đường tiêu hóa của trẻ nhất là tiêu chảy, đầy bụng, đầy hơi hay các bệnh viêm nhiễm khác.

Nếu vẫn muốn xin sữa mẹ cho con, mẹ cần nhớ những điều sau :

- Nên xin sữa của những người thân quen, biết rõ nguồn gốc, nhân thân, tình trạng sức khỏe.

- Cần đảm bảo người cho sữa đã khám sức khỏe kỹ càng trước khi sinh, và không mắc các bệnh truyền nhiễm, viêm gan, HIV…

- Sữa mẹ sau khi vắt phải hợp vệ sinh,  đúng quy trình và bảo quản trữ đông và rã đông đúng cách.

- Không hâm cách thủy hay hâm sữa bằng lò vi sóng.


7. So với việc xin sữa cấp đông, theo BS việc bé bú nhờ (bú thét) có an toàn hơn không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Việc cho trẻ bú nhờ sữa từ các bà mẹ khác, đặc biệt là không phải là người quen sẽ có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nếu người cho sữa mắc các bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, bệnh về tuyến vú, dị ứng sữa,… Ngoài ra, nếu người cho sữa đang sử dụng các loại thuốc, chất kích thích thì cũng ảnh hưởng đến sữa cho và không an toàn cho trẻ khi uống vào.

Việc bú thét có an toàn hơn không?

Ngoài ra, khi cho trẻ bú nhờ người khác, vì như vậy mẹ sẽ mất sữa đi và không tạo được tình cảm giữa mẹ và con.


8. Quan niệm của người Việt là thích con bụ bẫm, mập mạp do đó thấy con không tròn trịa là sợ bé thiếu sữa. Theo BS, có cách nào đánh giá chính xác trẻ có bị thiếu sữa hay không? Hiện nay có xét nghiệm cho biết trẻ đang thiếu chất gì không ạ?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Bé bị thiếu sữa có thể quan sát từ mẹ không có sữa cho con bú.

Ngoài ra, có thể quan sát từ trẻ theo tiêu chuẩn phát triển thể chất cân nặng trẻ sơ sinh, một em bé khỏe mạnh cần có tỉ lệ tăng trưởng như sau:

      * Bé sơ sinh – 3 tháng cần tăng 150-200g/tuần.

      * 3 tháng – 6 tháng bé nên tăng 100-150g/tuần.

      * 6 tháng – 12 tháng trẻ sẽ tăng tầm 70-90g/tuần.

Do đó, trong thời gian cho con bú, mẹ cần chịu khó quan sát từ cách con bú, con nuốt sữa cho đến các biểu hiện bú sữa của con như :

- Trẻ bú được 1 ít rồi bỏ không thèm bú tiếp hay bé không tập trung lúc bú do sữa mẹ ít khiến trẻ bú một lúc rồi ngừng bú.

- Trẻ hay quấy khóc, chậm tăng cân và không phát triển chiều cao.

-  Lượng phân và lượng nước tiểu của trẻ ít.

- Nếu trẻ có nước tiểu sẫm màu, khô miệng hoặc vàng da hoặc trẻ thờ ơ và miễn cưỡng bú có thể bị mất nước. Đây cũng là một trong những biểu hiện của việc thiếu sữa, ít sữa, mất sữa mẹ.

- Khi thấy có các dấu hiệu trên, mẹ tuyệt đối không được chủ quan và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân  mất sữa để khắc phục chữa mất sữa nhanh chóng và sớm nhất.

Xét nghiệm máu là cách đơn giản nhất để kiểm tra hàm lượng các vi chất và mức độ thiếu hụt trong cơ thể trẻ em. Trẻ sẽ được chẩn đoán tình trạng thiếu máu, thiếu sắt do thiếu hụt các vi chất, vi lượng, tìm ra nguyên nhân còi xương do thiết hụt vitamin D. Các xét nghiệm này còn áp dụng tìm ra sự thiếu hụt của các vi chất như: sắt huyết thanh, ferritin, kẽm, magie, vitamin B12, folate,...

Do vậy, nếu nghi ngờ con trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng bạn có thể cho bé làm xét nghiệm hoặc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần giúp trẻ sớm phát hiện các bệnh tiềm ẩn và đảm bảo tình trạng sức khỏe để bé được phát triển tốt nhất.


9. Vậy theo BS, các bà mẹ không đủ sữa cho con bú, hoặc có con dị ứng với sữa ngoài nên chọn giải pháp nào là hợp lý để đảm bảo dinh dưỡng cho con?

BS. CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Các bà mẹ không đủ sữa cho con bú, hoặc có con dị ứng với sữa ngoài để đảm bảo dinh dưỡng cho con thì nên tìm ra nguyên nhân gây mất sữa để khắc phục tình trạng này các mẹ có thể áp dụng phương pháp sau :

- Phải để trẻ bú đúng cách là mặt của trẻ phải hướng vào ngực mẹ và cằm trẻ chạm vào bầu vú.

- Ôm trẻ sát vào mẹ khi cho bú sẽ giúp kích hoạt các nội tiết tố thúc đẩy quá trình tạo sữa và tạo tình cảm giữa mẹ và con.

- Cho trẻ bú thường xuyên hai bên vú để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.

- Cho trẻ bú mỗi một tiếng một lần, đổi bên cho trẻ bú mỗi bên hai lần vào mỗi lần bú để giúp sản sinh sữa cho mẹ nhiều hơn.

- Trong khi cho trẻ bú, massage và bóp nhẹ bầu ngực cùng lúc giúp nặn bớt sữa trong bầu ngực ra, đồng thời nó cũng giúp kích thích ngực tạo ra dòng sữa mới.

- Mẹ nên có một chế độ ăn uống lành mạnh và nhiều dinh dưỡng. Tránh uống các loại nước có ga hoặc chứa chất kích thích như trà và cà phê.

- Chế độ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để giúp bổ sung lại nguồn sữa và năng lượng cho mẹ.

- Giữ cho tâm trạng thanh thản và thoải mái, luôn tự tin và lạc quan. Quá trình tạo sữa sẽ bị tác động nếu mức độ căng thẳng của mẹ tăng cao. Và khả năng tiết sữa sẽ dễ dàng hơn nếu mẹ không cảm thấy lo lắng.

- Dành nhiều thời gian ở bên con.

- Nếu các phương pháp này không cải thiện tăng sữa thì đến bệnh viện để bác sĩ kê đơn để tăng lượng sữa.

Theo Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.com

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X