Hotline 24/7
08983-08983

Người dân ở miền Tây thả thuyền giấy tưởng nhớ tổ tiên ngày Tết

Tục thả thuyền giấy xuống sông ở Long An đã có truyền thống 300 năm, với ý nghĩa cầu nguyện ông bà phù hộ năm mới làm ăn thuận lợi.




Sáng mùng 4 Tết, ông Bảy Công (tên thật Dương Văn Công, ở huyện Mộc Hóa) sai đứa cháu nội chạy ra tiệm tạp hóa gần nhà mua mấy miếng giấy màu cùng chai keo dán. Rồi ông ra sau hè hạ cây chuối, đốn thêm mấy nhánh tre. Khi mọi việc đã xong xuôi, gần 20 con cháu, họ hàng cũng vừa tụ tập đến nhà ông đông đủ. Phụ nữ tranh thủ nấu nướng, trong khi đàn ông cùng nhau chẻ tre, chuốt thành những chiếc nan mỏng, sau đó phết hồ, dán giấy.

Giữa trưa, khi việc nấu nướng đã tươm tất, cũng là lúc chiếc thuyền với đủ màu sắc vừa kịp hoàn thành. Những đứa con, cháu trong dòng họ cùng nhau dọn thức ăn bày trên tấm bạt trải dưới nền đất trước sân nhà. Đồ cúng chính gồm cá lóc nấu cháo, nướng và nghi thức này gọi là lễ cúng "việc lề".

"Có dòng họ chỉ cúng một món duy nhất là thịt, riêng tục lệ dòng họ Dương chúng tôi thì chọn món cá lóc", ông Công lý giải và cho biết, có thể món cá tượng trưng cho thuở hoang sơ, khi đời sống còn khó khăn, thiếu thốn, bữa ăn không có gì ngoài món cá dưới sông là nhiều vô số kể.

Ông Bảy Công quần áo chỉnh tề, thực hiện nghi thức cuối cùng, dùng những hình nhân giấy gắn trước mũi thuyền, tượng trưng cho ông bà thuở mới vào miền Nam lập nghiệp. Ông dùng đũa gắp cá, rượu, gạo muối mỗi thứ một ít, cùng bó củi nhỏ bằng nắm tay xếp cẩn thận trên thuyền. Sau đó, ông dùng cây nhang đang cháy khoét những lỗ tròn nhỏ hai bên mắt hình nhân, đây là nghi thức "điểm nhãn" với ý nghĩa chiếc thuyền sẽ có chuyến hành trình thuận buồm, xuôi gió.

Bên khói hương nghi ngút, cháu con trong dòng họ lần lượt cúi lạy, thắp hương, đốt vàng mã, cầu nguyện ông bà, tổ tiên phù hộ cho một năm mới an lành, làm ăn thuận lợi.

Thả thuyền là nghi thức cuối cùng, quan trọng nhất, mang ý nghĩa quyết định cho ước nguyện một năm thành công hay bất lợi.

Theo truyền thống, vì đây là lễ tiễn ông bà đã khuất, nên những người trong dòng họ không được thả thuyền, mà phải nhờ người mang họ khác thực hiện. Và năm nay, người được chọn thả thuyền là người đàn ông khoảng 40 tuổi. Sau khi cúi lại thuyền, bằng một động tác cẩn thận, anh này hướng mũi thuyền ra cửa, sau đó đỡ thuyền trên hai tay, băng qua một đoạn bờ đất hơn 200 m trong khi không quay đầu hoặc dừng lại. Đến bờ sông, anh hạ thuyền nhè nhẹ, rồi đẩy ra xa bờ. Chiếc thuyền trôi theo con nước, được gió đưa đi, mũi hướng về trước. Anh khẽ nhoẻn miệng cười, biểu lộ sự hài lòng.

"Chúng tôi tin rằng, thuyền trôi xuôi sẽ mang đến một năm thuận lợi trong làm ăn, con cháu khỏe mạnh", người thả thuyền chia sẻ.

Theo Sở Văn Hóa - Thể thao và Du lịch Long An, tục cúng "việc lề" đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Hiện có khoảng 500 gia đình vẫn còn duy trì tục lệ này. Thời gian cúng việc lề thường là từ các ngày mùng trong Tết đến hết tháng Giêng.

Theo Hoàng Nam - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X