Hotline 24/7
08983-08983

Ngọt ngào mật quí

Từ xa xưa con người đã biết sử dụng mật ong để chữa trị một số bệnh và bồi bổ sức khỏe kéo dài tuổi thọ.

 
Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống đau, giải độc, chữa trị cảm sốt, có tính kháng khuẩn, chống viêm, nâng cao thể lực trong nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm phế quản mãn viêm thần kinh da, viêm gan, xơ gan, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Ngoài các công dụng trên, mật ong còn được sử dụng như một chất tá dược, chế biến phối hợp của nhiều loại thuốc khác nhau dùng cho người và động vật. 

Mật ong thường ở thể lỏng, dạng keo, tỷ trọng 1,401-1,443, hàm lượng nước dưới 20 %, có tính acid yếu. Mật ong từ các nguồn hoa khác nhau sẽ có màu sắc và hương thơm khác nhau. Thường màu nhạt sẽ có mùi thơm nhẹ, màu thẫm có mùi thơm nồng, màu thẫm có lượng muối khoáng cao hơn màu nhạt. 

Thành phần dưỡng chất của mật ong rất phong phú: Lượng nước trong mật ong từ 16-25%, loại tốt dưới 18%. Hàm lượng nước càng thấp chứng tỏ chất lượng càng tốt. Lượng đường 70-80%. Chủ yếu là đường đơn glucoza dễ hấp thu. Lượng đường kép như đường mía, mạch nha, không được vượt quá 5 %. Hai loại này thường được các nhà sản xuất cố tình hoà lẫn với mật ong nguyên chất. Do lượng đường cao, dễ hấp thu nên năng lượng của mật ong khá lớn, sử dụng tốt cho người kém ăn, đang ốm như người già, trẻ em. 

Tổng lượng khoáng (tro) khoảng 0,04-0,06%, gồm nhiều loại khác nhau như sắt, đồng, kali, natri, calci, kẽm, magie...rất cần thiết cho tái tạo máu, tổng hợp các men cần thiết cho chuyển hoá và các hoạt động sống của cơ thể. Có trên 16 loại vitamin có hàm lượng cao trong mật ong. Ví dụ: trong 100g mật có: Vitamin B1:2,1-9,1 mg; B2: 34-145 mg; B6: 210-480mg; C: 500-6500mg; E: 5000mg, PP: 110-940mg; K: 25mg; H:P 66mg. Các vitamin này rất cần cho quá trình tiêu hoá, phát triển, chống ôxy hoá và chống lão hoá cơ thể. 

Trong mật ong, hàm lượng prôtêin và acid amin chỉ chiếm dưới 1 % trọng lượng, tuy nhiên có đủ các acid amin cần thiết. Có nhiều loại men sinh học khác nhau, các men này tham gia vào quá trình chuyển hoá đường trong mật ong, một số acid gây vị chua như phosphoric, clohydric. Chất thơm, hương vị tự nhiên, chất keo dính của mật ong gây cảm giác thích thú, ngon miệng, hay được dùng trong công nghiệp Dược và Đông y để chế biến thuốc. 

Nên dùng trực tiếp mật ong tươi nguyên chất, hoặc hoà loãng trong nước ấm, nước nguội, sữa, nước hoa quả...không nên pha trong nước sôi hoặc đun kỹ trong nước sôi do nhiều chất dinh dưỡng vitamin, chất khoáng,hoặc men sẽ bị phân huỷ ở nhiệt độ cao. Không nên pha mật ong cùng rượu có độ cồn cao, làm lắng tủa và biến tính nhiều thành phần hữu cơ của mật ong.

Một số bài thuốc hay có mật ong 

- Chữa bỏng: lấy bông gạc vô trùng tẩm mật ong, bôi vào vết bỏng, chờ khô lại bôi tiếp, bôi khoảng 6-7 lần. 

- Chữa da khô nẻ: mật ong 80 mg, mỡ lợn 20 , chế hỗn hợp thành kem xoa vào vết nẻ 2-3 lần/ ngày. 

- Chữa viêm da, mẩn ngứa, nổi mề đay: mật ong 100ml, kẽm oxyte 10g, bột 20g, chế thành kem mềm bôi 1-2 lần/ ngày lên chỗ da bị viêm. 

- Chữa viêm loét dạ dày, tá tràng: mật ong 60g hâm nóng uống vào mỗi buổi sáng, 1 lần/ngày. Uống liên tục trong vòng 2-3 tuần, hoặc mật ong 60g, cam thảo tươi 10g, trần bì 6g. Nấu cam thảo, trần bì trước, sau đó bỏ vỏ, bỏ bã, hoà thêm mật ong. Ngày uống 1-3 lần. 

- Chữa chứng mất tiếng: sau khi ăn vài giờ, dùng nước ấm uống với một thìa mật ong, ngày 2-3 lần, uống vài ngày sẽ khỏi bệnh. 

- Chữa tưa lưỡi trẻ em: lá rau ngót 8g, giã nhỏ lấy nước cốt, hoà thêm mật ong. Dùng vải, gạc sạch tẩm nước này và sát nhẹ nhàng vài lần vào chỗ tưa. 

- Chữa thừa cân, béo phì: hoà mật ong vào trong cốc nước ấm, uống trước bữa ăn khoảng 5-10 phút sẽ giảm cảm giác ngon miệng và ăn ít đi vào bữa chính. 

- Làm giảm nếp nhăn da mặt: hàng ngày buổi tối trước khi đi ngủ, rửa mặt bằng nước ấm, xoa mật ong 1-2 lần lên mặt, để khoảng 10 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. 

Mật ong nên để nơi khô mát, nhiệt độ tốt nhất 5-100C trong chai lọ có nút kín để tránh hút hơi nước, làm giảm quá trình lên men, ôxy hoá, chuyển màu xẫm của mật.

Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X