Hotline 24/7
08983-08983

Người "tái kiến tạo" những nụ cười xuân

Nhiều năm qua, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật miễn phí “tái tạo lại cuộc đời” cho hơn 7.000 trẻ mắc dị tật sứt môi - hở vòm khắp cả nước. “Đoàn tàu của những nụ cười” vẫn đang tiếp tục chở mùa xuân đi khắp quê hương.

Trả lại nụ cười cho thiên thần

Tìm đến TS.BS CK II Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - chị T.T.H. (28 tuổi, ở Trà Vinh) khá bối rối. Theo kết quả siêu âm thai, con trai đầu lòng của chị bị sứt môi - hở hàm ếch.

Chị H. nghẹn ngào: “Cả tôi và chồng đều là con một trong gia đình, nên khi tôi có thai, cha mẹ hai bên đều rất trông đợi. Suốt mấy ngày nay, tôi không ngủ được, mẹ chồng kêu bỏ thai. Tôi cũng không biết sao con mình lại bị dị hình như thế, trong khi cả dòng họ đều lành lặn”.

Theo chị H., không chỉ mẹ chồng, kể cả chồng cũng đòi chở chị đi phá thai. Anh là dân kinh doanh, nếu có đứa con mang dị tật, việc làm ăn sẽ gặp xui xẻo. Không chịu nổi áp lực gia đình, chị H. dọn ra ở trọ để tìm hướng giải quyết. Biết bác sĩ Đẩu chuyên phẫu thuật chỉnh sửa cho trẻ sứt môi - hở vòm, chị chạy đến cầu cứu.

Sau khi được bác sĩ Đẩu tư vấn, được tận mắt chứng kiến những đứa trẻ như con mình đang ngày càng xinh đẹp từ bàn tay tài hoa của người thầy thuốc, chị H. quyết định sẽ làm tất cả vì con. Thấy sự kiên định của chị H., bác sĩ Đẩu thở phào nhẹ nhõm. Thêm một thiên thần nữa không phải ngủ vùi.

Bác sĩ Đẩu cùng bé L.A.K. sau phẫu thuật. Nếu không có cơ duyên gặp ông, đứa bé này đã bị gia đình hủy đi vì bị dị tật sứt môi - hở vòm.

Bác sĩ Đẩu nói: “Sứt môi - hở vòm, một số ít là do di truyền, còn đa số là do các yếu tố nguy hại từ môi trường sống đã tác động đến thai nhi ở tháng đầu tiên đến tháng thứ 3 của thai kỳ. Có thể do mẹ mắc bệnh, sử dụng thuốc không phù hợp, mẹ hít khói thuốc lá, uống rượu, tiếp xúc với hóa chất độc hại… Nhưng do thiếu hiểu biết về bệnh hoặc không tìm được nguyên nhân cụ thể, mọi người mới có những suy nghĩ sai lầm. Nhiều người đã chọn phá thai để chấm dứt căng thẳng kéo dài. Thực ra, đây là khuyết tật bẩm sinh, có thể sửa được bằng phẫu thuật”.

Nói đoạn, vị bác sĩ ngập ngừng, nước mắt lặng lẽ rơi. Ông chợt nhớ câu chuyện của mùa xuân 2 năm về trước, cũng vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa sẽ qua năm mới. Khi đang lên kế hoạch phẫu thuật cho bé gái bị sứt môi - hở vòm sắp chào đời, bác sĩ Đẩu bàng hoàng khi được tin người mẹ đã bỏ thai: “Vừa giận vừa đau. Tôi đã giải thích rất cặn kẽ về dị tật, hứa sẽ phẫu thuật cho bé, nhưng không hiểu sao chị ta lại quyết định như vậy. Đứa trẻ ấy lẽ ra phải được sống. Mỗi đứa trẻ đều có quyền được sống và phải đẹp, nhất là nụ cười”.

May mắn hơn trường hợp trên, bé trai T.Y.N. (ở xã Ma Nới, H.Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) người dân tộc Raglai, được mẹ che chở từ khi vừa mới lọt lòng. Bé N. vừa dị tật sứt môi vừa hở vòm cả hai bên. Theo hủ tục và lời dị nghị, bé N. bị xem là quỷ dữ, có thể bị chôn sống để trừ tà cho buông làng. Được hung tin, chị T.Y.B. (mẹ bé N.) lập tức ôm con, bỏ làng chạy trốn vào rừng.

Gần 10 năm trời sống trong rừng sâu, bé N. không có bạn bè, lầm lũi lớn lên cùng con trâu, con bò mà mẹ bé giữ thuê cho người ta. Khi biết được tình cảnh của bé N., bác sĩ Đẩu đồng ý lên chương trình phẫu thuật cho bé. Chỉ hơn 2 giờ đồng hồ trong phòng mổ, ông cùng đồng nghiệp đã trả lại nụ cười xinh đẹp cho thiên thần. Bé N. như được hồi sinh, đã mạnh dạn và tự tin hòa nhập với cuộc sống, không còn chạy tìm chỗ trốn khi thấy người lạ. Bé cười nhiều hơn và thỏ thẻ muốn được đi học để biết cái chữ.

Ngay tại TP.HCM cũng có nhiều đứa trẻ suýt không thể cất tiếng khóc chào đời. Khi biết tin chị N.P.L. (30 tuổi, ở Phú Nhuận) sẽ sinh ra đứa con sứt môi - hở hàm ếch, mẹ chị L. kiên quyết phản đối. Dù vợ chồng chị đều muốn đồng hành cùng con, bà ngoại của cháu liên tục dùng áp lực, bắt chị phải bỏ đi thai nhi 23 tuần tuổi đang chờ gặp mẹ.

