Hotline 24/7
08983-08983

Nguồn nhân lực cho cấp cứu, điều trị đột quỵ

Trước tình trạng bệnh đột quỵ đang ngày càng gia tăng. Để đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này, vấn đề điều trị bệnh hiệu quả đang là một nhu cầu bức thiết của cộng đồng hiện nay.

Muốn điều trị đột quỵ hiệu quả, có chất lượng đòi hỏi cần phải đầu tư trang bị các đơn vị y tế chuyên cấp cứu, điều trị đột quỵ đạt tiêu chuẩn, và nguồn nhân lực làm việc cho các đơn vị này cũng phải được trang bị kiến thức chuyên môn, tay nghề đạt tiêu chuẩn...

Báo Khoa học Phổ thông đã có buổi trao đổi về chủ đề “nguồn nhân lực cho cấp cứu, điều trị đột quỵ” với TS.BS Trần Chí Cường, Trường đại học Y dược TPHCM, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM.

Là một trong những thầy thuốc có trên 10 năm “lăn lộn” trong lĩnh vực bệnh tim mạch, đột quỵ, thần kinh... bác sĩ có những suy nghĩ gì về vấn đề “nguồn nhân lực cho cấp cứu, điều trị đột quỵ”?

Cộng đồng đang có một nhu cầu rất bức thiết về chuyện cấp cứu, chẩn đoán, điều trị đột quỵ đạt tiêu chuẩn. Hiện nay cả nước chưa có quá 5 bệnh viện có thể cấp cứu, can thiệp, điều trị hiệu quả được bệnh đột quỵ.

Để thiết thực góp một tay giải quyết nhu cầu bức thiết này, Trường đại học y dược TPHCM (ĐHYD) đã và đang khởi động thành lập Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ. Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ của Trường ĐHYD sẽ hợp tác với các chuyên gia của các trường đại học y khoa trong và ngoài nước; với các Trung tâm đột quỵ ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức... thực hiện các khóa đào tạo nguồn nhân lực về điều trị bệnh đột quỵ.

Dự kiến theo kế hoạch trong quý 2/2016, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ của Trường ĐHYD sẽ khởi động những khóa đào tạo đầu tiên. Chương trình đào tạo sẽ bao gồm đào tạo về lý thuyết và cả thực hành, sẽ có chương trình thực hành tại phòng thực nghiệm (làm trên động vật) của Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về đột quỵ của Trường ĐHYD.

Sau khi có được những trải nghiệm bài bản, chỉnh chu từ phòng thực nghiệm, thì bước vào thực tế các thầy thuốc sẽ làm tốt hơn, chính xác hơn, chất lượng hơn.

Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung về bệnh đột quỵ, Trung tâm còn đẩy mạnh việc đào tạo và chuyển giao kỹ thuật (cho các bệnh viện, trung tâm y tế ở các tỉnh, thành trong cả nước) công nghệ can thiệp đột quỵ trên máy DSA (lấy huyết khối, lấy cục máu đông trong não) - đây là một trong những giải pháp điều trị tiên tiến có hiệu quả cao về bệnh đột quỵ hiện nay, và chương trình tầm soát bệnh đột quỵ trong cộng đồng.

Ngoài ra Trung tâm cũng sẽ đặc biệt chú trọng việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, trong việc tuyên truyền tư vấn về bệnh đột quỵ, mục tiêu đặt ra là nâng cao mức độ hiểu biết của cộng đồng về bệnh đột quỵ, để có những hướng dự phòng và xử lý phù hợp khi bị đột quỵ. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng được một tổng đài miễn phí cấp cứu tư vấn đột quỵ trên toàn quốc, đó là ĐT : 1800 1115 (hoạt động 24/24)

Hiện nay cộng đồng thường nghe nói đến công nghệ mới trong can thiệp đột quỵ bằng DSA (lấy huyết khối, lấy cục máu đông trong não). Giải pháp này hiệu quả thế nào?

Trong chữa trị đột quỵ hiện nay chỉ có 2 biện pháp là uống thuốc và phẩu thuật. Việc quyết định dùng thuốc uống hay phẩu thuật là do bác sĩ điều trị cân nhắc và quyết định.

