Hotline 24/7
08983-08983

Ngoài 40, tôi vẫn phấn khích mỗi khi Tết đến

Công việc bận rộn, chị Giang vẫn tự tay chuẩn bị Tết từ đầu tháng 12 âm lịch vì khiến chị như sống lại tuổi thơ của mình.

Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Hương Giang, 44 tuổi, sống tại Hà Nội:

Dù thích hay không, Tết vẫn cứ đến định kỳ một năm một lần. Người lớn lo toan cân đối tài chính, quà cáp, lịch trình, còn con trẻ mong từng ngày đến Tết để được vui chơi. Suy cho cùng "được" hay "phải" chơi Tết đều là do quan điểm và thái độ của từng người, cớ sao không chọn thích Tết?

Với tôi, Tết luôn làm tôi phấn khích, dù tôi đã ngoài 40. Gia đình tôi chơi Tết khá sớm, thường từ khoảng đầu tháng 12 âm lịch. Khi ngôi nhà được trang hoàng bằng những cành đào và vài loài hoa mà các thành viên trong gia đình thích, trên bàn ăn có món cá kho, hành muối, thịt đông, đó là lúc Tết đã đến. Tôi và con gái thu xếp dọn dẹp nhà cửa dần dần mỗi khi rảnh. Thỉnh thoảng, nửa đêm không ngủ được, tôi lọ mọ dậy làm việc nhà với tâm thế giải trí hoàn toàn.

Với chị Giang, Tết đến là lúc hoa hiện hữu khắp nơi trong nhà. Ảnh: Hương Giang

Tôi thích tự tay mình chuẩn bị những thứ dành cho Tết bởi nó làm tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Ngày đó, chị em tôi dọn dẹp nhà cửa, phụ ông nội lau dọn ban thờ, rửa lá dong rồi cùng ông bà gói, luộc và ngồi chờ bánh chưng chín. Thích nhất là khi được sở hữu chiếc bánh chưng nho nhỏ của riêng mình, được ăn những món chỉ dành cho ngày Tết: dưa hành, cá kho, thịt đông... được tiền mừng tuổi và không bị người lớn quở mắng gì.

Chuẩn bị Tết sớm, tôi muốn hai con và chồng tôi đón nhận Tết một cách vui vẻ và hào hứng, mong họ coi đó là một phần thưởng lớn dành bản thân và gia đình mỗi dịp đầu năm. Tôi thích nhìn hình ảnh chồng ngồi ở phòng khách ngắm nghía cành đào được trang trí bằng đủ các loại đèn, nghe hai con hỏi những câu hỏi rất "con nít": "Sao nhà mình Tết rồi mà con vẫn chưa được nghỉ học?". Tôi đã giải thích cho chúng rằng: mẹ muốn Tết đến nhà mình sớm, như vậy chúng ta được chơi Tết lâu hơn, chứ bây giờ chưa thực sự Tết. Tết sẽ bắt đầu khi các con được nghỉ học ở trường.

Tôi không quá cầu kỳ trong việc lễ nghĩa, quà cáp với các mối quan hệ công việc, trừ gia đình nội ngoại hai bên và những mối quan hệ thân thiết. Nhờ vậy, tôi cũng có nhiều hơn thời gian cho bản thân và gia đình.

Việc quan trọng nhất của Tết Nguyên đán của tôi chính là trang hoàng ban thờ gia tiên. Việc dọn dẹp, bày biện phòng thờ luôn có sự góp công của hai đứa trẻ. Được tín nhiệm giao việc, chúng làm việc trong sự hào hứng khiến tôi cũng cảm thấy vui vẻ hơn.

Cả nhà tôi cùng nhau lập kế hoạch chuẩn bị Tết và việc chuẩn bị sẽ kết thúc trước trưa 30. Ngày đó, tôi sẽ chuẩn bị hai mâm cơm cho cúng Tất niên và giao thừa. Chiều, cả nhà mặc đẹp đi ngắm phố phường và mua thêm hoa.

Tối 30 Tết, tôi đun nồi nước lá mùi già cho cả nhả tắm để bỏ lại tất cả những thứ không vui ở năm cũ và chuẩn bị đón một năm mới vui tươi, hạnh phúc. Sau đó, cả nhà cùng nhau gác chân lên bàn xem chương trình Táo quân.

Gia đình chị Giang - Ảnh: Hương Giang

Năm nào cũng thế, trước mười hai giờ đêm, cả nhà cùng nhau đi lễ chùa, chở nhau trên chiếc xe máy cũ - thứ tôi coi như một thành viên trong gia đình, đồng hành những lúc khó khăn cũng như khi hạnh phúc.

Hành trình kết thúc bằng việc hái một cành lộc nhỏ ven đường rồi cả nhà tôi trở về tổ ấm của mình. Không gian tĩnh mịch, mùi của mùa xuân phảng phất, hai đứa trẻ luôn muốn bố mẹ cho đi chơi tiếp.

Chồng tôi và cậu con trai luôn là người bước vào cổng trước, tôi và con gái vào sau, đó là lệ. Lệ này xem chừng có vẻ trọng nam khinh nữ, nhưng có sao đâu, khi mà tất cả các việc khác dành cho Tết tôi quyết hết rồi.

Trong khi chồng tôi thắp hương ở phòng thờ, ba mẹ con tôi ngồi ngay ngắn ở phòng khách chờ "lão gia" lì xì. Người nhận được nhiều nhất luôn là tôi: một bao lì xì giống hai đứa trẻ và phong bao khác dày hơn, to hơn, tôi gọi đó là món "đóng tiền ăn một năm của chồng" và tôi được toàn quyền sử dụng.

Bàn thờ gia tiên, nơi quan trọng nhất trong ngày Tết. Ảnh: Hương Giang.

Mùng Một, mùng Hai, mùng Ba Tết, vào mỗi sáng đầu ngày, tôi đều nấu một mâm cơm cúng gia tiên. Ngày mùng Bốn sẽ là lễ hóa vàng. Ngày lễ hóa vàng năm nào, nhà tôi cũng đông vui nhất vì tất cả con cháu họ hàng tập trung ăn uống tại đây. Chú họ tôi nâng li rượu vang rồi dõng dạc: "Thích nhất một dịp xuân về, tới nhà Chi - Giang là thấy sự vui vẻ, ấm áp và chân tình, không quan trọng là ăn món gì. Vì khi vui, chúng ta ăn món gì cũng rất ngon miệng".

Tết vui thế cơ mà, sao lại không yêu Tết!

Theo Nguyễn Hương Giang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X