Hotline 24/7
08983-08983

Người Paris bật khóc chứng kiến hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà

Những tiếng khóc và tiếng kêu kinh ngạc vang lên khắp nơi khi tháp chuông và phần mái Nhà thờ Đức Bà Paris đổ sụp trong vụ cháy lớn.

Đám đông người dân Paris và du khách sửng sốt, một số người bật khóc, trong khi những người khác cầu nguyện khi chứng kiến Nhà thờ Đức Bà Paris bị lửa bao trùm và lính cứu hỏa chiến đấu hàng giờ để dập tắt đám cháy tối 15/4 (rạng sáng nay theo giờ Việt Nam).

Dọc theo cây cầu Pont au Change nối cung điện Conciergerie trên đảo Ile de la Cite với quảng trường Châtelet ở bờ phải sông Seine, hàng trăm người chết lặng nhìn lửa và khói bốc lên trên bầu trời đêm. Nhiều người lẩm nhẩm hát Ave Maria bằng tiếng Latin, trong đó có Stephane Seigneurie, 52 tuổi, người đã sống ở Paris 25 năm.

"Tôi đến thường xuyên, ngay cả khi không phải ngày lễ vì đó là một nơi đặc biệt, gắn liền với lịch sử nước Pháp", Seigneurie nói. "Về mặt chính trị, trí tuệ và tinh thần, đó là biểu tượng của nước Pháp".

Đứng cạnh Seigneurie là một người phụ nữ thanh lịch với mái tóc đen bồng bềnh đang khóc và thì thầm với ông: "Chúng ta phải cầu nguyện".

Jeanne Duffy, 62 tuổi, đến từ New York cùng hai con gái sinh đôi để xem cháu trai tham gia cuộc thi marathon ở Paris hôm 14/4. Họ muốn lên tháp chuông nhà thờ vào tối 15/4 nhưng đến phút cuối, ba người quyết định đến Disneyland Paris.

"Chúng tôi rất đau lòng vì người dân New York chúng tôi cũng từng trải qua điều này", Duffy nói, đề cập đến vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã phá hủy tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới. "Về mặt di sản, điều này còn tồi tệ hơn nhiều. Đây là một kho báu thế giới. Mọi người đều biết Nhà thờ Đức Bà", cô nói.

Những tiếng kêu kinh ngạc "ôi chúa ơi" và tiếng khóc vang lên khắp nơi khi tháp nhọn cao nhất của nhà thờ sụp xuống và tiếp đó là sự sụp đổ của một phần mái vòm.

"Paris đã biến dạng. Thành phố sẽ không bao giờ như trước đây", Philippe, một nhân viên truyền thông khoảng 30 tuổi, nói. "Tôi là người Paris, cha và ông nội tôi cũng vậy. Nhà thờ là nơi chúng tôi đưa các con trai tới xem và tôi không thể thực hiện điều đó với con trai mình. Đó là một thảm kịch. Nếu bạn cầu nguyện thì đây là lúc để cầu nguyện".

Cảnh sát đã giải tán đám đông khỏi hai hòn đảo thuộc sông Seine, bao gồm Ile de la Cite, nhưng nhiều người vẫn nán lại trên những cây cầu đá dẫn đến các hòn đảo và dọc bờ sông Seine khi màn đêm buông xuống. "Thế là hết, chúng tôi sẽ không bao giờ được nhìn thấy nhà thờ như trước kia", Jerome Fautrey, 37 tuổi, nói.

Một cô gái trẻ ôm đầu tiếc nuối, trong khi những người xung quanh quỳ xuống đường cầu nguyện khi chứng kiến đám cháy Nhà thờ Đức Bà Paris tối 15/4. Ảnh: Reuters

"Thật không thể tin được, lịch sử của chúng tôi đang tan thành mây khói", Benoit, 42 tuổi, người đến hiện trường bằng xe đạp, nói.

Sam Ogden, 50 tuổi, đến từ London hôm 15/4 cùng chồng, hai con trai và mẹ. Họ đặc biệt đến Paris để xem Nhà thờ Đức Bà như một phần của tour du lịch. "Điều này thực sự đáng buồn, điều đáng buồn nhất mà tôi từng chứng kiến trong đời mình", Ogden nói.

Cô nói rằng ngọn lửa lúc đầu trông khá nhỏ nhưng nhanh chóng bùng lên thành đám cháy lớn.

Emilia Freitas, một giáo viên tiếng Pháp người Bồ Đào Nha, đến thăm Paris cùng chồng và con gái. "Chúng tôi rất buồn vì đây là một tượng đài rất quan trọng và cũng lo lắng vì nhiều chuyện xảy ra ở Paris gần đây", cô nói, đề cập đến các cuộc tấn công khủng bố ở Paris từ năm 2015.

Miguel-Angel Godia cùng vợ là Esther Fajardo và con gái Raquel, 10 tuổi lên kế hoạch đến thăm nhà thờ lần đầu tiên vào ngày 16/4. "Đó là sự tủi hổ thực sự. Nhà thờ Đức Bà Paris là một cái gì đó rất lớn lao và mang tính biểu tượng", Esther vừa nói vừa lau nước mắt sau cặp kính bằng chiếc khăn quàng cổ.

Hai người an ủi nhau tại hiện trường vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà tối 15/4. Ảnh: AFP.

Theo Huyền Lê - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X