Xin được giải thích về vấn đề này như sau, trong một số trường hợp hướng điều trị đột quỵ bằng phẩu thuật được lựa chọn (trường hợp bị đột quỵ nặng có máu bầm trong não, hay bị phình mạch máu não), hạn chế của phương pháp này là nguy cơ tổn thương thần kinh khá cao, có khi lại gây ra tàn phế sau phẩu thuật, tình huống xấu hơn còn có nguy cơ bị tử vong.

Có một hướng điều trị đột quỵ khác được gọi là tiêu sợi huyết (bơm thuốc vào mạch máu để làm tan cục máu đông) cũng đạt được hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên hướng điều trị này có hạn chế trong trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch lớn (ghi nhận trong trường hợp này hiệu quả điều trị chỉ đạt khoảng 10%). Hướng điều trị tiêu sợi huyết còn có một hạn chế nữa là gây ra nguy cơ xuất huyết não sau khi dùng thuốc, nguy cơ này lên đến 6%.

Gần đây có một giải pháp mới là can thiệp nội mạch, đã được ứng dụng trong điều trị đột quỵ và được ghi nhận là có hiệu quả khá cao. Ghi nhận trong những trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn động mạch lớn, áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch cho hiệu quả đến 80%.

Hiện nay tại trung tâm S.I.S (ở quận 2) đã trang bị được máy DSA, máy này có thể chụp được mạch máu não tái tạo theo không gian 3 chiều, công nghệ dẫn đường 3D (3D Roadmap), chụp được CT trên máy DSA với độ phân giải cao, chụp được các mạch máu não ở mọi góc độ với hình ảnh rõ ràng. Máy chụp mạch máu xóa nền DSA sẽ giúp thực hiện được những kỹ thuật cao cấp như dựng hình mạch máu não 3 chiều, chụp được CT ngay trong lúc làm thủ thuật.

Một trong những trường hợp điều trị thành công đáng chú ý mới đây, do sự hỗ trợ của máy DSA thực hiện tại trung tâm S.I.S, là việc chữa trị thành công cho bệnh nhân nữ 50 tuổi bị “khối u” dị dạng phình mạch bẩm sinh tên Nguyễn Thị K.H, (ngụ Mỹ Tho, Tiền Giang).

Chị H., bị khối dị dạng phình mạch máu não, và làm biến dạng vùng hàm mặt khiến toàn bộ gương mặt trở nên “méo mó” suốt 40 năm. Nhiều lần bệnh nhân bị chảy máu khối phình vì nằm ngủ hay sinh hoạt gây chèn ép, va chạm vào khối u. Thời gian gần đây, bệnh nhân liên tục kêu đau tai và có “âm thổi” trong tai do áp lực dòng máu chảy mạnh trong khối dị dạng phình mạch.

Hình ảnh được chụp bởi máy DSA cho thấy có hơn 20 mạch máu trong cơ thể và 6 mạch máu não bị dị dạng. Đặc biệt, có những mạch máu bị phình ra đường kính lớn hơn 4cm. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh nhân có thể có nguy cơ tử vong do đột quỵ xuất huyết não (vỡ mạch máu não) hoặc vỡ bên ngoài da sẽ gây tình trạng chảy máu không cầm được.

Bệnh nhân H, đã được can thiệp nội mạch để chặn không cho các mạch máu tiếp tục bơm máu vào khối u. Hiện trên 90% các mạch máu dị dạng và khối dị dạng đã xẹp đáng kể, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và sẽ sớm được phẫu thuật thẩm mỹ cắt bỏ khối dị dạng ở vùng mặt trong thời gian tới.

TS.BS Trần Chí Cường cho biết khối dị dạng phình mạch đã được khống chế và bệnh nhân sẽ được phẫu thuật thẩm mỹ cắt “khối u” (ảnh lớn) trong thời gian tới.
Kích thước mạch máu bị phình trong não của bệnh nhân lớn hơn 4cm, gấp 20 - 40 lần mạch máu thường (ảnh nhỏ)

Theo Anh Khoa - Khoa học Phổ thông

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X