Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh thận phải làm gì khi bị tăng huyết áp?

Tại buổi sinh hoạt thứ 2 trong năm 2018 của CLB bệnh nhân Thận, BS.CK2 Tạ Phương Dung chia sẻ về mối liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh thận mạn, người bệnh thận phải làm gì khi bị tăng huyết áp.

Buổi sinh hoạt thứ 2 trong năm 2018 của CLB bệnh nhân Thận gồm 2 chủ đề: tăng huyết áp và bệnh thận mạn; các biến chứng trong lúc lọc máu.

BS.CK2 Tạ Phương Dung trình bày chủ đề đầu tiên "tăng huyết áp và bệnh thận mạn", gồm các nội dung: tăng huyết áp là gì, dấu hiệu tăng huyết áp, điều trị ra sao, phòng ngừa như thế nào?

BS Dung cho biết, 10-14% dân số toàn thế giới bị bệnh thận mạn, một số quốc gia tân tiến ở châu Âu tỷ lệ khoảng 10%, ở Mỹ là 14%, tức là 8 người Mỹ trưởng thành thì sẽ có một người bị bệnh thận mãn tính. Cho nên, lỡ bị bệnh thận mạn cũng đừng quá bi quan bởi vì không chỉ có một mình mình bị bệnh mà rất nhiều người khác cũng bị, người ta sống được thì mình sống được, vì vậy phải lạc quan.

Nhưng những người chưa bị bệnh hoặc trong gia đình đã có người bị bệnh thận mạn rồi thì nên cảnh giác, cần phải tầm soát để phát hiện bệnh. Có đến 80-90% bệnh nhân thận không biết mình bị bệnh. Họ không đi khám hoặc có đi khám nhưng chú trọng đến bệnh khác.

Ví dụ như nhiều người bệnh đái tháo đường đi khám bác sĩ Nội tiết rất tích cực để điều trị bệnh đái tháo đường nhưng quên tầm soát bệnh thận. Trong khi đó, có tới 43,5% người bị bệnh đái tháo đường có biểu hiện của bệnh thận mạn. Chính vì vậy mà BS khuyến cáo tất cả những bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2 nên tầm soát bệnh thận mạn ngay khi được phát hiện bệnh. Còn người đái tháo đường type 1 nên tầm soát bệnh thận ít nhất 5 năm một lần.


Nguyên nhân thứ hai là tăng huyết áp, chiếm khoảng 30% các trường hợp bị suy thận. Ở Việt Nam, cứ 4 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, đặc biệt là những người trên 70 tuổi, cứ 3 người thì có một người tăng huyết áp, trên 80 tuổi thì cứ 2 người là có một người bị tăng huyết áp.

Có thể trước đó bệnh nhân hoàn toàn không tăng huyết áp, nhưng khi bệnh thận rồi thì sẽ có tăng huyết áp, và hầu hết bệnh nhân thận ở giai đoạn 5 có huyết áp cao/ rất cao.

Huyết áp là yếu tố được quyết định bởi lượng máu mà tim bơm ra, thứ hai là sức cản của mạch máu. Mạch máu mềm mại sức cản ít, mạch máu bị xơ vữa, bị hẹp sức cản nhiều hơn, và đương nhiên những người nào tim yếu thì huyết áp sẽ bị ảnh hưởng. Mạch máu bị xơ vữa có thể do đái tháo đường, tăng huyết áp, chế độ ăn uống…

Những người chưa bị tăng huyết áp vẫn nên đo để kiểm tra, còn những người đã bị tăng huyết áp thì càng nên thường xuyên theo dõi huyết áp của mình.

Dấu hiệu của tăng huyết áp: tăng huyết áp thường không có triệu chứng, chính vì vậy chỉ khi thấy đau đầu và đi khám thì bệnh nhân mới biết huyết áp cao ngất ngưởng, một số người thì có thể có đau đầu, chóng mặt, chảy máu cam.

