Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ tử vong vì bệnh lý mạch máu

Có 90% bệnh lý động mạch thuộc loại mãn tính, 10% cấp tính. Nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong hoặc tàn phế rất cao.

Theo GS.BS Jean-Baptiste Ricco - cựu Chủ tịch Hiệp hội Mạch máu châu Âu, ngày càng có nhiều người mắc các bệnh lý về động mạch. Đây là những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến lối sống (béo phì, hút thuốc lá, rượu bia...). Khoảng 90% bệnh lý động mạch thuộc loại mãn tính, 10% cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong hoặc tàn phế nếu không điều trị kịp thời.

Giáo sư, bác sĩ Jean-Baptiste Ricco - cựu Chủ tịch Hiệp hội Mạch máu châu Âu.

GS.BS Jean-Baptiste Ricco - cựu Chủ tịch Hiệp hội Mạch máu châu Âu.

Có 3 loại bệnh mạch máu thường gặp và gây biến chứng nặng nề gồm hẹp động mạch cảnh, phình động mạch chủ bụng và tắc động mạch mãn tính chi dưới. Các bệnh lý này có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật mạch máu hiện đại, để ngăn ngừa biến chứng nếu được phát hiện sớm.

Hẹp động mạch cảnh

Động mạch cảnh là động mạch chính yếu, cung cấp máu cho não. Hẹp động mạch cảnh do mảng xơ vữa phát triển dày lên từ thành mạch, làm giảm lưu lượng dòng máu lên não. Các mảng xơ vữa hay huyết khối tích tụ ở vị trí động mạch hẹp, có thể gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển gây tắc mạch máu não, làm chết một phần não.

Tình trạng này gọi là thiếu máu não thoáng qua, dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sẽ sớm xảy ra ở khoảng 40% bệnh nhân. Vì vậy, tuyệt đối không được bỏ qua triệu chứng này.

Người hút thuốc lá, uống rượu, bị tăng mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh tiểu đường có nguy cơ hẹp động mạch cảnh cao hơn. Bệnh diễn biến âm thầm, hầu như không có biểu hiện trong thời gian dài, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm động mạch.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng như yếu liệt chân tay đột ngột; tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ một bên tay chân; khó nói hoặc cấm khẩu; mất thị lực một bên... sau vài phút đến vài giờ, nhiều khả năng đã bị hẹp động mạch cảnh.

BS Jean-Baptiste Ricco từng phẫu thuật cho một ca hẹp động mạch cảnh tại bệnh viện FV (TPHCM). Bệnh nhân 70 tuổi bị hẹp 80% động mạch cảnh chung và 90% động mạch cảnh trong trái. Điều đáng nói là người bệnh không có biểu hiện rõ ràng, người nhà chỉ phát hiện ra khi đưa đi thăm khám chứng mất trí nhớ tạm thời.

BS Jean-Baptiste Ricco cho biết, phẫu thuật cần tiến hành sớm nếu động mạch cảnh hẹp hơn 70%. Bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch ở vùng cổ để cố định và mở lòng động mạch cảnh ra, lấy sạch các mảng xơ vữa. Sau đó, tạo hình lại động mạch bằng phương pháp bắc cầu sử dụng mảnh ghép mạch máu nhân tạo.

Phình động mạch chủ bụng

Động mạch chủ bụng là một động mạch lớn nhất nằm trong ổ bụng, dẫn máu nuôi nửa phần dưới cơ thể. Bệnh xảy ra khi thành động mạch bị giãn hơn 50% so với bình thường. Khi đó, thành mạch yếu hơn dễ gây vỡ túi phình, dẫn đến tử vong do mất máu. Nguy cơ vỡ túi phình tăng 1-3% mỗi năm nếu đường kính đạt 4-5cm; 6% nếu đường kính 6-7cm và trên 20% khi đường kính rộng hơn 7cm.

90% nguyên nhân phình động mạch chủ bụng do xơ vữa động mạch. Ngoài ra, còn do nhiễm trùng, chấn thương, viêm động mạch… hoặc các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, thuốc lá, di truyền, giới tính. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi vỡ túi phình..

Ca phẫu thuật đối với bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng.

Ca phẫu thuật đối với bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng.