Không thể thuyết phục được bà lão, bác sĩ Đẩu buộc phải “dùng chiêu” - nhờ một cặp vợ chồng có con bị hở hàm ếch, đã được mình phẫu thuật thành công, đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Hiểu ý bác sĩ, chị này liền ẵm con, tức tốc đến khoa Răm Hàm Mặt. Trong khi “chờ đến lượt khám”, chị “như vô tình” ngồi cạnh bà lão, nhắc về dị tật của con mình trước đây, về những ca mổ của các bác sĩ, về tình mẫu tử thiêng liêng vượt lên định kiến.

Theo bác sĩ Đẩu, một ca mổ tốt của y bác sĩ không chỉ mang lại thẩm mỹ của gương mặt, nụ cười trọn vẹn cho đứa trẻ, mà đôi khi góp phần hàn gắn hạnh phúc gia đình, bởi nhiều gia đình chỉ vì sinh đứa bé khiếm khuyết mà tiến đến bờ vực ly tán, vợ chồng chia tay, nội ngoại bất hòa. Không chỉ vậy, dị tật ở gương mặt không thể che đi được, nên ảnh hưởng nặng nề lên tâm lý, chi phối hành vi, ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ.

Với ông, mỗi đứa trẻ đều có quyền sống và phải sống với một hình hài đẹp đẽ, nhất là nụ cười. Những nụ cười tròn trịa của trẻ con mang đến cho chúng ta sự thoải mái, yêu thương, để mỗi khi nhìn vào, ta biết rằng mùa xuân đã đến. Những năm qua, với đôi tay tài hoa, bác sĩ Đẩu cùng đồng nghiệp đã gỡ bỏ dị tật, trả lại nụ cười cho hơn 7.000 thiên thần.

Vá lại hàng ngàn mùa xuân

Ngồi chờ tái khám cho con, chị Vy - mẹ của bé An Nhiên (bé Dâu Tây, 2 tuổi, ở Gò Vấp) luôn cười tươi khoe con gái. Theo chị Vy, bé Dâu Tây là sợi dây gắn kết trong gia đình. Từ ngày có thiên thần nhỏ, ngôi nhà như đổi khác. Bé chơi đùa, chạy nhảy, làm cho không khí luôn rộn ràng.

Biết khiếm khuyết sứt môi - hở vòm không phải chỉ phẫu thuật xong là xong, mẹ con chị Vy cũng như những bà mẹ có con mắc dị tật này phải cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình, cho đến khi bé trưởng thành, chị Vy vui vẻ chấp nhận.

Với bác sĩ Đẩu, mỗi em bé là một thiên thần. Các bé có quyền được sống, được xinh đẹp, được yêu thương.

“Lúc biết con mình bị khiếm khuyết, tôi rối bời, sụp đổ, nhưng khi gặp bác sĩ Đẩu, ông đã kiên nhẫn phân tích để tôi yên tâm dưỡng thai. Khi Dâu Tây chào đời, bác sĩ Đẩu lại tiếp tục tìm cách chỉnh sửa, điều trị cho bé. Lúc đầu, tôi không dám tin con gái mình có nụ cười đẹp đến như vậy. Tôi rất biết ơn bác sĩ Đẩu đã tận tâm điều trị cho Dâu Tây như người thân trong gia đình”, chị Vy xúc động.

Bé Dâu Tây hạnh phúc trong vòng tay người mẹ can đảm vượt lên định kiến

Tuy nhà ở Bình Thuận, chị Khánh Linh luôn đưa con - bé Minh Tú (3 tuổi) - vào Sài Gòn đúng theo lịch hẹn mà bác sĩ Đẩu chỉ định, với niềm tin tuyệt đối. Chị Linh chia sẻ: “Anh, chị của Minh Tú đều hoàn toàn lành lặn, nên khi kết quả siêu âm nói bé bị sứt môi - hở hàm ếch, tôi sốc đến nỗi khóc liên tục 2 ngày. Sau đó, tôi lên mạng tìm thông tin thì gặp bác sĩ Đẩu. Bây giờ, nếu nhìn Minh Tú, không ai biết cháu bị khiếm khuyết cả. Tôi muốn nói với các bà bầu, nếu thai nhi bị hở hàm ếch, đừng bỏ cuộc, mà hãy tìm lại mùa xuân cho con, cho bé quyền được sống hạnh phúc cùng gia đình”.

Để đan kết mùa xuân, khoa Răm Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập Câu lạc bộ “Nụ cười trẻ thơ” dành cho phụ huynh các bệnh nhi bị sứt môi - hở vòm. Các thành viên có thể tìm hiểu tại sao trẻ em bị sứt môi hở vòm. Đa số thành viên của câu lạc bộ đều là những người mẹ có con bị dị tật. Chị Vy, chị Linh cũng tham gia rất nhiệt tình trong việc chia sẻ cách chăm sóc trẻ, điều trị toàn diện cho trẻ để các bà bầu vững tâm trước quyết định giữ lại con mình.

Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật khoảng 1.000 ca trong số 3.000 ca trẻ bị dị tật sứt môi - hở vòm mới. Một đứa trẻ bị sứt môi - hở vòm phải được điều trị ngay từ lúc mới sinh cho đến khi 18 tuổi. 3.000 ca của năm nay, cộng thêm hàng chục ngàn ca của những năm trước là một áp lực nặng nề cho ngành y tế.

Theo Phụ Nữ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X