Hotline 24/7
08983-08983

Ngứa hai bên nách có thể điều trị tại nhà không?

Trong 2 giờ trực tại văn phòng AloBacsi tối 24/1, BS Lan Hương đã giải đáp các câu hỏi về: nuốt vướng, khô họng, sau khi hiến máu bao lâu thì được hiến tiểu cầu, ngứa hai bên nách...

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Long Kim - longkim…@gmail.com

Chào BS,

Em năm nay 22 tuổi. Gần đây em bị nhức đầu và kèm theo sưng hai má, em đi xét nghiệm máu thì các chỉ số bình thường chỉ có số cholesterol là hơi cao.và em hay bị mỏi mắt... khi ngủ dậy thì mắt em màu đỏ 1 lát sau thì hết. Xin BS cho em biết có cách nào làm giảm sưng mặt hay không? Em xin cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em đã đi khám BS ở đâu, được chẩn đoán ra sao, BS có cho em thuốc gì điều trị tại nhà không? Hay em chỉ đi làm xét nghiệm máu ở trung tâm xét nghiệm? Bởi vì “xét nghiệm máu” là từ thông dụng của người dân khi đi làm xét nghiệm kiểm tra. Cho nên “xét nghiệm máu” nói chung thì hàm ý nhiều loại xét nghiệm, mỗi loại có ý nghĩa khác nhau.

Tôi không rõ là em đã làm những xét nghiệm gì để biết có phải thực sự là “bình thường” hay không. Triệu chứng nhức đầu kèm theo sưng 2 bên má có thể gặp trong nhiều nguyên nhân khác nhau, như viêm tuyến nước bọt mang tai cấp (thường gặp nhất là bệnh quai bị), bệnh lý ở thận, mọc răng khôn...

Tốt nhất em cần khám BS chuyên khoa răng hàm mặt hay chuyên khoa nội tổng quát đều được, và khám thêm chuyên khoa mắt riêng, để BS xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp tương ứng, em nhé.


- Thuc Hoang - hoangthuc…@gmail.com

Em chào BS,

Bác cho em hỏi là họng em có biểu hiện nuốt vướng và khô họng. Trước em đi khám BS nói bị viêm họng hạt, em đã trị khỏi nhưng hiện tượng bị nuốt bị vướng và khô họng vẫn còn. BS có thể tư vấn cho em nên đi khám như thế nào không? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Triệu chứng nuốt nước bọt vướng và khô họng thường gặp trong viêm họng hạt, loạn cảm họng do trào ngược dạ dày thực quản, do thiếu nước khô họng...

Em đã được chẩn đoán là viêm họng hạt, đây là 1 dạng của viêm họng mạn, do đó dù đã ngưng điều trị nhưng không phải là “điều trị khỏi” hoàn toàn, cụ thể là em vẫn còn nuốt vướng.

Bệnh viêm họng hạt chủ yếu là điều trị phòng ngừa để không lên đợt viêm cấp thì bệnh từ từ sẽ hết hẳn. do đó, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.

Không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi. nếu có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản thì phải khám chuyên khoa tiêu hóa để điều trị cho khỏi hẳn.


- B.D.Ph. - ph…@gmail.com

Chào BS,

Cháu hiện đang điều trị bệnh ảo thanh, tuy nhiên cháu thấy mỗi lần cháu học cỡ 45 phút là đồng tử bị mở rộng, cháu được biết thuốc cháu đang dùng Olanzapine gây giãn đồng tử, tuy nhiên tại sao cháu chỉ bị giãn lúc học thôi, còn không học thì không bị, tại sao vậy BS? Cháu xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Giãn đồng tử, mắt mờ, khó thở, hạ huyết áp là những dấu hiệu của đáp ứng quá liều thuốc Olanzapine. Khi học bài em phải chú tâm vào tập vở nên dễ bị giãn đồng tử hơn, nhưng cũng cần phải coi lại tư thế ngồi học, khoảng cách giữa bàn và ghế, ánh sáng, bệnh lý khúc xạ ở mắt...