Theo BS Jean-Baptiste Ricco, có 2 phương pháp ngăn túi phình trước khi vỡ. Phẫu thuật mổ hở được thực hiện qua một đường rạch ở trên ổ bụng, thay thế đoạn động mạch chủ bụng bị phình bằng một ống ghép mạch máu nhân tạo.

Phương pháp khác là đặt stent phủ nội mạch, được tiến hành qua một đường rạch nhỏ ở đùi. Từ đường rạch này, bác sĩ sẽ đưa stent phủ đặt cố định vào bên trong lòng động mạch chủ bị phình. Stent có chức năng như mạch máu mới, cô lập túi phình với dòng máu. Phương pháp phẫu thuật này giúp bệnh nhân ít đau đớn và hạn chế biến chứng nguy hiểm, nhưng đòi hỏi tay nghề bác sĩ cao và điều kiện trang thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, bác sĩ cần nghiên cứu kỹ kết quả chụp CT tiền phẫu, vì phương pháp có thể không thực hiện được trên một số bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần chụp CT để theo dõi hàng năm vì túi phình vẫn còn và có thể vỡ trong trường hợp hy hữu.

Tắc động mạch mãn tính chi dưới

Động mạch chi dưới có nhiệm vụ dẫn máu đến nuôi 2 chân. Khi các động mạch này đột nhiên bị tắc, sẽ gây thiếu máu chi, khiến 2 chân đau nhức, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng hoại tử các ngón và bàn chân.

Giai đoạn sớm, bệnh nhân bị đau chân cách hồi, đi một đoạn phải dừng lại vài phút mới có thể đi tiếp. Trong giai đoạn muộn hơn, chân đau liên tục kể cả lúc nghỉ hoặc loét chân không lành, hoại tử ngón.

Phẫu thuật bắc cầu bằng tĩnh mạch tự thân, hay bằng ống ghép mạch máu nhân tạo có thể điều trị được bệnh. Phương pháp cho phép đưa dòng máu xuống chi qua một con đường mới. Ngoài ra, bác sĩ có thể nong động mạch bằng bóng nong có hoặc không kèm theo stent sau khi gây tê tại chỗ.

BS Jean-Baptiste Ricco khuyến cáo, 3 bệnh lý mạch máu trên không chỉ nguy hiểm, mà còn rất khó phát hiện sớm qua triệu chứng bên ngoài. Tại Việt Nam, người dân chưa có ý thức cao về bệnh, chỉ đi thăm khám khi có triệu chứng cấp tính, nên tỷ lệ điều trị thành công thấp. Để phòng tránh, cách tốt nhất là bỏ thói quen hút thuốc, yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh.

Nên giữ thói quen vận động, giữ cân nặng hợp lý, chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Ngoài ra, người trên 50 tuổi, hút thuốc lá nhiều, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và có tiền sử gia đình nên thực hiện tầm soát bệnh lý mạch máu định kỳ.

GS.BS Jean-Baptiste Ricco là chuyên gia mạch máu hàng đầu thế giới đến từ Pháp. Ông từng giữ chức Cựu Chủ tịch Hiệp hội Mạch máu châu Âu; Cựu Chủ tịch Hiệp hội Mạch máu Pháp; Trưởng khoa phẫu thuật mạch máu của bệnh viện Poitiers (Pháp); Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp.

Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật mạch máu và can thiệp nội mạch, từng chữa thành công nhiều ca bệnh hiếm gặp. Ngoài ra, ông còn được mời thỉnh giảng tại các trường đại học y khoa danh tiếng như ĐH Y khoa Bắc Kinh (Trung Quốc), ĐH La Sapienza (Rome, Italia)...


Từ ngày 3/7 - 23/7, BS Jean-Baptiste Ricco sẽ trực tiếp thăm khám, điều trị và phẫu thuật cho các ca bệnh lý mạch máu phức tạp tại bệnh viện FV (TPHCM). Đăng ký khám với BS Ricco qua điện thoại 08 5411 3333 (máy lẻ 1250). Ngoài ra, bạn có thể tham gia chương trình tầm soát bệnh lý mạch máu tại FV, liên hệ 08 6291 1167.

Theo An San - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X