Hotline 24/7
08983-08983

Ngộc độc chì: Cách nhận biết và điều trị

Nồng độ chì trong máu từ 40 đến dưới 69 mg/dl là nhiễm độc nhẹ, từ 70 đến 100 trung bình, trên 100 là nặng.

Ngộ độc chì có nhiều biểu hiện từ nhẹ đến nặng như buồn nôn, sốt, mê sản, đến viêm thần kinh thị giác, thiếu máu, giảm nhận thức và tê liệt dây thần kinh, thậm chí co giật tử vong.

Theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì trong nước dùng để sản xuất, chế biến nước giải khát không vượt quá 0,01 mg/L. Thế nhưng, khoảng 800.000 chai nước giải khát nhãn hiệu C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội (URC) đang trôi nổi rên thị trường lại có nồng độ chì 0,84mg/kg, vượt cao hơn rất nhiều so với mức cho phép. Điều này đang khiến người tiêu dùng và dư luận hết sức hoang mang.

Vậy làm sao để xác định ngộ độc chì và cách điều trị như thế nào?

Có thể… tử vong

Khuyến cáo của các chuyên gia về độc chất học trên Health Sina cho thấy, chì là kim loại nặng, độc tính mạnh, có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể, lâu dần sẽ gây bệnh. Nhiễm độc chì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi nhiễm độc chì, người lớn có thể được chữa khỏi hoàn toàn song trẻ em nhiễm lượng chì thấp cũng có thể để lại di chứng suốt phần đời còn lại. Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về chỉ số thông minh (IQ) thấp, hiếu động, ảnh hưởng hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học.

Ngộ độc chì có những tác động nguy hiểm như vậy, nhưng làm sao để xác định được cơ thể bạn nhiễm độc chì? Khi mà chì là kim loại không mùi, không vị nên bằng mắt thường không thể phát hiện sự tồn tại của nó trong thực phẩm, và những biểu hiện xấu đến cơ thể cũng mất khá nhiều thời gian để biểu hiện bên ngoài.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, ngộ độc chì vô cùng nguy hiểm, là một dạng ngộ độc báo động và cần được kiểm soát đặc biệt.

Nhưng dấu hiệu bị nhiễm độc chì rất kín đáo, bởi vậy nó chính là một điều đáng lo ngại vì chì ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển trí tuệ và thể chất con người.

Để chẩn đoán xác định ngộ độc chì, phải dựa trên xét nghiệm nồng độ chì trong máu và tiền sử tiếp xúc với các nguồn có chì hoặc có triệu chứng gợi ý… Một người được xác định là ngộ độc và phải điều trị khi lượng chì trong máu cao hơn 60 mg/dL. Hàm lượng chì trong máu trên 25 mg/dL sẽ gây đau đầu, khó chịu và các vấn đề thần kinh nghiêm trọng. Hàm lượng chì trong máu từ 50-70 mg/dL được tính là nhiễm độc vừa phải; trên 100mg/dL là nhiễm độc nặng có thể gây co giật, tử vong.

Ngộ độc chì chia làm 2 nhóm. Thứ nhất là cấp tính gây tăng áp lực nội sọ, tổn thương não cấp, nơron thần kinh, triệu chứng thường gặp là nôn, lơ mơ, sôt, hôn mê, co giật. Thứ hai là mạn tính, độc tố tích lũy dần dần trong cơ thể, gây rối loạn vận động khu trú, phù gai thị, viêm thần kinh thị giác, liệt ngoại biên, thiếu máu, có thể kết hợp thiếu sắt và gây bệnh lý thận.

Ở trẻ em, nhiễm độc chì được chia thành 3 mức độ: nặng, trung bình và nhẹ. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng và gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Ngộ độc chì gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thần kinh của trẻ, gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất.

Điều trị cách nào?

Khi bị ngộ độc chì, người bệnh cần được thăm khám và có phác đồ điều trị kịp thời. Theo các bác sĩ chuyên ngành, điều trị ngộ độc trì gồm 3 bước cơ bản: điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ; hạn chế hấp thu và đào thải độc chất; sử dụng thuốc giải độc (gắp chì).

Bước điều trị triệu chứng sẽ xử lý các cấp cứu suy hô hấp, co giật, hôn mê… theo phác đồ cấp cứu. Dùng thuốc chống co giật đường uống nếu có sóng động kinh trên điện não, truyền máu với trường hợp thiếu máu nặng và dùng thuốc chống co thắt nếu nhiễm độc gây đau bụng.

Tiếp theo, cần hạn chế hấp thu và đào thải chất độc, bệnh nhân sẽ được rửa dạ dày với trường hợp ngộ độc trong vòng 6 giờ, rửa toàn bộ ruột, nội soi lấy dị vật chứa chì (nếu có).

Cuối cùng, các bác sĩ chuyên ngành sẽ chỉ định thuốc gắp chì dựa trên nồng độ chì máu, tuổi đời, triệu chứng và mức độ ngộ độc của mỗi bệnh nhân.

Tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì do Bộ Y tế ban hành nêu rõ: Chì không có vai trò có lợi về sinh lý với cơ thể. Nồng độ chì máu toàn phần bình thường là dưới 10 mg /dl, nồng độ lý tưởng là 0. Con người có thể tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau như:

- Thực phẩm: Đồ hộp có chất hàn gắn hộp sử dụng chì, đồ nấu ăn bằng chì, các nguồn thực phẩm bị ô nhiễm từ môi trường do không được kiểm soát tốt.

- Các thuốc nam: dùng uống, bôi, được dân gian gọi là thuốc cam, thuốc tưa lưỡi…lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn).

- Sơn có chì: Các loại sơn cũ, đồ chơi dùng sơn chì.

- Môi trường sống: Bụi từ sơn chì cũ, đất bị nhiễm sơn chì, ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có chì, dùng xăng có chì, nước từ đất ô nhiễm, hệ thống ống dẫn nước bằng chì (loại ống cũ), không khí từ các hoạt động công nghiệp có chì, khói do xăng dầu có chì.

- Nghề nghiệp có nguy cơ cao phơi nhiễm chì như sửa chữa bộ tản nhiệt động cơ, sản xuất thuỷ tinh, hướng dẫn tập bắn, thu gom đạn, nung, nấu chì, tinh chế chì, đúc, cắt chì, sơn, công nhân xây dựng (làm việc với sơn chì), sản xuất nhựa polyvinyl chloride, phá, dỡ tàu, sản xuất, sửa chữa và tái sử dụng ắc quy.

- Các nguồn có chì khác: Đồ dùng bằng gốm sứ thủ công có chì, mảnh đạn chì trên cơ thể, pin có chì, lưới đánh cá buộc chì.

Theo Hà Hằng - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X