Hotline 24/7
08983-08983

Ngủ dậy đau bụng xung quanh rốn là bệnh gì vậy AloBacsi?

Ngủ dậy đau bụng xung quanh rốn, sưng đau vùng nách, có nên điều trị bướu basedow bằng sóng cao tần, chăm sóc da sau khi đốt laser... là những câu hỏi được BS Lan Hương tư vấn.


BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương



Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi qua email ngày 1/8:


- Khánh Duy - khanhduy…@gmail.com

Em sinh năm 97, hiện tại em chỉ cao 1m65, từ khi em lên lớp 10 em đã không còn cao lên thêm nữa. Vậy hiện tại làm sao để em kích thích lại hocmon tăng chiều cao ạ? Với chế độ luyện tập và ăn uống như thế nào mỗi ngày để giúp phát triển thêm vậy BS?

Em đọc báo có ghi là cần kiểm tra sụn giữa các khớp để chẩn đoán có còn phát triển được nữa không, mình có cần phải làm như thế không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Khánh Duy thân mến,

Giai đoạn tăng chiều cao tối đa là giai đoạn dậy thì, dao động quanh mốc 12-13 tuổi ở nữ và 14-15 tuổi ở nam. Bước sang tuổi 17-18 thì chiều cao tăng chậm lại, và tới khoảng 24-26 tuổi thì chiều cao ngừng tăng.

Các yếu tố chính quyết định chiều cao bao gồm yếu tố di truyền, chủng tộc, tập luyện thể lực, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt. Nếu em tích cực tập luyện thể lực, kết hợp với chế độ ăn giàu dưỡng chất tăng cường canxi cùng sinh hoạt khoa học thì khả năng tăng chiều cao tiếp tục là có thể, và đó chính là cách kích thích phát triển chiều cao an toàn nhất, nhưng cần kiên trì trong một thời gian dài.

Về chế độ tập luyện thì em cần phải tập đều đặn, tối thiểu phải 45-60 phút mỗi ngày và nên chọn các bài tập phát triển chiều cao như bơi lội, bóng rổ, đạp xe duỗi chân... em có thể tập thể dục tại nhà theo các bài tập trên youtube, hoặc đến các trung tâm thể dục thể thao, thể dục thẩm mỹ, ở đó có các thiết bị đánh giá chi tiết các chỉ số từng vùng trên cơ thể (chu vi, tỷ lệ cơ, mỡ...) và huấn luyện viên có thể hướng dẫn em cách tập cho phù hợp.

Trong một số trường hợp, BS có thể kiểm tra độ cốt hóa đầu sụn để đánh giá khả năng phát triển chiều cao thêm nữa, nếu các đầu sụn đã cốt hóa hết thì xương sẽ không thể kéo dài ra thêm được và chiều cao sẽ cố định ở mức đó. Về vấn đề này, em có thể tham khảo thêm tại chuyên khoa Cơ xương khớp hay chuyên khoa Dinh dưỡng - Nội tiết.


- Mai Thị Nhi - nmcong…@gmail.com

Xin hỏi BS, tôi hay bị đau bụng xung quanh vùng rốn sau khi ngủ dậy, không đau lắm và thời gian đau cũng ngắn, vậy tôi vị bệnh gì BS?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Nhi,

Thời điểm sau khi ngủ dậy là thời điểm nhu động ruột tăng, và chính vì vậy nhiều người có thói quen đi cầu vào buổi sáng. Đây có thể đó là nguyên nhân gây đau quặn quanh rốn.

Ngoài ra, còn có thể gặp do nhiễm ký sinh trùng đường ruột, xót ruột do đói... Để chắc chắn nguyên nhân và điều trị thích hợp, bạn nên đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám + xét nghiệm kiểm tra, bạn nhé.