Dẫu sao em cần phải khám lại BS chuyên khoa tâm thần để BS đánh giá lại triệu chứng của em, điều chỉnh liều hoặc lựa chọn loại thuốc khác nhằm đảm bảo việc học tập của em được duy trì tốt đẹp, em nhé.

- Phương Trinh - phuongtrinh…@gmail.com

Chào BS!

Em là nữ, 21 tuổi. 1 tuần trước em bắt đầu đau trong vùng miệng bên trái. Em nghĩ chắc ăn đồ nóng nên có lở hay nhiệt bên trong nhưng giờ thì vẫn chưa hết. Tuy em đã hạn chế ăn đồ nóng và uống nước nhiều. Mong BS tư vấn thêm về tình trạng này. Em cảm ơn!


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Phương Trinh,

Hình ảnh em gửi về cho thấy tình trạng viêm loét niêm mạc miệng ở sau răng hàm cuối cùng bên dưới phía bên trái. có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, bao gồm bệnh lý răng lợi gần đó (ví dụ như sai khớp cắn giữa hàm trên và hàm dưới), thuốc kháng viêm như aspirin dạng ngậm cũng có thể gây loét.

Có nhiều thuốc bán không theo đơn cũng gây tổn thương niêm mạc khi sử dụng kéo dài. Xỉa răng bằng móng tay hoặc dụng cụ cứng khác cũng gây loét. Trào ngược dạ dày thực quản, hút thuốc, stress, ảnh hưởng nội tiết, di truyền, dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm virus, dị ứng thuốc, thiếu vitamine C, PP, B6, B12, thiếu sắt, bệnh lý tự miễn, bệnh hệ thống...

Em cần khám BS tai mũi họng để được kiểm tra, tìm ra nguyên nhân và đánh giá cơ địa, tiền sử dị ứng thuốc, bệnh lý đi kèm (gan, thận...) mới chọn lựa thuốc thích hợp được, em nhé.

Trong thời gian này, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (nhưng không cạo lưỡi mạnh), uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas.

- Truong Thi Thảo - Thái Nguyên

BS cho em hỏi, em bị viêm da do Demodex. Em dùng thuốc uống Metrogyl và mỡ bôi Cadisalic chứa thành phần corticoide có diệt được Demodex không ạ? Em cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Thảo thân mến,

Demodex là những ký sinh trùng nhỏ thường gặp và phổ biến trên thế giới, thường ký sinh ở động vật có vú, có 2 loài gây bệnh ở người là D.folliculorum và D.brevis.

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh:

- Da tiết nhiều chất nhờn hoặc vệ sinh kém

- Tổn thương trên da

- Điều kiện môi trường thuận lợi như độ ẩm

- Sử dụng mỹ phẩm hoặc thuốc gây kích ứng da, làm da tổn thương,..

Điều trị Demodex được hướng dẫn như sau:

- Thuốc thoa tại chỗ trong trường hợp viêm mi mắt: Oxyde thủy ngân 1% thoa 2 lần/ngày trong 3 tuần.

- Trường hợp kết hợp với mụn trứng cá đỏ và viêm nang lông: Crème Métronidazole (Metrogyl) thoa 2 lần/ngày trong 6 tuần, hoặc dung dịch Benzoat benzyl 10% hoặc 20%.

- Trường hợp nặng có thể sử dụng thuốc thoa và kết hợp uống Metronidazole 250mg x 2 lần/ngày trong 14 ngày hoặc Ivermectin 200 mcg/kg cân nặng liều duy nhất.

Bên cạnh điều trị thuốc, việc chăm sóc da mặt hàng ngày cũng thật sự cần thiết:

- Rửa mặt hàng ngày với các sản phẩm không xà phòng.

- Tránh sử dụng mỹ phẩm, kem dưỡng chứa nhiều chất béo, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho Demodex phát triển.

- Hạn chế sử dụng chế phẩm chứa corticoide lâu ngày mà không có chỉ định của BS.

Nếu em tự điều trị hay chỉ điều trị tại nhà thuốc thì không an toàn, cần phải khám BS chuyên khoa da liễu để được điều trị thích hợp, đồng thời giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ thì bệnh mới khỏi.


