Hotline 24/7
08983-08983

Nguy hiểm sốt xuất huyết ở người lớn

Ngày 9-7, một nam thanh niên 24 tuổi (Vũng Tàu) tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhân trước đó có bệnh nền là lao hạch.

Liên tục thời gian gần đây người bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, số ca tử vong nhiều. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM có năm người tử vong do SXH, trong đó hai ca tử vong ngay trong tháng 6.

Tăng mạnh ca bệnh nặng người lớn

Ghi nhận tại khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) vào sáng 9-7, tất cả giường bệnh ở các buồng bệnh chật kín bệnh nhân. Dọc lối đi hành lang, nhiều giường bệnh được kê thêm cho những bệnh nhân mắc SXH.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang nằm điều trị tại khoa nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Nhập viện từ ngày 7-7 vì mắc SXH, đến nay toàn thân nam sinh N.H.Q. (16 tuổi) vẫn còn ê ẩm, khắp chân tay nổi nhiều mẩn đỏ, miệng khô nứt nẻ, ngồi dậy còn khó khăn...

Anh P.Q.H. (35 tuổi) cũng mắc SXH và nhập viện trễ vào ngày 6-7. Trước đó vào ngày 3-7, anh H. có biểu hiện sốt, lạnh, đau đầu. Tưởng sốt thông thường, anh H. đến tiệm thuốc tây, tại đây dược sĩ chẩn đoán sốt siêu vi và kê thuốc uống trong vòng 3 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm.

BS CKI Trần Thị Đông Viên - phó khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết trước tình trạng gia tăng bệnh nhân mắc SXH, các khoa, phòng của bệnh viện đã bố trí khoa nhiễm D thêm 22 giường bệnh để tiếp nhận các ca điều trị nội trú.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), trong 6 tháng đầu năm 2019, số ca SXH bệnh viện này điều trị tăng 41% (5.161 ca) so với cùng kỳ năm 2018 (2.136 ca). Đáng chú ý, các ca bệnh nặng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là người lớn.

Tại Đồng Nai, bệnh SXH cũng tăng sớm hơn mọi năm. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, số mắc SXH cũng tăng mạnh trong 2 tuần trở lại đây. Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cả 2 khoa nhiễm đều chật kín bệnh nhân nằm điều trị.

"Trước đây trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 50 bệnh nhân nằm điều trị nhưng từ đầu tháng 7 trở lại đây, không ngày nào dưới 60 bệnh nhân, cao điểm tới gần 70 bệnh nhân nằm điều trị. Mỗi ngày khoa tiếp nhận thêm 20-30 ca mới, 2/3 trong đó mắc SXH với nhiều ca nặng, vào viện trong giai đoạn sốc, không bắt mạch, đo huyết áp được" - BS Đồng Minh Hùng, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết.

Theo BS Hùng, nguyên nhân do một số bệnh nhân khá chủ quan, khi cảm thấy sốt, mệt thì ra tiệm mua thuốc về uống. Đến lúc bị nặng mới vào bệnh viện cấp cứu khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Tăng ào ạt

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc SXH nhập viện điều trị tại khoa tăng hơn một tháng nay và ngày càng nhiều.

Ngày 9-7, tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có đến 65 trẻ mắc, trong đó 11 trẻ bị SXH nặng (một ca phải thở máy). Có những trẻ bị SXH nhập viện trong tình trạng sốc, mạch và huyết áp không đo được.

Trong những tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã cứu sống nhiều trẻ mắc bệnh SXH nặng. Siêu vi SXH không đơn thuần gây sốc ở trẻ em mà còn tấn công vào cơ quan trẻ như gan, gây suy gan nặng, ngoài ra còn làm tổn thương đa cơ quan như suy tim, suy thận... Bác sĩ Đỗ Châu Việt dự báo bệnh SXH sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

BS CKI Trần Thị Đông Viên (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) khám bệnh ngày 9-7 - Ảnh: X.MAI

Cũng theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, hiện bệnh SXH đã bắt đầu vào mùa dịch năm 2019-2020. Từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu, số ca SXH điều trị ngoại trú, nhập viện đều gia tăng hằng tuần. Tính từ đầu năm đến nay, TP đã có 24.768 ca SXH, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm 2018 (8.959 ca).

Theo các bác sĩ, SXH ở người lớn nguy hiểm nhất là gây tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Người có bệnh lý đi kèm dễ gặp nguy hiểm

Bệnh SXH ở trẻ lớn, người lớn xuất hiện với tần suất nhiều hơn trước, nhiều người bệnh chủ quan khiến bệnh nặng thêm.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân SXH kết hợp với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng nên nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nghiêm trọng. Theo ghi nhận, bệnh nhân N.V.C. (26 tuổi, ở Hậu Giang) được chuyển đến với tình trạng SXH ngày thứ 5, xuất huyết tiêu hóa không cầm máu được.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân nôn ra máu đỏ tươi, đau thượng vị, tiêu phân đen... Các bác sĩ đã phải tiến hành nội soi dạ dày, kết hợp kẹp cầm máu hai lần, đồng thời truyền đến 10 đơn vị chế phẩm máu, truyền dịch, theo dõi...

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết tình trạng người lớn mắc SXH thường ít được chú ý, đặc biệt đối với bệnh nhân có bệnh lý kèm theo. Đây là bệnh cảnh SXH Dengue nặng (thể xuất huyết tiêu hóa) trên bệnh nhân có tiền căn loét dạ dày làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy người lớn và trẻ em khi có biểu hiện sốt kéo dài, có dấu xuất huyết trên da cần đến bệnh viện để được khám, điều trị.

T.LŨY


Số ca bệnh tăng gấp 3 lần

Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết 6 tháng đầu năm 2019, 60/63 tỉnh, thành trong cả nước có tổng số trên 80.000 ca mắc SXH, 6 người đã tử vong (có 6 địa phương có người tử vong do SXH).

Cục Y tế dự phòng cho biết có nhiều lý do dẫn đến SXH tăng cao, và các biện pháp chống dịch đều đã triển khai nhưng chưa có biện pháp nào thực sự "đặc hiệu". Những năm gần đây, mỗi năm trung bình có khoảng 100.000 ca mắc SXH, nhưng dự báo năm 2019 số mắc có thể tăng vượt con số này.

L.ANH

Theo Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X