Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh đái tháo đường có thể ngừng dùng thuốc Metformin không?

Metformin là thuốc hạ đường huyết, được xem là thuốc điều trị đầu tay cho người bệnh đái tháo đường type 2. Sử dụng thuốc ở giai đoạn đầu còn giúp ngăn chặn tiền đái tháo đường chuyển thành đái tháo đường type 2.

Tuy nhiên, cũng giống như các thuốc khác, Metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhưng không vì thế mà bạn có thể tự ý ngừng dùng thuốc khi chưa có chỉ định.

Tác dụng phụ của thuốc Metformin


Metformin là một loại thuốc điều trị đái tháo đường type 2 hiệu quả. Thuốc có thể giúp hạ đường huyết bằng cách làm tăng độ nhạy cảm của insulin với tế bào, làm chậm quá trình giải phóng glucose dự trữ trong gan, làm chậm hấp thụ glucose từ thức ăn ở ruột… Tuy nhiên, giống như nhiều loại thuốc khác, Metformin có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian dài.

Các tác dụng phụ thường gặp của Metformin bao gồm:

- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa và đầy hơi. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế nguy cơ này bằng cách uống thuốc trong khi ăn.

Dùng thuốc Metformin trong thời gian dài có thể gây thiếu vitamin B12


- Thiếu vitamin B12: Các nhà khoa học đã thống kê, khoảng 30% người dùng Metformin trong thời gian dài sẽ bị thiếu dưỡng chất quan trọng này.

- Giảm cân

Các tác dụng phụ ít gặp hơn:

- Ở một số người, dùng Metformin có thể gây hạ đường huyết, đặc biệt nếu người bệnh đái tháo đường dùng kết hợp thuốc và tiêm insulin.

- Có nguy cơ thấp bị nhiễm toan lactic.

Metformin có thể làm giảm chức năng thận khi dùng lâu dài


- Một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng, Metformin có thể làm giảm chức năng thận ở những người bệnh đái tháo đường type 2 bị bệnh thận mạn tính.

Mặc dù tác dụng phụ là điều không thể tránh khỏi với các thuốc từ hóa dược, nhưng so với những lợi ích mà Metformin mang lại cho người đái tháo đường type 2, đây vẫn là loại thuốc hiệu quả nhất.

Vậy người bệnh đái tháo đường có thể ngừng dùng Metformin hay không?

Bạn không nên tự ý ngừng dùng Metformin khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi khi đột ngột ngừng dùng Metformin hoặc bất kỳ loại thuốc điều trị đái tháo đường nào khác, có nguy cơ các triệu chứng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Rủi ro khi ngừng dùng thuốc đột ngột có thể khiến đường huyết tăng cao, gây suy giảm thị lực, tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch, bệnh thận…

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các bác sỹ sẽ xem xét các tiêu chí sau để xác định nếu bạn có thể ngừng dùng Metformin một cách an toàn:

- Có chỉ số đường huyết trước khi ăn, chỉ số đường huyết lúc đói dưới 130mg/dL.

- Có chỉ số đường huyết sau ăn dưới 180mg/dL.

- Có chỉ số HbA1c dưới 7%.

Ngoài việc lưu ý tới cách dùng Metformin, người bệnh đái tháo đường muốn kiểm soát tốt bệnh cũng phải thay đổi lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên… đúng theo chỉ dẫn của bác sỹ để kiểm soát đường huyết:

- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng, thay đổi chế độ ăn lành mạnh có thể giảm đáng kể các triệu chứng đái tháo đường type 2, giúp phòng ngừa nguy cơ biến chứng.

- Giảm cân: Trong nghiên cứu năm 2018 trên 50 người bệnh đái tháo đường, gần 50% số người tham gia nghiên cứu đã có thể đảo ngược đái tháo đường type 2, ngừng dùng thuốc điều trị sau khi giảm cân thành công trong 12 tháng.

- Tập thể dục thường xuyên: Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, chỉ tập thể dục từ 2 - 3 lần/tuần đã giúp cải thiện phần nào các triệu chứng bệnh đái tháo đường.

Theo Vi Bùi - Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X