- Bảo Khánh - lekhanh…@gmail.com

Chào Alobacsi, mong BS tư vấn giúp em, ở phía vòm họng trái của em có 1 đốm màu trắng/ vàng giống như vết lở nhưng đã lâu không lành chắc cũng hơn cả năm rồi, em chưa có thời gian đi thăm khám, mong BS tư vấn giúp em, em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Bảo Khánh,

Với vết loét miệng lâu ngày không lành thì cần phải khám chuyên khoa tai mũi họng để loại trừ vết loét ác tính (ung thư), vết loét tiền ung thư, nhiễm nấm, đồng thời phải kiểm tra bệnh lý răng miệng gần đó (sâu răng, nha chu...), viêm amidan mưng mủ mạn tính, thiếu một số vi chất (vitamin PP, vitamin C, E) và một số bệnh lý khác kèm theo (thường gặp nhất là trào ngược dạ dày thực quản)...

Do vậy, em cần tranh thủ thời gian đi khám sớm, em nhé. Trong thời gian đó, em chú ý vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần/ ngày sau khi ăn, súc miệng nước muối ấm pha loãng trước và sau ngủ dậy. Vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh).

Uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi.


- Lê Hằng - Quảng Ngãi

Em hay mỏi từ đầu gối xuống, có phải em thiếu canxi không ạ? Mọi người bảo em nên bổ sung canxi. Em nên làm như thế nào ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Em Hằng thân mến,

Triệu chứng mỏi từ gối trở xuống ở người trẻ có thể do nhiều nguyên nhân như chấn thương trong thể thao, làm việc quá sức, đứng lâu đi nhiều, thừa cân béo phì, thiếu vi khoáng chất (trong đó có canxi nhưng còn nhiều khoáng chất khác), bệnh nhược cơ...

Để cải thiện tình trạng này, tốt nhất là tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng lý tưởng, trong đó hiệu quả nhất là yoga, tập gym, bơi lội, các bài tập vận động toàn bộ cơ thể. Song song đó, em chú ý dáng ngồi dáng đi, mang giày đế mềm ôm vừa chân, không mang giày cao gót, tránh đứng lâu hay ngồi lâu 1 chỗ.

Em có thể uống thêm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất nhưng quan trọng là phải có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Nếu có bệnh không cải thiện hoặc có biểu hiện sụt cân, sốt về chiều, da nổi ban bất thường, cứng khớp thì cần phải khám BS chuyên khoa cơ xương khớp để tìm các bệnh lý hiếm gặp ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp ở người trẻ.


- Vân Anh - Hà Nội

Chào BS,

Năm nay cháu 20 tuổi. Dạo gần đây cháu thấy hiện tượng ù tai, có nhiều đờm trong cổ khi hít vào thì triệu trứng ù tai rất rõ. Trước đó 1 tháng cháu đi khám và được chẩn đoán bị viêm amidan cấp, cháu đã dùng thuốc nhưng vẫn chưa khỏi.

Hiện tại cháu vẫn bị ù tai và thỉnh thoảng còn đau nửa sau đầu rất khó chịu. BS cho cháu hỏi như thế là cháu bị bệnh gì? Cháu cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Vân Anh,

Các biểu hiện mà em nêu là thuộc chứng viêm mũi xoang kèm viêm amidan mạn tính. hệ thống mũi - xoang - hầu họng có thông thương với nhau, nên viêm vùng này có thể ảnh hưởng đến vùng kia. thành sau họng có ống vòi nhĩ nối với tai giữa nên khi thành sau họng bị viêm sung huyết (amidan là 1 cặp tuyến lớn nằm ở thành sau họng) có thể gây ù tai, viêm tai giữa. Tình trạng viêm nhiễm sẽ gây đau đầu, mệt mỏi.

Bệnh tình của em không đến mức nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng ở mức báo động nặng vì ảnh hưởng nhiều lên sức khỏe thể chất, tinh thần và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống hàng ngày đáng kể. em cần đến bv tai mũi họng để kiểm tra toàn diện, nội soi hầu họng, mũi xoang, xác định rõ mức độ nặng của bệnh và hướng điều trị tích cực, kiên trì, triệt để thì mới hết bệnh.

