Hotline 24/7
08983-08983

Người dân vẫn e ngại trình độ bác sĩ tuyến dưới

Dù ngành y tế các tỉnh phía Nam đã được đầu tư mạnh cơ sở vật chất, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, nhưng số lượng bệnh nhân vượt tuyến lên TPHCM vẫn tăng cao.

Chị Hoàng Thị Ngọc Anh (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) có con trai gần 3 tuổi nhưng mỗi khi con bệnh, gia đình chị đều đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, mặc dù ngay tại TP Biên Hòa cũng có Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Theo chị Ngọc Anh: “Đưa con lên TPHCM chữa trị dù tốn kém chi phí và thời gian đi lại nhưng tôi cảm thấy yên tâm hơn vì điều kiện khám chữa bệnh, tay nghề bác sĩ cao hơn ở bệnh viện tỉnh”.

Tương tự, anh Hoàng Duy Ngọc (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị đau bụng, khám ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 2 thì được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, nhưng uống thuốc không khỏi, nên anh quyết định đến Bệnh viện Chợ Rẫy để kiểm tra lại. Kết quả khám là anh bị tắc ruột và phải nhập viện điều trị.

“Không muốn lên TPHCM khám bệnh cũng không được, bệnh viện ở quê cứ chẩn đoán và điều trị thế này thì không ổn” - anh nói.

Bệnh nhi đổ về Bệnh viện Nhi đồng 1 chữa bệnh. Ảnh: Quốc Hải

Tình trạng người dân các tỉnh gần TPHCM muốn chuyển viện lên TPHCM khám chữa bệnh không phải là mới. Các tỉnh dù đầu tư cơ sở vật chất y tế, xây bệnh viện hiện đại, đầu tư máy móc tối tân… nhưng vẫn chưa được lòng tin của người bệnh, bởi tâm lý người dân vẫn “ngại” vì trình độ thầy thuốc tuyến tỉnh không “chuẩn” như ở TPHCM. Điều này khiến cho bài toán giảm quá tải của nhiều bệnh viện ở TPHCM (Chợ Rẫy, Nhi đồng 1 và 2, Ung bướu)… mãi không tìm được lời giải.

Thống kê từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho thấy, năm 2016 có hơn 266.000 lượt bệnh nhân chuyển lên tuyến trên tại TPHCM điều trị, năm 2017 là 330.000 lượt, và năm 2018 tăng lên hơn 450.000 ca bệnh. Có những ca bệnh không phức tạp nhưng bệnh nhân vẫn xin chuyển tuyến.

Ông Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Số lượng bệnh nhân chuyển tuyến ngày càng tăng đồng nghĩa với quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của tỉnh “chảy” về các bệnh viện ở TPHCM ngày càng tăng. Theo thống kê, năm 2018, thiệt hại từ việc các bệnh nhân xin chuyển tuyến là gần 700 tỷ đồng”.

Tình hình bệnh nhân xin chuyển viện đến TPHCM cũng gia tăng mạnh ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Bình Phước… Theo đó, số lượng ca khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trên cũng tăng chóng mặt với trung bình ở Bệnh viện Chợ Rẫy khám khoảng 5.000 lượt bệnh nhân/ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM khoảng 8.000 lượt/ngày, Bệnh viện Ung bướu 3.000 - 4.000 lượt/ngày… Điều đáng nói, hơn một nửa số đó lại chỉ mắc những bệnh thông thường mà bệnh viện tuyến dưới nào cũng có thể chữa được.

Không những thế, một số bệnh viện khu vực ngoại thành TPHCM như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ… cũng diễn ra tình trạng bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên. BS Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho rằng, hàng năm có rất nhiều bệnh nhân đòi chuyển viện lên tuyến trên dù Sở Y tế đã duyệt chuyên môn kỹ thuật, thuốc cho bệnh viện làm những kỹ thuật vượt tuyến. Tất nhiên, khi gia đình bệnh nhân làm “áp lực” thì bệnh viện vẫn phải chuyển viện cho bệnh nhân.
Theo Thế Giới Tiếp Thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X