- Hoàng Kiêm - Tây Ninh

Khoảng 3 ngày trước em bị tai nạn và dập mặt phải. Hiện tại em cũng đang uống thuốc theo toa của BS. Nhưng mấy ngày đầu khạc ra máu bầm đặc. Hôm nay cũng còn khạc ra máu nhưng ít. Như vậy em có nặng không BS? Có dấu hiệu gì lạ không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Va đập mạnh vào vùng mặt trước có thể gây tổn thương niêm mạc - mạch máu vùng mũi, xoang, răng lợi... là nguyên nhân gây chảy máu và khạc ra máu.

Các dấu hiệu của chấn thương sọ não là nhức đầu nhiều (mức độ nặng, tăng dần, không giảm với thuốc giảm đau thông thường), nôn ói, nhìn mờ, nhìn đôi, rối loạn cảm giác và/hay yếu liệt bất kỳ vùng nào trên cơ thể, co giật, nuốt khó, khó thở, rối loạn hành vi… khi có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, em cần đến BV để kiểm tra ngay, có chỉ định chụp CTscan sọ não.

Hiện tại tình trạng khạc ra máu của em có dấu hiệu thuyên giảm là điều đáng mừng, em nên tiếp tục uống thuốc theo toa của BS, theo dõi sát và tái khám chuyên khoa tai mũi họng - răng hàm mặt khi hết thuốc để BS kiểm tra lại.


- Huỳnh Quốc Trung - trung…@gmail.com

Tôi là nam, năm nay 35 tuổi. Hiện tôi thường hay bị chứng đau thắt lưng và tê mỏi chân ở đùi và cổ bàn chân (đặc biệt là chân phải ) mỗi khi chơi thể thao về (tôi thường hay đá banh). Nhưng nếu nghỉ dưỡng khoảng 1 tuần thì triệu chứng sẽ giảm đi rất nhiều. Theo như tình trạng trên có phải tôi bị đau thần kinh tọa không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Quốc Trung,

Biểu hiện đau vùng thắt lưng và tê mỏi vùng đùi và cổ bàn chân sau khi chơi thể thao có thể do nguyên nhân thần kinh - cơ xương khớp (như căng cơ, căng dây chằng, chèn ép thần kinh tọa...), cũng có thể do nguyên nhân mạch máu như xơ vữa động mạch, dãn tĩnh mạch sâu... Do đó tốt nhất bạn nên đến BV để kiểm tra, đăng ký khám tại chuyên khoa cơ xương khớp là phù hợp nhất.


- Kim Ng. - Thủ Đức

Chào BS,

Con năm nay 17 tuổi. Khoảng 1 năm gần đây, con có biểu hiện ngại và không thích nói chuyện với bất kì ai, không quan tâm đến chuyện gì, con hay buồn bã, chán nản, bực bội bất thường, hay suy nghĩ tiêu cực, luôn nghĩ mình là kẻ thất bại trong cuộc sống.

Con còn hay bị nhức đầu nữa, dễ măc bệnh, không hứng thú với sở thích trước kia, không tập trung làm được bất cứ việc gì, con còn có cảm giác buồn ngủ rất nhiều nữa.

Và dạo gần đây mỗi khi buồn, con còn có suy nghĩ tự tử, làm hại bản thân mình nữa. Liệu những biểu hiện của con có phải đã bị mắc bệnh trầm cảm? Và con phải làm sao để khắc phục điều đó?

Con đã thử nói với gia đình về việc con áp lực nhiều thứ, nhưng mỗi lần nói đều bị bác bỏ, cho là còn nhỏ nên lo học, suy nghĩ linh tinh. Vậy còn phải giải quyết sao khi không thể nào nói với gia đình?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Áp lực học tập và áp lực từ nhiều thứ khác trong cuộc sống đang gây ảnh hưởng xấu lên sức khỏe thể chất và tinh thần của em. Em bắt đầu có dấu hiệu của bệnh trầm cảm. nếu để kéo dài không giải quyết thì bệnh sẽ nặng hơn, gây suy sụp tinh thần và thể chất, em không thể học hành khá lên được và có thể dẫn đến việc tự tử.

