Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh đái tháo đường cần biết gì về bệnh thận đái tháo đường

Một trong những biến chứng mạn tính của đái tháo đường là suy giảm chức năng thận do đái tháo đường còn gọi là bệnh thận đái tháo đường.

Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Một trong những biến chứng mạn tính của đái tháo đường là suy giảm chức năng thận do đái tháo đường còn gọi là bệnh thận đái tháo đường. Đái tháo đường và tăng huyết áp là những nguyên nhân gây bệnh thận mạn hàng đầu hiện nay. Ước tính cứ 3 bệnh nhân người lớn bị đái tháo đường thì có 1 người bị suy giảm chức năng thận ở các mức độ khác nhau.

Bệnh thận đái tháo đường là gì?
Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Vì sao đáo tháo đường dễ dẫn đến suy thận?

Trong thận có những mạch máu nhỏ li ti có nhiệm vụ mang các chất thải đến để lọc và thải ra ngoài cơ thể. Những bệnh nhân đái tháo đường dễ bị tổn thương những mạch máu trên làm khả năng lọc và thải độc giảm sút hay còn gọi là suy chức năng thận, gọi tắt là suy thận. Ngoài ra đái tháo đường cũng làm tổn thương các dây thần kinh, làm cho việc tiểu tiện và làm trống bàng quang trở nên khó khăn. Bàng quang thường xuyên căng ứ nước tiểu gây ra tăng áp lực ngược lên thận càng làm tổn thương thận nhiều hơn nữa.

Biểu hiện của bệnh thận đái tháo đường là gì?

Bệnh thận do đái tháo đường thường không biểu hiện gì cho đến giai đoạn muộn của bệnh. Ở giai đoạn đầu, chỉ có xét nghiệm nước tiểu phát hiện ra sự hiện diện của albumin (một loại đạm máu bị mất qua nước tiểu do thận bị tổn thương) mới phát hiện được bệnh.

Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh thường có các biểu hiện sau:

- Phù bàn chân, cẳng chân, phù mặt

- Tiểu đêm nhiều lần

- Huyết áp tăng cao

- Thấy yếu người, mỏi mệt

- Buồn nôn, chán ăn

- Ngứa

- Xanh xao, thiếu máu

- Dễ bị hạ đường huyết

Mặc dù vậy, không phải bệnh nhân đái tháo đường nào có một ít trong số những biểu hiện trên cũng bị bệnh thận mạn. Cần có sự thăm khám tỉ mỉ, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết và có thể phải theo dõi một thời gian mới có thể kết luận người bệnh có mắc bệnh thận đái tháo đường hay không.

Người bệnh cần làm các xét nghiệm gì để biết được bệnh?

- Xét nghiệm

- Thông thường các xét nghiệm sẽ được chỉ định bởi các bác sĩ tùy theo giai đoạn bệnh. Các xét nghiệm cơ bản có thể được làm bao gồm: tổng phân tích nước tiểu, đạm niệu, công thức máu, Ure máu, creatinine máu, siêu âm bụng.

Điều trị bệnh thận đái tháo đường như thế nào?

Ổn định đường huyết và huyết áp là nền tảng trong điều trị bệnh thận đái tháo đường. Ngoài ra cân nhắc khi sử dụng các thuốc có khả năng làm tổn thương thận. Trong trường hợp cần dùng thêm thuốc nào khác ngoài chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của dược sĩ hoặc bác sĩ. Một vài thuốc được chứng minh làm chậm tiến triển bệnh thận mạn nhưng việc sử dụng tùy tình huống và cân nhắc của bác sĩ.

Làm sao để phòng ngừa bệnh thận do đái tháo đường?

Giữ đường huyết, huyết áp trong mục tiêu là yếu tố quan trọng nhất để ngăn chặn bệnh xuất hiện. Ngoài ra người bệnh cần uống đủ nước, không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc kiểm tra định kỳ chức năng thận và nước tiểu sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời.

Theo Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X