Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường cần chuẩn bị gì trước khi tập thể dục?

BS Phùng Tấn Đức - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức hướng dẫn người bệnh tiểu đường các bước cần chuẩn bị trước khi tập thể dục?

Theo BS Phùng Tấn Đức, tần số và kết cấu các bài tập dành cho người bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là hoạt động thể lực mức trung bình (đạt 50-75% nhịp tim tối đa) ít nhất 150 phút/tuần, thực hiện ít nhất 3 ngày/tuần. Không nghỉ tập quá 2 ngày. Gia tăng dần cường độ và thời gian tập luyện. Nếu không có chống chỉ định, luyện tập các bài tập kháng lực (tập với máy hoặc nâng tự do) ít nhất 2 lần/tuần.

Đối với những người chưa từng tập cần kiểm tra:

- Bệnh tim mạch.

- Bệnh mạch máu ngoại biên, đau cách hồi, giảm hoặc mất mạch,…

- Khám chân (bao gồm sự lành lặn và biến dạng)

- Bệnh lý thần kinh.

- Huyết áp.

- Bệnh lý võng mạc.

Bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ về mức độ luyện tập thích hợp; không nên để huyết áp cao hơn 180 mmHg trước và trong khi luyện tập. Không tập nặng nếu đường huyết > 250-270 mg/dL, và/hoặc có ceton dương tính.

Đeo vài vật dụng giúp nhận dạng người bệnh đái tháo đường, như vòng tay hay vòng cổ. Đối với bệnh nhân đang dùng insulin, tránh luyện tập trong thời gian đỉnh tác dụng của insulin, và tiêm insulin trong khi đang hoạt động thể lực.

Đối với bệnh nhân sử dụng insulin tác dụng trung bình tiêm 1 mũi trong ngày, giảm 30-35% liều. Cảnh giác với hạ đường huyết trong và vài giờ sau luyện tập, phải có sẵn carbohydrate. Uống đủ nước trước, trong và sau luyện tập để tránh mất nước.

Hạ đường huyết ít xảy ra ở bệnh nhân không sử dụng insulin hoặc các thuốc tăng tiết insulin. Không khuyến cáo các biện pháp dự phòng hạ đường huyết ở những bệnh nhân này.

Trước khi tập thể dục, người bệnh tiểu đường cần kiểm tra đường huyết - Ảnh minh họa: Carthageplus

Trước khi luyện tập:

- Đo đường huyết trước khi tập:

+ Nếu đường huyết trước khi tập <100 mg/dL (<5.5 mmol/L), ăn thêm bữa nhỏ.

+ Nếu đường huyết > 250 mg/dL (>14 mmol/L), kiểm tra ceton niệu. Ceton niệu âm tính: có thể tập. Ceton niệu dương tính: tiêm insulin và không tập cho đến khi ketones âm tính.

- Chiến lược để tránh hạ và tăng đường huyết:

+ Ăn trong 1-3 giờ trước khi tập, và bổ sung thêm carbohydrate trong khi luyện tập kéo dài và gắng sức.

+ Ăn nhiều hơn trong 24 giờ sau tập.

+ Tiêm insulin 1 giờ trước khi tập và giảm liều.

+ Theo dõi đường huyết trước/trong/sau tập.

Chương trình luyện tập:

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 có thể lớn tuổi hơn bệnh nhân đái tháo đường type 1, thường béo phì, và có nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, khởi đầu tập luyện có thể khó khăn hơn.

Lựa chọn các hình thức tập luyện giúp tăng động lực và khuyến khích bệnh nhân tham gia, đồng thời ít nguy cơ chấn thương.

Chương trình tập luyện nên bắt đầu chậm và tăng từ từ, việc lựa chọn các hình thức tập luyện nên dựa vào sở thích/khả năng/động lực của bệnh nhân.

Tập luyện thì an toàn cho bệnh nhân đái tháo đường type 2, nhưng có một số cảnh báo:

- Thiếu máu cơ tim im lặng/bệnh thần kinh tự chủ/sử dụng ức chế beta: nhịp tim mục tiêu thấp hơn, mức độ gắng sức ít hơn.

- Đau thắt ngực: chương trình giám sát phục hồi chức năng tim mạch.

- Kiểm soát chuyển hóa kém hoặc đái tháo đường có biến chứng: chống chỉ định luyện tập gắng sức.

- Khiếm khuyết bàn chân: tránh chấn thương chân, mang giày vừa chân.

- Bệnh lý võng mạc tăng sinh đang diễn tiến và/hoặc tăng huyết áp: tránh cử tạ và các hình thức tương tự.

- Bệnh lý thận đái tháo đường: không hạn chế.

- Bệnh mạch máu ngoại biên: khuyến cáo tập luyện.

Các hình thức tập luyện:

- Đi bộ là loại hình phổ biến và dễ thực hiện nhất.

- Hướng dẫn bệnh nhân đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày, không nghỉ quá 2 ngày.

- Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có thể chia ra đi bộ quãng ngắn (như 10-15 phút, 3 lần/ngày).

- Tập aerobic sử dụng nhiều nhóm cơ và cần nhiều oxy.

- Anarobic (có kháng lực) sử dụng những cơ lớn không tiêu thụ oxy trong khoảng thời gian luyện tập ngắn.

Nguy cơ khi tập luyện

- Hạ đường huyết nếu bệnh nhân được điều trị insulin hoặc thuốc viên hạ đường huyết.

- Tăng đường huyết sau khi gắng sức nhiều.

- Tăng đường huyết và nhiễm ceton ở bệnh nhân phụ thuộc insulin.

- Dễ đưa đến hoặc đợt kịch phát bệnh mạch vành.

- Làm nặng hơn các biến chứng mạn.

NHỮNG BỆNH NHÂN CÓ BIẾN CHỨNG CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh thần kinh ngoại biên và tự chủ

- Nên: Hoạt động không mang trọng lực: Bơi lội, chạy xe đạp, chèo thuyền, tập tại ghế và tập tay.

- Không nên: Dùng thảm lăn, đi bộ kéo dài, chạy bộ.

Bệnh thận

- Nên: Các hình thức luyện tập từ nhẹ đến trung bình.

- Không nên: Các hình thức tập luyện gắn sức.

Bệnh lý tim mạch

- Nên:  Áp dụng các môn ít tác động đến tim mạch như: Bơi lội, đi bộ, aerobics không gắng sức, đạp xe tại chỗ.

- Không nên: Các hoạt động làm tăng huyết áp như cử tạ, các bài tập gắng sức hoặc kéo dài, các bài tập liên quan đến thao tác Valsalva.

 

BS Phùng Tấn Đức - Khoa Nội tiết

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X