Nhưng một dấu hiệu tốt ở đây là em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Tôi khuyên em nên chia sẻ với người lớn nào mà em thấy có thể tin cậy và giúp em truyền đạt lại với những người khác, như ba mẹ, cô dì chú bác, anh chị em, thầy cô giáo... Vì vấn đề này một mình em không thể giải quyết được, mọi người trong gia đình và nhà trường cần biết để hỗ trợ cho em, để điều chỉnh lại việc học, có thể nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi bớt như đi du lịch cùng gia đình để lấy lại tinh thần.

Nếu quay vào học lại là em lại có triệu chứng kể trên thì gia đình nên cùng em khám chuyên khoa tâm thần để BS kê thuốc điều trị ngắn hạn, em sẽ chóng bình phục và quay lại cuộc sống như trước đây.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Nếu gia đình không tin em thì em có thể đưa thông tin tư vấn này cho gia đình em đọc và cùng em đến khám tại BS chuyên khoa tâm thần để nghe lời khuyên trực tiếp của BS.


- Nguyễn. M. Tr. - ds…@gmail.com

Chào BS,

Em bị tiêu ra máu 3 tháng nay, cách đây 1 tháng thì có búi trĩ lồi ra ít nhưng tự co vào được, cách đây 2 tuần thì búi trĩ không tự co lại vào được mà phải dùng tay đẩy nhẹ vào. Đi khám và nội soi thì BS kết luận trĩ độ nội 1 2, 2 búi trĩ. Nhưng chỉ nhìn kết quả nội soi và kết luận. theo em biết thì trĩ độ 2 thì búi trĩ có thể tự co vào nhưng của em phải dùng tay đẩy nhẹ vào.

BS cho em hỏi là chỉ dựa vào nội soi mà kết luận trĩ em độ 2 là chuẩn xác chưa ạ, trĩ em đã tiến triển trĩ độ 3 chưa ạ? Vì chỉ 1 tháng mà từ độ 2 sang 3 thì nhanh quá.

Sau đi cầu thì em bị đau khoảng 4 tiếng đồng hồ, sau đó mọi chuyện đều bình thường và không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt, đến sau khi vệ sinh hôm sau mới bị đau lại. Em đã được kê uống Daflon 1 tuần rồi mà chưa thấy cải thiện. Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Khoảng cách giữa mức độ trĩ độ 2 và độ 3 không phải quá xa và rất gần nhau. Khi bệnh trĩ tiến triển, người bệnh bón nhiều hay phải rặn nhiều thì trĩ độ 2 hoàn toàn có thể chuyển sang trĩ độ 3 trong vòng vài tuần, đặc biệt là các loại trĩ độ 2 mà đã “mấp mé độ 3”, trong các loại trĩ độ 3 cũng còn nhiều mức độ “lòi nhiều” và “lòi ít”.

Em đừng quá đặt nặng việc chẩn đoán, vì khi BS soi hậu môn - trực tràng cho em thì nhìn thấy búi trĩ khoảng độ 2, nhưng khi em rặn đi cầu thì trĩ to hơn thành độ 3, nhưng em chỉ cần đẩy nhẹ là vào thì không phải là độ 3 nặng mà chỉ là độ 2 “chớm sang” độ 3.

Vấn đề là em bị đau hậu môn sau đi cầu kéo dài tới 4 giờ đồng hồ, uống Daflon rồi mà cải thiện không nhiều thì em cần tái khám lại BS chuyên khoa ngoại tổng quát, cân nhắc đến việc phẫu thuật cắt trĩ sớm hoặc tăng liều thuốc cho em, em nhé.


