Hotline 24/7
08983-08983

Người giúp việc Việt Nam rung lắc trẻ đến tử vong tại Đức

Truyền thông Đức đưa tin, tại Berlin, một người giữ trẻ người Việt Nam đã rung lắc em bé 15 tháng tuổi đến tử vong.

Ngày 4/1, công tố viên đã kết án Thi L., 41 tuổi tội ngộ sát. Theo thông tin sơ bộ, người giữ trẻ đã rung lắc mạnh đến nỗi đứa trẻ rơi va đầu vào vật thể rắn dẫn đến thiệt mạng. Vụ việc xảy ra vào ngày 1/6/2017 tại Berlin trong khu vực Marzahn. Vào lúc đó, bố mẹ em bé đi làm, còn chị gái cả đang ở trường.

Sau khi tai nạn xảy ra, người giữ trẻ gọi điện thoại cho bố mẹ và báo rằng bé bị ốm, vì vậy chị ta đã gọi xe cứu thương. Ba ngày sau, đứa trẻ chết tại bệnh viện do chấn thương đầu nghiêm trọng.

Hình ảnh người giúp việc bạo hành, rung lắc trẻ hơn 1 tháng tại tỉnh Hà Nam
Hình ảnh người giúp việc bạo hành, rung lắc trẻ hơn 1 tháng tại tỉnh Hà Nam

Trước đó, bố mẹ em bé ở Berlin đã quyết định tìm người giữ trẻ trong số dân cư Châu Á của thành phố. Một phụ nữ 41 tuổi người Việt Nam cho biết rằng có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ.

Thi L., người bị cáo buộc cư trú ở Đức bất hợp pháp, định bỏ trốn, nhưng bị các cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ. Hiện tại, người phụ nữ đang ở trong tù và có thể bị xử đến 5 năm tù giam.

Tại Việt Nam, đã xảy ra một số vụ người giúp việc bạo hành trẻ em. Gần đây nhất, hình ảnh giúp việc rung, lắc, đánh, tung lên với em bé mới 1 tháng 17 ngày tuổi tại tỉnh Hà Nam, khiến nhiều người phẫn nộ. Nhiều người lo lắng cho sức khỏe của bé.

Trên thế giới đã nhắc tới khái niệm hội chứng rung lắc. Còn ở Việt Nam, hội chứng này ít được nói tới. Tại Việt Nam, cũng chưa có bất kỳ nghiên cứu và thống kê về hội chứng này.

"Trẻ mới sinh, cơ và dây chằng vùng cổ yếu, chưa phát triển nên chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu. Bên cạnh đó, trong đầu lại có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục phát triển. Não của trẻ lại mềm, màng não mỏng. Vì thế, nếu bị rung lắc mạnh, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não. Khi não không có sự di chuyển đồng bộ sẽ gây ra sự đập trở lại xương sọ làm giập não, phù, chảy máu trong não...", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo.

Theo các tài liệu trên thế giới, trẻ mắc hội chứng rung lắc khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể va đập vào hộp sọ, làm não bị sưng phù, áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não. Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, gây giảm thị lực hoặc mù, điếc, liệt thần kinh, co giật, thậm chí gây tử vong.

Theo LH - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X