Hotline 24/7
08983-08983

Người con lai Pháp Việt hơn 30 năm đau đáu tìm cha và chị gái

Mỗi khi có hàng xóm sang Pháp, bà Hương đều viết thư nhờ họ cầm đi với hy vọng được đăng trên rao vặt của một tờ báo Pháp, để cha và chị ruột có thể đọc được.

nguoi-con-lai-phap-viet-hon-30-nam-dau-dau-tim-cha-va-chi-gai

Không còn lưu giữ bất kỳ hình ảnh nào của cha và chị, bà Hương vẫn không ngừng hy vọng một ngày được gặp lại họ - Ảnh: Kim Anh.

Trong ký ức của người phụ nữ lai Pháp - Việt, những ngày thơ ấu, gia đình gắn bó bên nhau trong căn nhà nhỏ gần nhà thờ Cầu Rầm ở thành phố Vinh vẫn luôn rõ nét. Cha bà là ông Marcel Mercada, sinh năm 1924, vốn là lính Pháp sang chiến đấu ở Việt Nam, sau đó hàng Việt Minh. Trong một lần lái xe chở tù binh người Việt, đi đến giữa đường, ông đã thả họ xuống rồi đứng về phía hàng ngũ người Việt. Sau khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, ông ở lại và làm việc tại công ty Quốc danh vận tải ô tô liên khu tư (Vinh) với công việc lái và sửa xe. 

Ông Marcel có sở thích đặc biệt với rượu đế Việt Nam. Với ông, thứ nước trắng này đậm đà và thơm ngon hơn hẳn các loại rượu của Pháp. Trong những lần đi sang cửa hàng tạp hóa gần công ty mua rượu, thuốc, bánh kẹo... ông tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Hường. Ông nhanh chóng phải lòng người con gái nhỏ nhắn có suối tóc dài ngang đầu gối. Ông đặc biệt rung động khi được ngắm nhìn bà trong chiếc áo dài trắng trong những lần đi lễ nhà thờ. Bà Hường vốn người Huế, ra Vinh làm giúp việc cho một gia đình bán quán gần nhà thờ Cầu Rầm. Bà đã học trong trường dòng ba năm với mong muốn trở thành xơ nhưng ước mơ không thành. Rồi bố mẹ nghèo khó, người em duy nhất đi bộ đội đã sớm hy sinh nên khi nghe mách có công việc ở Vinh, bà một mình khăn gói đến đây làm việc.

Gặp nhau đầu năm 1957 thì cuối năm, hai ông bà kết hôn, rồi về sống với nhau trong căn nhà tập thể do công ty của ông cấp. Năm 1958, cô con gái đầu lòng Phi Phi Mercada ra đời. Hai năm sau, ngày 30/5/1960, bà Hương với cái tên khai sinh Ly Ly Mercada cũng đón chào cuộc sống. Hai chị em giống hệt nhau và mang nhiều nét của bố như da trắng, mắt nâu, tóc xoăn màu hạt dẻ, trừ cái mũi tẹt châu Á của mẹ.

Ngày bà Hường sinh Ly Ly trong bệnh viện, ông Marcel bận đi làm rồi trông con gái cả nên không vào viện. Ông ở nhà, nấu cơm nhờ hàng xóm mang vào cho bà. Quần áo bẩn của trẻ sơ sinh và sản phụ, hàng xóm lại mang về cho ông giặt. Ngày vợ ở cữ cũng như trong cuộc sống hàng ngày, ông không nề hà làm việc nhà cùng vợ. Tuy nhiên, ông có một nhược điểm là uống rượu, bữa cơm nào cũng phải có một chén con rượu đế khai vị. Có hơi men, thỉnh thoảng ông cáu gắt, mắng mỏ vợ con, đến khi tỉnh rượu lại quay ra xin lỗi vợ.

Năm 1962, Việt Nam và Pháp có cuộc trao đổi tù binh sau chiến tranh. Ông Marcel được đưa đi tập trung ở trại hàng binh Nho Quan, Ninh Bình vài tháng trước khi trở về Pháp. Ông muốn mang cả gia đình đi theo nhưng bà Hường không muốn xa Việt Nam. Bà cũng sợ cảnh sống ở một đất nước xa lạ, không biết ngôn ngữ. Ông bà chia nhau hai đứa con, Phi Phi lớn tuổi hơn, đã biết tự chăm sóc mình thì theo bố. Ly Ly nhỏ hơn thì ở với mẹ.