- Bạn đọc Mi - ngocdiem…@gmail.com

Chào BS,

Cảm thấy đau nhức vùng nách và hơi sưng có thể là nguyên nhân của nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra, vậy việc ra nhiều mồ hôi nách có phải là nguyên nhân không ạ? Em bị đau hai bên nách luôn và cảm giác hơi sưng chứ không có cảm thấy hạch li ti khi vuốt từ ngực xuống hõm nách. Mong BS giúp em.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Mi thân mến,

Sưng và đau nhức vùng nách 2 bên có thể do viêm nách (liên quan đến sản phẩm lăn/ xịt khử mùi, vệ sinh cá nhân, nhiễm trùng chân lông...), nặng hơn thì viêm mô tế bào vùng nách, hạch nách viêm hay hạch nách ác tính...

Ra nhiều mồ hôi nách là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, vi nấm có thể là nguyên nhân gây viêm nhiễm vùng này, tuy nhiên, còn có các nguyên nhân khác kể trên.

Do đó, tốt nhất em nên đến BV để kiểm tra, đăng ký khám chuyên khoa Da liễu hay chuyên khoa Nhiễm hay chuyên khoa Nội tổng quát đều được, em nhé.


- Nguyễn Vũ Thắng - Hải Dương

Cháu năm nay 23 tuổi, vừa qua cháu có bị sút cân và run tay, cháu đi khám ở BV Nội Tiết Trung Ương 1 BS kết luận cháu bị bướu basedow. Hiện tại cháu đang điều trị và thử thuốc tại BV Nội Tiết Trung Ương.

Vừa qua cháu có tham khảo 1 số phương pháp điều trị và cháu thấy có phương pháp điều trị bằng sóng cao tần ở BV Bạch Mai.

Vậy cho cháu hỏi bệnh basedow của cháu có điều trị bằng phương pháp này được không ạ và sau khi điều trị bệnh liệu có ảnh hưởng đến đường sinh sản không? Cháu xin cám ơn những lời tư vấn bổ ích của BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Thắng,

Basedow là bệnh lý tự miễn, khi cơ thể tự tạo ra chất ảnh hưởng lên tuyến giáp. Bệnh basedow xảy ra trên toàn bộ tuyến giáp, chứ không phải chỉ 1 vùng nhỏ hay 1 nhân giáp bất thường.

Điều trị đầu tay đối với bệnh Basedow là điều trị thuốc để ức chế tổng hợp hormone giáp. Tuy nhiên, thuốc uống chỉ ức chế quá trình tổng hợp hormone giáp, không đánh vào cơ chế tự miễn của cơ thể, do đó điều trị thuốc kháng giáp tổng hợp trong bệnh lý basedow có tỉ lệ thoái lui bệnh tối đa có thể đạt 40-50% sau 18-24 tháng, nhưng tỉ lệ này rất thay đổi; bướu giáp nhỏ, cường giáp nhẹ và tuân thủ điều trị thì tỉ lệ thành công cao hơn nhưng tỉ lệ tái phát cũng khá cao.

Điều trị phẫu thuật hay xạ trị bằng iod đồng vị phóng xạ là phương pháp được chọn lựa khi thất bại với điều trị bằng thuốc, hoặc cũng có thể sử dụng ngay từ ban đầu, thường đạt bình giáp sau lần đầu điều trị, tuy nhiên, cũng cần phải điều trị thuốc 1 thời gian cho tuyến giáp tạm bình ổn thì mới làm được.

Phương pháp điều trị u lành tuyến giáp bằng sóng cao tần đã được BV Bạch Mai tiến hành thành công trên nhiều bệnh nhân, nhưng đây là các trường hợp có u, và là u lành. Đối với bướu basedow thì chưa có hướng dẫn đồng thuận của quốc tế về vấn đề này.

BV Nội Tiết Trung Ương là nơi chuyên trị về bệnh basedow tuyến giáp, em nên tuân thủ theo thuốc BS hướng dẫn và tham khảo thêm ý kiến của BS chuyên khoa nội tiết.


