Hotline 24/7
08983-08983

Người già Việt Nam: không giàu, không khoẻ!

Dù có muốn quan tâm đến sức khoẻ NCT, người thân các cụ cũng gặp ít nhiều khó khăn bởi các dịch vụ chăm sóc đối tượng này còn hạn chế.

Trong một ngôi nhà mặt tiền bề thế trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TPHCM, cụ bà N.T.T, 82 tuổi, sống với đầy đủ con cháu, vật chất không thiếu. Nhìn bên ngoài, ai cũng nói cụ hạnh phúc, nhưng ít ai biết cụ đang khổ sở với chứng sa sút trí tuệ và người thân bỏ mặc.

[143221]DSCN7196

Già hoá nhanh nhất thế giới

Hỏi anh L.T.S, con cụ T. và cũng là người nuôi dưỡng cụ, anh nói: "Trong nhà người lớn thì làm ăn, trẻ con thì đi học, con cháu ai cũng thương cụ, nhưng nói thật tất cả đều bận rộn". Không người thân quan tâm, gần như cả ngày cụ T. lang thang ngoài đường. Không nhớ nhà cửa quay về, cụ chỉ được đưa về nhà nhờ miếng vải đeo trước ngực ghi địa chỉ nhà cửa và số điện thoại của người thân.

Cách nhà cụ T. vài căn, cụ ông L.V.S, 78 tuổi, lại mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và suy tim độ ba. Sau vài năm chạy chữa cho cụ nhưng không khỏi, những người thân dường như không còn quan tâm đến cụ. Người giúp việc nhà cho biết: "Trừ khi bệnh nặng lắm người thân mới đưa cụ đến bệnh viện, còn bình thường thì cụ muốn uống thuốc gì thì uống, chẳng ai ngó ngàng".

"Không nên xem già hoá dân số là gánh nặng mà hãy xem đó là một cơ hội vì NCT có thể cống hiến nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu. Nhà nước cần có biện pháp làm chậm lại quá trình già hoá dân số và kéo dài thời gian dân số vàng hiện nay bằng việc động viên người dân tăng cường sanh đẻ. TPHCM hiện trung bình chỉ có 1,3 con/cặp vợ chồng là quá thấp, cần phải có ít nhất 2 con/cặp vợ chồng", TS Dương Quốc Trọng nói.

Trong một hội nghị mới đây tại TPHCM, TS Dương Quốc Trọng, nguyên tổng cục trưởng tổng cục Dân số - kế hoạch hoá gia đình Việt Nam, cho biết Việt Nam đang đối mặt với tình trạng già hoá dân số.

Ông nói: "Điều tra dân số năm 2009 cho thấy tỷ lệ người già cả nước là 6,4%, tăng thêm 1,7% so với năm 1979. Lúc này, người ta dự báo đến năm 2017 nước ta mới bước vào thời kỳ già hoá dân số, không ngờ chỉ đến năm 2011 mọi chuyện đã thành hiện thực và nước ta trở thành một trong năm quốc gia già hoá nhanh nhất thế giới".

Một trong những thách thức của già hoá dân số là việc chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi (NCT). TS.BS Thân Hà Ngọc Thể, trưởng khoa lão - chăm sóc giảm nhẹ bệnh viện đại học Y dược TPHCM, cho biết NCT Việt Nam bị bệnh không lây nhiễm nhiều hơn bệnh nhiễm, trong đó nhiều nhất là bệnh tim mạch, xương khớp, ung thư, rối loạn nhận thức và sa sút trí tuệ.

Một khảo sát cả nước về sức khoẻ NCT vào năm 2012 cho thấy chỉ có 5% người có sức khoẻ tốt, 67% yếu hoặc rất yếu. Ở các thành phố, tỷ lệ NCT bị đau ốm và chấn thương được chữa trị trong 12 tháng là 23,5%, còn ở nông thôn chỉ được 13%.

Thiếu dịch vụ chăm sóc sức khoẻ

Tuy nhiên, dù có muốn quan tâm đến sức khoẻ NCT, người thân các cụ cũng gặp ít nhiều khó khăn bởi các dịch vụ chăm sóc đối tượng này còn hạn chế. Theo TS Dương Quốc Trọng, cả nước chỉ có một bệnh viện chuyên chữa bệnh cho người già là BV Lão khoa trung ương, còn lại chỉ là một vài khoa lão đơn lẻ phục vụ đối tượng chính sách.

Trong cả nước TPHCM được xem là một trong những địa phương phát triển tốt nhất về lão khoa, nhưng chẳng thấm vào đâu vì ngót nghét chỉ có khoảng 300 giường dành riêng để chữa bệnh cho NCT tại các bệnh viện: Nguyễn Trãi, Nhân dân Gia Định, Nguyễn Tri Phương, Thống Nhất, đại học Y dược.

TS.BS Thân Hà Ngọc Thể giải thích: "Trước đây lão khoa là một phân môn của nội khoa, nhưng từ năm 2010, được tách riêng thành chuyên ngành lão khoa, điều đó cho thấy sự cần thiết đặc biệt của việc chăm sóc sức khoẻ NCT. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn chưa biết y học có một ngành riêng nghiên cứu về quá trình lão hoá và bệnh tật ở NCT và có những cơ sở chuyên chữa bệnh cho NCT, vì thế người NCT vẫn chưa được chăm sóc đúng mức".

Tuy nhiên, với mặt bằng chung về kinh tế còn thấp, việc chăm sóc sức khoẻ cho NCT ở nước ta là một thách thức lớn. TS Trọng cho rằng 50% chi tiêu về thuốc men ở Việt Nam là dành cho NCT và chi tiêu về thuốc men của đối tượng này gấp tám lần người trẻ.

Chi tiêu cho sức khoẻ nhiều, nhưng NCT Việt Nam gần như lại là người nghèo. Điều tra của uỷ ban quốc gia NCT Việt Nam năm 2011 cho thấy 70% NCT không có tích luỹ vật chất, 62% khó khăn và thiếu thốn (thành thị 50%, nông thôn 68%). "Cần có những cải thiện về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho NCT, đặc biệt là chính sách bảo hiểm y tế cho chăm sóc tại nhà đối với NCT mất khả năng hoạt động chức năng hay bệnh nặng giai đoạn cuối đời", TS.BS Ngọc Thể chia sẻ.

Theo Phan Bình Yên - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X