Ngoài ra, những yếu tố thúc đẩy bệnh là trào ngược dạ dày thực quản, thuốc lá, môi trường ô nhiễm khói bụi, nghề nghiệp nói to nói lớn, uống nước đá lạnh... để phòng và điều trị bệnh, em nên vệ sinh răng miệng sạch ngày 2-3 lần sau khi ăn, súc miệng nước muối trước và sau ngủ dậy, vệ sinh lưỡi mỗi ngày (không cạo lưỡi mạnh).

Em cũng cần uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas. Không nằm hay vận động mạnh trong vòng 2 giờ sau ăn, tối nên nằm đầu cao, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.


- Trúc Linh - truclinh…@gmail.com

Thưa BS,

Tôi là nữ 22 tuổi và đã cắt bỏ tuyến giáp thuỳ trái (vì bị basedow) cách đây gần 1 năm và vẫn duy tri uống thuốc đều đặn. Nhưng sau khi mổ tình trạng tay run, hồi hộp, tóc khô xơ vẫn không được cải thiện.

Tôi muốn hỏi BS, sau khi cắt 1 phần tuyến giáp có phải gây rối loạn nội tiết tố gây nóng cơ thể không? Vì sau khi mổ mặt tôi rất hay bị phát ban dạng trứng cá và mụn nổi rất nhiều so với khi chưa mổ. Và có cách nào để khắc phục hay không? Cám ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Trúc Linh,

Chắc chắn là cắt bỏ 1 phần tuyến giáp không gây rối loạn nội tiết tố theo kiểu gây “nóng trong người”. Ngược lại, em cần khám chuyên khoa nội tiết để xem coi bệnh lý tuyến giáp đã ổn chưa, hay bị tái phát. Bởi vì, bệnh Basedow rất dễ tái phát; hơn nữa, các triệu chứng “tay run, hồi hộp, tóc khô” là những dấu hiệu của cường giáp chứ chưa chắc gì chỉ đơn thuần là “nóng trong người”.

Còn vấn đề nổi mụn nhiều hơn trước thì do nhiều yếu tố tác động: sự gia tăng bài tiết chất bã nhờn ở hệ thống nang lông tuyến bã, môi trường (ô nhiễm và ánh nắng mặt trời gay gắt), chế độ ăn uống sinh nhiệt (đồ biển, đồ cay, cafe, bia rượu), nghỉ ngơi không hợp lý (thức khuya), hóa chất kích ứng da (sữa rửa mặt, mỹ phẩm không phù hợp), căng thẳng đầu óc... dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn ngay lỗ chân lông làm sinh mụn.

Em cần giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, lau mặt bằng khăn ướt khi đi ngoài đường bụi bặm về, ăn đồ nhiều rau xanh và hoa quả, hạn chế đồ cay nóng và dầu mỡ, không rượu bia, không thuốc lá, không thức khuya, sống vui vẻ và khám BS da liễu, để BS kiểm tra và điều trị thích hợp.


- Thanh Thảo - thanhthao…@gmail.com

Cho em hỏi là sau khi hiến máu thì bao lâu được hiến tiểu cầu?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Theo quy định của ngành y tế, mỗi lần hiến máu, mỗi người chỉ được hiến 450 ml loại tiểu cầu, còn máu thường thì 1 hoặc 2 đơn vị máu (250 ml/đơn vị). để an toàn cho người hiến máu, thì Điều kiện để được hiến máu là người hiến máu phải có:

- Mạch và huyết áp đều bình thường, không cao quá cũng không thấp quá.

- Phụ nữ đang mang thai, đang "đèn đỏ", điều hòa kinh nguyệt, đang cho con bú, và người mới hiến máu cách đó dưới 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ thì không được hiến máu,

- Đang/ vừa khỏi cảm cúm hoặc đang uống thuốc trị bệnh,

- Mới chích ngừa chưa được 3 tháng,

- Mới bị vết thương, vết cắt, nhổ răng dưới 1 tháng,

- Đang bị bệnh ngoài da thì phải tạm hoãn hiến máu.