- Ph. Th. Hoa - ph…@gmail.com

Cách đây 2 tuần, tôi có mổ trĩ tại BV Bình Dân. Đến nay vết thương gần bình phục nhưng xung quanh hậu môn có nhiều cục sưng lên gây khó ngồi. Xin BS tư vấn giúp tôi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Hoa thân mến,

Có nhiều phương pháp để phẫu thuật (mổ) trĩ, bao gồm chích xơ búi trĩ (ngày nay ít làm), thắt búi trĩ bằng dây thun qua nội soi trực tràng, cho đến phương pháp hiện đại hơn và cũng tốn kém nhiều hơn là phương pháp Longo.

Mỗi phương pháp sẽ có những vấn đề sau phẫu thuật khác nhau (phù, thuyên tắc, hoại tử rụng búi trĩ...), bạn đã điều trị ở BV Bình Dân nhưng không nói rõ là bạn đã phẫu thuật trĩ bằng phương pháp nào?

Trong trường hợp bạn có trĩ ngoại đi kèm mà chỉ cắt trĩ nội thì có thể còn trĩ ngoại. Tốt nhất bạn nên đến BV tái khám lại để xác định nguyên nhân mà điều trị thích hợp, bạn nhé.


- Quỳnh Trang - Kiên Giang

Thưa BS cho em hỏi,

Em thử hba1c là7.8. Và thử máu là 132 sau khi ngủ dậy. Em mới sinh bé được 4 tháng và biết mình bị buồng trứng đa nang. Vậy em có phải uống thuốc tây không hay chỉ cần thể dục và ăn uống hợp lí là được?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Quỳnh Trang,

Các chỉ số xét nghiệm cho thấy em đang có bệnh đái tháo đường. Hội chứng buồng trứng đa nang là 1 trong những yếu tố làm tăng đường huyết. Chắc chắn là em phải thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và tập thể dục.

Về chế độ ăn uống: cần có chế độ ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, tuy nhiên, cần hạn chế những thực phẩm giàu năng lượng, đồ ăn chiên rán, đồ ngọt, không ăn mặn, hạn chế rượu bia... nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và giàu chất xơ như rau xanh, các loại họ đậu, …

Ăn các loại thịt nạc như thịt bò vì giàu CLA có tác dụng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường trong máu. Đồng thời, bổ sung cá biển giàu acid béo có lợi giúp giảm cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.

Cách chế biến càng đơn giản càng tốt như luộc, hấp, … hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào và các đồ chế biến sẵn, đóng hộp.

Chế độ luyện tập phù hợp: nên dành ra 30 - 45 phút mỗi ngày để luyện tập như đi bộ hoặc chơi các môn thể theo phù hợp với sức khỏe.

Duy trì cân nặng lý tưởng tránh béo phì, thừa cân.

Không hút thuốc lá.

Về việc dùng thuốc, tôi không rõ là em có phát hiện rối loạn đường huyết trước khi mang thai hay không, có từng dùng thuốc gì điều trị hạ đường huyết chưa, hiện có đang cho con bú không... do đó em cần đến khám BS chuyên khoa nội tiết để được kiểm tra và kê thuốc phù hợp, em nhé.


- Tuyet Tinh Linh - lt.thanh…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Hôm qua em mới đi đốt laser ở BV Da Liễu TPHCM, BS tại chỗ đã cho em 1 tuýp xức Skincol sucralfate humid gel, 1 hộp thuốc uống Vinaflam.

Em hỏi có kiêng cữ gì không và BS đấy đã trả lời ăn uống bình thường không kiêng gì cả. Và đặc biệt không được bôi nghệ. Nhưng BS tại đó không có hướng dẫn em về việc vệ sinh chỗ lõm đó. Mong BS chỉ cho em.

Vì để làm sạch lớp kem cũ em lấy tăm bông thấm nước ấm để làm sạch từ từ rồi thoa lớp mới lên vậy có sao không ạ? Và theo em nghĩ sau này miếng mài tự bong ra có lớp da non thì em có thể xức nghệ không ạ? Em cảm ơn BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Điều quan trọng nhất giúp vết thương lành tốt là chăm sóc, rửa và thay băng vết thương mỗi ngày đúng, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và uống thuốc đúng theo hướng dẫn của BS.

