Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ thiếu hụt và cắt điện nghiêm trọng vào năm 2019

Việc cung cấp than cho điện bị thiếu so với nhu cầu làm lộ ra nhiều vấn đề bất cập liên quan đến chính sách cung cấp, nhập khẩu than.

Than bị thiếu trầm trọng mà không thể tự nhập

Tổng công suất thiếu hụt do các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng/giảm công suất là khoảng 2.300 MW (tương đương với công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung).

- Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than vào 3/11.

- Nhiệt điện Nghi Sơn phải giảm công suất hai tổ máy về mức tối thiểu từ 0h ngày 22/11

- Nhiệt điện Quảng Ninh phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 31/10 và ngừng hẳn 2 tổ máy từ 17/11.

- Nhiệt điện Hải Phòng giảm công suất 4 tổ máy từ 19/11 và ngừng hẳn 1 tổ máy từ ngày 22/11...

Đó là phác thảo sơ bộ tình hình thiếu than cho điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Các nhà máy nhiệt điện phía Bắc lo thiếu than để phát điện
Các nhà máy nhiệt điện phía Bắc lo thiếu than để phát điện

Nhưng Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) phản ứng lại. Ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn này, cho rằng: Than cung cấp cho sản xuất điện, tập đoàn thực hiện theo đúng các hợp đồng đã ký với các nhà máy điện. Các nhà máy điện nhận nhiều than hơn so với hợp đồng đã ký kết, tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017.

Có nghĩa, hợp đồng ký bao nhiêu, TKV đã cung ứng đủ. Phần các nhà máy kêu thiếu than, khiến TKV không xoay sở được là bởi “nhiều nhà máy nhiệt điện cùng tăng nhu cầu sử dụng than và tăng đồng loạt cùng một thời điểm”.

Như vậy, rắc rối giữa các nhà máy nhiệt điện và TKV là vì nhiệt điện tăng nhu cầu dùng than. Trong khi, lượng sản xuất của TKV lại có hạn. Vấn đề là ở lượng than nhập khẩu.

Vì sao thiếu than mà các nhà máy nhiệt điện lại không thể tự nhập từ các nguồn khác ngoài TKV, Tổng công ty Đông Bắc hay nhập từ nước ngoài? Bởi họ không được phép, ngoại trừ một số nhà máy mới tại Trung tâm điện lực Duyên Hải, Vĩnh Tân, dự án BOT và dự án 100% vồn đầu từ nước ngoài.

Các nhà máy nhiệt điện còn lại có nhu cầu dùng than thì phải ký hợp đồng với TKV, Tổng công ty Đông Bắc.

Cơ chế này khiến cung - cầu than giữa TKV và các nhà máy nhiệt điện thường xuyên “lệch pha”. Nhiệt điện tăng hay giảm nhu cầu than thì phụ thuộc vào mức huy động các nguồn năng lượng khác trong năm như thủy điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời,... Nếu năm nào, sản lượng điện huy động từ thủy điện tăng thì huy động từ nhiệt điện sẽ giảm. Nhiệt điện giảm huy động thì nhu cầu than không cao. Ngược lại, sản lượng huy động nhiệt điện tăng cao, nhu cầu than cũng tăng theo, như câu chuyện của những tháng cuối năm 2018 này.

Bản thân các nhà máy nhiệt điện cũng không nắm rõ chính xác lượng than dùng cho năm sau là bao nhiêu nên không ký hợp đồng dài hạn với TKV hay Tổng công ty Đông Bắc. Ngược lại, TKV không nắm được nhu cầu than của các nhà máy nên cũng không chủ động được nguồn cung cấp than.

Vì thế mới có chuyện năm 2017, than thừa nhiều, TKV đã phải gõ cửa từng nhà máy nhiệt điện một để mời các nhà máy này tăng cường nhập. Vậy mà vẫn rất khó khăn, nên ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc TKV khi ấy phải nhờ ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN (nay là Thứ trưởng Công Thương), nói giúp.

Lãnh đạo TKV thẳng thừng “nhập về mà không biết được bán với giá bao nhiêu thì không ai dám nhập
Lãnh đạo TKV thẳng thừng “nhập về mà không biết được bán với giá bao nhiêu thì không ai dám nhập".

Nhưng khi nhu cầu than cho nhiệt điện tăng đột biến thì TKV trở tay không kịp như chuyện thiếu than đang diễn ra, dù rằng TKV đã cung ứng đủ theo hợp đồng. Do đó, TKV đề nghị các nhà máy phải ký hợp đồng dài hạn để đơn vị này chủ động được lượng cung - cầu, kể cả sản xuất và nhập khẩu.

“Con gà - quả trứng” trong chuyện bán than cho điện

Than bị thiếu, TKV có thể tăng nhập. Nhưng vì giá than nhập tăng cao, trong khi giá bán trong nước chưa tương xứng, nên TKV lưỡng lự.

Với cơ chế cung ứng than hiện tại thì giá bán cũng là vấn đề, bởi chưa theo thị trường. Theo TKV, giá bán than cho điện tiếp tục thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu. Vì lẽ đó, TKV hôm 23/11 có văn bản gửi EVN đề nghị được tăng giá than thêm 2,3-5,8%.

Mức giá này, TKV vẫn cho là “một số loại than vẫn có giá thấp hơn giá bán cho các hộ khác trong nước”. Lãnh đạo TKV thẳng thừng “nhập về mà không biết được bán với giá bao nhiêu thì không ai dám nhập”, “không dám đầu tư gia tăng sản lượng khai thác”,...

Câu chuyện không khác gì “con gà - quả trứng”.  Và tăng giá than, hay ký hợp đồng dài hạn không phải là giải pháp căn cơ khi trong một nền kinh tế thị trường, các nhà máy nhiệt điện lại chỉ được dùng than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Vậy nên, trong kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, EVN đã đề nghị cho phép chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chủ động tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và nhập khẩu với lượng than thiếu hụt TKV, Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp được, thực hiện ngay từ 2019.

Nhưng triệt để hơn, theo ông Nguyễn Thành Sơn, nguyên là Trưởng ban Chiến lược của TKV, việc xóa bỏ thế độc quyền nhập than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc là điều nên làm. Bởi vì, với sản lượng nhập khẩu ngày càng lớn, hiện đã gần bằng 1/2 lượng than trong nước sản xuất thì các DN nhập khẩu hoàn toàn có thể san sẻ, thậm chí là thay thế được.

Lượng than nhập khẩu trong vòng 5 năm trở lại đây tăng nhanh đáng kể. Cụ thể, năm 2014 lượng than nhập khẩu mới có 3 triệu tấn, năm 2015 là gần 7 triệu tấn, năm 2016 lượng than nhập khẩu gần 13,2 triệu tấn và năm 2017 là hơn 14,67 triệu tấn. Trong khi đó, khai thác than trong nước đang ngày càng trở nên khó khăn hơn.


Theo Vietnamnet


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X