- Kiều My - uyenmy…@gmail.com

Chào BS,

Con tên là My, 12 tuổi. Hôm nay con lên đây để hỏi bệnh tình của con. Mấy ngày nay con cảm thấy ngứa ở hai bên vùng nách, rồi dần dần chỗ con thấy ngứa từ từ lan rộng ra khắp hai bên vùng nách của con. Nó ngứa theo đợt, chạm vào thấy ướt ướt, rát, đỏ lè.

Lâu lâu, ngứa quá con chịu không nổi nên đã liều gãi nên đã có mấy cái gì màu trắng nhỏ nhỏ như da chết trên ấy. Vậy cho con hỏi, con bị bệnh gì, chữa tại nhà được không ạ, nên kiêng gì và nên ăn gì? Mong các BS giúp con ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em My,

Các triệu chứng mà em miêu tả có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, như hăm da (viêm da kẽ do mồ hôi), nấm da, chàm... BS cần phải khám trực tiếp cho em thì mới chẩn đoán bệnh chắc chắn và cho thuốc điều trị thích hợp được.

Em cần phải nói với ba mẹ, người thân để đưa em đi khám chuyên khoa da liễu sớm, em nhé. Song song đó, em cần chú ý:

- Ở trong môi trường mát mẻ, thông thoáng

- Dị ứng với thức ăn nào thì kiêng món đó (món nào ăn vào thấy nổi mề đay), các thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ biển, thịt bò, thịt rừng.

- Mặc quần áo rộng thoáng

- Thay đổi thường xuyên quần áo ít nhất mỗi ngày.

- Nên tắm rửa cơ thể nhanh sau hoạt động đổ nhiều mồ hôi.

- Tạm thời ngưng sử dụng sản phẩm khử mùi ở nách như chai xịt, phấn lăn, chai lăn...


- Viet Anh - luuvietanh…@gmail.com

Cứ thay đổi thời tiết là em bị sổ mũi, đau rát họng và họng có đờm. Và mỗi khi bị em hay uống thuốc kháng sinh. Em nghe uống thuốc kháng sinh không tốt nên BS tư vấn cho em nên đi khám để chẩn đoán và trị dứt điểm hay là làm gì ạ? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Biểu hiện sổ mũi, nghẹt mũi, đau rát họng, họng có đàm xuất hiện khi thay đổi thời tiết thường gặp là do viêm mũi họng cấp do virus. Bệnh thường kéo dài vài ngày rồi tự hết, chỉ cần điều trị nâng đỡ là chính (giảm ho, giảm sổ mũi, giảm viêm, vitamin C).

Nhưng khi bội nhiễm thêm vi khuẩn thì thường sẽ hành sốt cao, đàm đục nhiều, thở nhanh, khó thở, amidan sưng mủ, khi đó cần khám BS tai mũi họng để được điều trị thêm thuốc (trong đó có kháng sinh).

Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, lúc bị bội nhiễm vi trùng thật thì vi khuẩn đã kháng nhiều thuốc, phải vào bv để truyền thuốc và có trường hợp đã ghi nhận là kháng hết các thuốc kháng sinh hiện có.

Do vậy, tốt hơn hết là nếu bệnh kéo dài trên 3 ngày không bớt với điều trị nâng đỡ kể trên hoặc bệnh tái đi tái lại nhiều lần trong năm thì em nên khám BS tai mũi họng để BS lựa chọn thuốc phù hợp với cơ địa, bệnh tình thì bệnh sẽ mau hết.

Trong thời gian đó, phòng bệnh thì em nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống đầy đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả, không hút thuốc lá, hạn chế nước đá lạnh và thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, nước có gas, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, tập thể dục để tăng sức đề kháng cho cơ thể, rửa mũi bằng nước muối sinh lý trước và sau khi ngủ dậy + sau khi đi ở ngoài đường về.

Chúc em mau khỏe!


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Để trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17 -19g;
 Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X