Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh cần chuẩn bị gì khi nội soi đại tràng?

Trước nội soi một ngày nên ăn thức ăn lỏng, uống nhiều nước, tránh thức uống có màu, thông báo trước tình trạng bệnh với bác sĩ.

Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhằm phát hiện những bất thường trên bề mặt niêm mạc đại trực tràng. Bác sĩ Phạm Công Khánh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết nội soi đại tràng được chỉ định khi người bệnh bị rối loạn đi tiêu, tiêu phân lẫn máu, tiêu chảy kéo dài, đau bụng quanh rốn hay dọc khung đại tràng, sụt cân không rõ nguyên nhân, gia đình có người ung thư hay polyp đại trực tràng...

Khi nội soi, bác sĩ sử dụng ống nội soi mềm có đường kính khoảng 13 mm đưa vào hậu môn, đi vào trực tràng, đại tràng và kết thúc ở manh tràng.

Trước khi nội soi, người bệnh cần chú ý những điều dưới đây:

Chế độ ăn trước khi nội soi

Một ngày trước khi nội soi, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa. Để tránh mất nước trong quá trình nội soi, bệnh nhân nên uống nhiều nước, tránh các loại thức uống có màu như đỏ và tím.

Báo trước tình trạng bệnh và thuốc đang uống

Người bệnh cần báo cho bác sĩ nội soi biết nếu đang có thai, cho con bú, tiền căn tắc ruột, các bệnh lý nội khoa mạn tính (suy tim, tăng huyết áp, suy thận, bệnh gan mạn tính), tiền căn dị ứng thuốc và các loại thuốc đang sử dụng (thuốc tim mạch, thần kinh, kháng đông, tiểu đường, thuốc sắt). Quyết định ngưng thuốc của bác sĩ nội soi dựa trên cơ sở hội chẩn với bác sĩ tim mạch và thần kinh về lợi ích và tác hại của việc ngưng thuốc.

Chuẩn bị đại tràng trước khi nội soi

Đây là bước quan trọng để bác sĩ có thể soi hết khung đại tràng, quan sát rõ và tránh bỏ sót tổn thương, giảm nguy cơ tai biến trong quá trình nội soi. Chuẩn bị đại tràng có thể có một số tác dụng phụ gồm buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau bụng.

Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp chuẩn bị đại tràng tùy vào tình trạng người bệnh. Có hai cách chuẩn bị đại tràng trước khi nội soi:

Chuẩn bị đại tràng bằng cách thụt tháo: Phương pháp này được sử dụng khi người bệnh có các triệu chứng bán tắc hay tắc ruột như đau quặn bụng từng cơn, không đi tiêu được trong nhiều ngày.

Chuẩn bị đại tràng bằng thuốc xổ: Hai loại thuốc xổ sử dụng để chuẩn bị đại tràng là Macrogol 4000 (Fortrans) và Sodium phosphate (Fleet phospho soda).

Macrogol 4000 là thuốc làm sạch đại tràng không gây rối loạn nước và điện giải của cơ thể nên có thể dùng cho người bệnh tim mạch, thận mạn hay suy gan. Người bệnh phải uống một lượng nước nhiều, từ 3 đến 4 lít nước pha với khoảng 3 gói thuốc.

Sodium phosphate làm sạch đại tràng theo cơ chế kéo nước từ trong cơ thể vào lòng ruột nên có thể gây rối loạn nước và điện giải. Cách này thường được sử dụng với người bệnh trẻ tuổi và không có các bệnh lý về gan, thận và tim mạch.

Quá trình nội soi

Người bệnh nằm nghiêng trái hoặc nằm ngửa. Ống soi đại tràng đưa qua hậu môn, vào trực tràng rồi từ từ đến manh tràng (vị trí ruột non tiếp giáp với đại tràng). Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ toàn bộ niêm mạc đại tràng trong quá trình lui ống soi ra ngoài.

Quá trình diễn ra khoảng 15 đến 30 phút tùy thuộc đại tràng khó hay dễ, có thực hiện thủ thuật (sinh thiết, cắt polyp) hay không. Người bệnh thường cảm thấy căng tức bụng hay đau bụng nhất là khi ống nội soi đi qua những chỗ đại tràng gập góc.

Người bệnh có thể đau nhiều khi quá trình nội soi khó khăn và kéo dài, nhất là người bệnh có tiền căn phẫu thuật vùng chậu trước đó gây dính ruột. Với những trường hợp này, người bệnh nên được nội soi gây mê.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X