Theo dân gian thì các loại rau có nhiều mủ hay nước tương, và đồ biển không tốt cho người mới mổ xong hay có vết thương trên da vì nghĩ là sẽ tạo mủ, khó lành, sẹo lồi... Tuy nhiên, theo bằng chứng khoa học thì điều đó không đúng.

Người có vết thương thì có thể ăn uống bình thường, không kiêng cử gì cả, miễn là thức ăn phải nấu chín uống sạch, rau nên luộc chín để dễ tiêu, những món ăn trước đây gây dị ứng nếu có thì không dùng. Người bệnh cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì mới mau lại sức. tuy nhiên, không nên uống rượu bia vì có thể làm vết thương chậm lành, dị ứng, giảm tác dụng thuốc uống đi kèm...

Với vết thương dạng này, mỗi ngày em vẫn tắm rửa như bình thường, dùng tăm bông thấm nước sạch vệ sinh vết thương rồi thấm khô và thoa lớp gel thuốc mới lên, khi mài đã bong rồi thì mới sử dụng nghệ để làm mờ sẹo, tuy nhiên với sẹo lồi sẹo lõm thì nghệ không có tác dụng, em nhé.


- Nguyen Ngoc Diep - Yên Bái

Chào BS,

Tôi có một vài câu hỏi kính mong BS giải đáp giúp tôi. Một vài ngày trước đầu ngón áp út của bàn tay trái tôi bị sưng có màu trắng trong, giống bị bỏng. Lúc sưng cảm thấy đau nhức ngón tay.

Vậy xin hỏi BS tôi bị gì, có nghiêm trọng hay không, có cần đến BV kiểm tra hay không? Cách trị liệu tạm thời như thế nào?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Triệu chứng ngón tay bị sưng, đau nhức là biểu hiện của viêm nhiễm. Với tình trạng này bạn cần đến BV để kiểm tra và xử trí thích hợp (xem có tụ mủ không, kê thuốc phù hợp...).

Tạm thời bạn không nên bôi bất kỳ loại “thuốc dân gian” nào, không tự ý rạch hay chọc hút hay nặn máu ngón tay này.


- Bạn đọc Tuấn - llam…@gmail.com

Kính chào BS,

Thưa BS, cháu năm nay 24 tuổi đã đi làm. Gần đây cháu có hay bị đau nhói nhẹ ở tim vùng ngực trái, khi có hiện tượng đau thì càng hít sâu càng đau nhiều còn khi thở ra thì lại không đau chút nào nhưng nhịp thở bị loạn và phải nghỉ khá lâu mới tự hết.

Hồi nhỏ cháu có bị như vậy nhưng không thường xuyên, cháu có đi khám nhiều lần và không có vấn đề gì.

Gần đây khi bị lại cháu cũng đi khám ở BV, làm xét nghiệm, điện tim và siêu âm màu. Các BS nói là tim cháu khỏe mạnh bình thường.

Cháu có đọc một số bài báo nói có thể liên quan đến dây thần kinh tim hay thần kinh liên sườn gì đó. Vậy BS có thể cho cháu biết trường hợp của cháu có vấn đề gì không? Đồng thời có thể cho cháu lời khuyên về thuốc, thực phẩm chức năng hay bài tập nào để khỏi hết tình trạng này không ạ? Cháu xin chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Tuấn,

Rối loạn thần kinh tim, hay còn gọi là rối loạn thần kinh thực vật, là một bệnh lý không có tổn thương ở hệ cơ quan bao gồm tim mạch, hô hấp, thần kinh, nội tiết... (thăm khám và làm các xét nghiệm tầm soát loại trừ bệnh lý cho kết quả mọi thứ đều bình thường) nhưng người bệnh vẫn có “cảm giác” khó chịu. biểu hiện của em có nhiều điểm tương đồng với bệnh rối loạn thần kinh thực vật.

