Hotline 24/7
08983-08983

Người mẹ hiến nửa lá gan để cứu sống con trai

Đó là ca ghép gan thứ 11 mà các bác sĩ BV Nhi đồng 2 TPHCM vừa thực hiện thành công. Ê-kíp các bác sĩ đã trải qua 12 tiếng đồng hồ trong ca ghép đặc biệt này.

Ngày 17/4, sau gần 3 tuần thực hiện ca ghép, bé trai Dương Gia Khiêm (10 tuổi, ở Bạc Liêu) và mẹ đang được theo dõi đặc biệt tại khoa Hồi sức của bệnh viện. Theo BS Nguyễn Thu Thủy - Khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2, trực tiếp theo dõi sức khỏe bệnh nhi từ lúc nhập viện - cho biết, bé đã phục hồi sức khỏe.

Hiện tại, bé ăn uống ngon miệng, không bị vàng da, các chỉ số xét nghiệm rất tốt. Người cho gan là mẹ bé (40 tuổi) cũng đã hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, chị phải nghỉ dưỡng 3 tháng sau ca mổ cắt gan để giúp gan bình phục.

Bé Khiêm và mẹ đã hồi phục sức khỏe tốt sau ca ghép (ảnh K.Q).
Bé Khiêm và mẹ đã hồi phục sức khỏe tốt sau ca ghép (ảnh K.Q).

Ca mổ ghép gan cho bé Dương Gia Khiêm đã được tiến hành vào ngày 28/3 vừa qua. Theo GS.BS Trần Đông A - Nguyên Phó Giám đốc, Cố vấn chuyên môn của BV Nhi đồng 2 - thì đây là một ca mổ đặc biệt hơn so với các ghép khác cho bệnh nhi.

Bình thường, bệnh nhi ghép gan thường nhỏ hơn 2,5 tuổi. Người cho gan cũng chỉ cần cho một phần nhỏ của lá gan để ghép vào cơ thể bệnh nhi. Thế nhưng, do bé Khiêm đã 10 tuổi nên cần nửa lá gan của người mẹ.

Bé Khiêm bị teo đường mật bẩm sinh và đã được phẫu thuật kasai để cải thiện tình trạng ứ tắc mật. Do phẫu thuật khá tốt nên chức năng gan của bé không bị suy giảm nhanh.

Tuy nhiên, mới đây, do biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến gan và lá lách của bệnh nhi ngày một to ra. Bé đã phải cấp cứu vì có tình trạng xuất huyết. Theo các bác sĩ, nếu không được ghép gan sớm, bé có thể tử vong.

GS Đông A chia sẻ, trong quá trình ghép, các bác sĩ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức bởi cấu trúc gan của người mẹ đặc biệt hơn bình thường. Bác sĩ phải thăm dò và bóc tách khá kĩ càng và cẩn trọng.

Em bé nhận gan bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa khiến lá lách tăng thể tích và tiểu cầu giảm, ảnh hưởng đến tình trạng đông máu. Các bác sĩ đã hội chẩn với 2 Giáo sư người Bỉ và tiến hành cột động mạch lá lách của em bé nhằm làm giảm lượng máu đi tới lá lách giúp lá lách giảm thể tích và giảm lượng máu truyền từ lách qua gan.

Ca mổ được sự theo dõi sát của các bác sĩ hồi sức và bác sĩ gây mê. Các phẫu thuật viên cũng vô cùng hồi hộp theo dõi các chỉ số của bệnh nhi.

Sau ca ghép thành công, sức khỏe bé khá tốt, nhưng đến ngày thứ 6, bé gặp biến chứng tràn dịch. Các bác sĩ phải điều chỉnh chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhi và may mắn cơ thể bé thích nghi tốt.

Theo BS Nguyễn Minh Ngọc - Khoa Tiêu hóa của BV Nhi đồng 2 TPHCM, hiện tại, bệnh viện đang theo dõi 200 em bé bị teo đường mật bẩm sinh và đã phẫu thuật kasai. Tuy nhiên, không phải 200 em bé này đều có chỉ định ghép gan. Bệnh nhi có chỉ định ghép gan phụ thuộc nhiều yếu tố.

Đặc biệt là phải có người cho gan phù hợp, người có cùng phả hệ 3 đời. Nhiều bé có người đồng ý cho gan nhưng xét nghiệm không phù hợp. Theo kế hoạch của Bệnh viện Nhi đồng 2, sắp tới sẽ ghép cho 3 bệnh nhi có chỉ định.

Theo Khương Quỳnh - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X