Trong thời gian ông Marcel và Phi Phi ở Nho Quan, bà Hường kịp đến thăm chồng và con 3-4 lần. Bà đau xót khi ông đi chơi mà nhốt con gái một mình trong phòng. Nhìn thấy con mà không được ôm con, bà chỉ có thể dúi ít quà bánh qua cửa sổ cho Phi Phi. Ngày ông Marcel dắt Phi Phi về Pháp, bà Hường ra sân bay tiễn, nghẹn lòng khi thấy Phi Phi khóc đòi ở lại Việt Nam với mẹ.

Trước khi về nước, ông Marcel cẩn thận cắt lại một nhúm tóc của mình và Phi Phi đưa vợ giữ, đồng thời ông cũng mang theo một nhúm tóc của bà và con gái Ly Ly. Chiến tranh loạn lạc, công nghệ thông tin còn lạc hậu, họ bặt tin nhau từ đó đến giờ. Mỗi khi nhớ ông Marcel và Phi Phi, bà Hường và Ly Ly lại mang nhúm tóc cũng như các kỷ vật khác của họ ra ngắm.

Sau này, để việc nuôi nấng Ly Ly dễ dàng hơn, bà Hường đi bước nữa với một người đàn ông Bình Định, vốn làm cùng công ty với ông Marcel. Ly Ly được cha dượng đặt tên mới là Hương cho dễ gọi. Trên chuyến tàu Bắc Nam năm 1978, khi cả gia đình chuyển từ Nghệ An về Bình Định, Hương ôm chặt cái ba lô nhỏ đựng hành lý cá nhân của mình.

Trong giấc ngủ gà gật, cô bị kẻ gian rạch ba lô, lấy hết giấy tờ, từ giấy khai sinh của bản thân cho đến những bức hình của ông bà nội, bố và chị gái cũng như hai nhúm tóc của họ. Lúc này, đã trưởng thành, Hương bắt đầu nung nấu ý định tìm cha và chị ruột. Bà Hường cũng khuyến khích con gái đi tìm máu mủ của mình. Bản thân bà cũng muốn gặp lại chồng cũ và con gái đầu lòng một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay.

Đầu những năm 1980, Hương định vào TPHCM làm giấy tờ đi Pháp để tìm cha và chị, nhưng điều kiện khách quan khiến dự định không thành. Sống ở Bình Định, ít cơ hội đi xa, mỗi lần hàng xóm có người sang Pháp làm việc hay du học, Hương đều cần mẫn viết một lá thư kể lại câu chuyện của mình, nhờ người quen cầm sang Pháp. Hương mong manh hy vọng lá thư sẽ được đăng trên một trang rao vặt của một tờ báo Pháp hoặc một diễn đàn nào đó để cha và chị gái của cô tình cờ đọc được mà liên lạc với mình.

Hơn ba mươi năm qua, không biết bao nhiêu lá thư đã được viết và gửi tay. Cô con gái năm xưa giờ đã đầu hai thứ tóc, thành bà Hương. Bà cũng hai lần gửi thư đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhưng chưa được hồi âm. Dù vậy, bà vẫn không ngừng nuôi hy vọng ngày tái ngộ chị gái. Trong giấc ngủ của mình, người phụ nữ gần 60 tuổi thường xuyên mơ thấy cảnh được gặp lại người chị ruột.

Một trăn trở lớn với bà Hương là mẹ bà năm 2013 đã về với Chúa mà không đạt thỏa nguyện gặp lại chồng cũ và con gái đầu lòng. Còn bà Hương mới đây đã chuyển vào làm việc tại TPHCM, một phần không nhỏ vì hy vọng ở thành phố lớn, thông tin được cập nhật hơn, việc tìm kiếm người cha và đặc biệt người chị thất lạc sẽ dễ dàng hơn.

Theo Kim Anh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X