Chữa bệnh rối loạn thần kinh tim gồm có 2 phần, dùng thuốc và không dùng thuốc. Về phía sử dụng thuốc, người bệnh phải khám BS chuyên khoa tim mạch - hô hấp để được kê thuốc phù hợp với triệu chứng và cơ địa.

Về phía không dùng thuốc, người bệnh chú ý tránh lo âu căng thẳng, ăn uống khỏe mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục, tập hít thở (như thiền, yoga), không thuốc lá rượu bia, hạn chế cafe và thức khuya. Nếu còn khó chịu thì nên quay lại tái khám BS để được kiểm tra lại và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.


- Hoàng Mỹ Thảo - hmthao…@gmail.com

BS ơi,

Em thường rất ít đi ngoài và mỗi lần đi thì phân cứng mất rất lâu mới đi được. Dạo này thì có đỡ hơn nhưng em thấy em bị tòi trĩ nhỏ nhỏ sau mỗi lần đi ngoài xong. Nó bé tầm đầu ngón tay út thôi ạ, không đau cũng không ngứa. Lúc đi ngoài thì cũng không bị chảy máu. Em sợ để lâu nó nặng hơn nên em nên làm gì để nó khỏi ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Mỹ Thảo,

Em có tình trạng táo bón kéo dài, đi cầu thường xuyên phải rặn, nay xuất hiện 1 khối lồi ở hậu môn với đặc điểm là ẩm ướt, trơn láng, xuất hiện khi rặn nhiều, thì nhiều khả năng đó là trĩ.

Trĩ độ 2 thì đứng dậy búi trĩ tự thụt vào; độ 3 thì phải lấy tay đẩy búi trĩ vào và độ 4 thì không thể lấy tay đẩy búi trĩ vào.

Trong điều trị trĩ, thông thường, BS sẽ kê toa thuốc cho em uống trong một thời gian để giảm nhỏ kích thích búi trĩ và giảm chảy máu, nặng thì mới mổ, quan trọng là em cần thay đổi lối sống của mình, ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều gia vị, cay và chất kích thích như rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá, tăng cường vận động, tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh.

Nếu tình trạng táo bón tái đi tái lại dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống - sinh hoạt phù hợp, đặc biệt là tiền căn gia đình bị polyp hay ung thư đại tràng, hay bản thân xanh xao, đi cầu phân dẹt, sụt cân thì cần đến BV kiểm tra, nhằm loại trừ bệnh lý ác tính gây tắc lòng ruột già, em nhé.


- Hong Linh - dtddvutien…@gmail.com

Tôi có người nhà bị suy thận mãn giai đoạn cấp nên hay bị chóng mặt do thiếu máu, xin hỏi có biện pháp gì khắc phục tình trạng thiếu máu đó không? Có thể dùng thuốc bổ máu được không? Nếu được thì dùng loại thuốc nào phù hợp?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Chóng mặt ở người bị suy thận mãn giai đoạn cấp có thể do nhiều nguyên nhân, thiếu máu chỉ là 1 nguyên nhân trong số đó, ngoài ra còn có rối loạn điện giải, kiềm toan...

Bên cạnh đó, thiếu máu ở người bệnh suy thận mạn cũng không chỉ đơn thuần là do thiếu sắt mà uống thuốc bổ máu là xong, mà còn có thể do xuất huyết rỉ rả (ống tiêu hóa), thiếu hormon tạo máu... do đó, người bệnh cần phải được kiểm tra toàn diện và điều trị phù hợp bởi BS chuyên khoa thận, em nhé.


Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp.

- Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng:
› Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn
› Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh OnlineHỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn
› Hoặc facebook AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
› Trò chuyện trực tiếp với bác sĩ, từ 17g -19g; hotline: 08983 08983

 
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X