90% trường hợp tăng huyết áp không có nguyên nhân, còn 10 phần trăm rất nhỏ là có nguyên nhân, tăng huyết áp thứ phát chiếm chỉ từ 5 tới 10%, bao gồm bệnh lý của thận, tại mạch máu do hẹp mạch máu, hoặc bệnh của nhu mô thận ở những người ăn quá mặn (ví dụ: những người ở vùng biển tăng huyết áp nhiều, vì họ ăn muối nhiều), có thể do nội tiết, do dùng thuốc ngừa thai…

Huyết áp được gọi là cao khi hơn 140 ở số trên và hơn 90 ở số dưới, ở người già (trên 80 tuổi) thì huyết áp trên 160 mới gọi là cao. Có những trường hợp, huyết áp chỉ cao vào buổi sáng, chính vì vậy đột quỵ, liệt nửa người thường xảy ra lúc sáng sớm, khi ngủ dậy. Vì vậy, ta nên đo huyết áp ngay khi vừa ngủ dậy và chưa bước xuống khỏi giường. Nhưng cũng có một số người có xu hướng tăng huyết áp vào buổi chiều tối nhiều hơn.

Không phải cứ cao huyết áp là dùng thuốc ngay. Đơn giản nhất là giảm muối trong ngày, người bình thường được phép ăn khoảng 4-5 gram muối, nhưng người bị tăng huyết áp hoặc tim mạch thì chỉ nên ăn khoảng 4 gram, người đã bị bệnh thận thì chỉ ăn 1-2 gram muối một ngày. Cho nên, cần cố gắng ăn càng nhạt càng tốt.

Bên cạnh đó, bệnh nhân phải giảm mỡ, giảm đường, không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, tinh thần thoải mái và lạc quan, chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ, nên vận động thể lực, tập thể dục, đi bộ...

Thuốc hạ huyết áp thì vô cùng nhiều, mỗi nhóm có nhiều tên khác nhau nhưng không nên tự ý sử dụng mà phải do BS chỉ định. Bởi vì mỗi cá thể sẽ sử dụng thuốc khác nhau tùy theo bệnh cảnh của mình, ví dụ người có bệnh phổi, bệnh hen suyễn thì không nên sử dụng nhóm thuốc ức chế beta trong khi đó, nhóm thuốc ức chế beta lại rất tốt với những người suy tim…

Cần phải theo dõi như thế nào?

Khi bắt đầu điều trị thì có thể chỉ 2 tuần là có thể đạt được mục tiêu, thông thường chỉ 1 tuần để kiểm tra các xét nghiệm khác và BS sẽ cho chỉ định, nếu bệnh lý ổn, có thể tái khám sau 2-3 tháng, ngược lại phải tái sau 2 tuần đến 1 tháng.

Cần phải điều trị liên tục và kiên nhẫn, bởi vì khi huyết áp đang ổn định là nhờ thuốc, nên khi bỏ thuốc huyết áp sẽ tăng lại. Hơn nữa, bệnh tăng huyết áp gần như phải uống thuốc suốt đời, trừ khi ghép thận hoặc khi các bệnh gây tăng huyết áp được điều trị khỏi, khi đó mới được ngưng thuốc.

Phải làm gì khi bị tăng huyết áp kèm theo bệnh thận?

Trước hết, phải kiểm soát huyết áp ở khoảng 130/80, không nên đưa xuống thấp hơn nữa, ở những người từ 60-80 tuổi duy trì 140. Điều trị các bệnh đi kèm: rối loạn mỡ máu, mỡ máu cao, tiểu ra đạm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch như: hút thuốc, uống rượu…. Đặc biệt, nếu hút thuốc lá phải ngưng ngay.

Những người cần quan tâm, tầm soát bệnh thận: người bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc trong gia đình có người bị bệnh thận, nhất là đã ở giai đoạn cuối thì tất cả người thân nên đi tầm soát bệnh thận.

Những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường xét nghiệm lần đầu mà chưa phát hiện ra bệnh thận thì ít nhất 6 tháng đến 1 năm phải đi tầm soát một lần.

Kết thúc chủ đề, BS Dung gửi gắm: “Chúc mọi người sống khoẻ, sống vui với gia đình. Tôi không nói chúc mọi người khoẻ mạnh vì bản thân chúng ta đang bệnh, nhưng tôi cầu mong cho tất cả gặp sự may mắn, an lành, nếu có bệnh phải ổn định”.

(Còn tiếp)

Theo Kim Chúc
Ảnh Phan Nhân - BV Nhân dân 115

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X