Hotline 24/7
08983-08983

Ngộ độc phân bón cây trồng

Phân bón cây trồng thường được sử dụng rất rộng rãi trong ngành nông nghiệp, và thậm chí là cả những người có một mảnh vườn nhỏ để trồng rau sau nhà.

Phân bón cây trồng có thể có rất nhiều nguy hại cho vật nuôi và con người khi tiếp xúc như đụng, chạm vào, qua hít thở hoặc vô tình nuốt phải.

Mặc dù nhiều loại phân bón được cho là an toàn khi sử dụng đúng cách trên các loại cây trồng không ăn được, nhưng bạn vẫn nên thận trọng trong việc xử lý và lưu trữ phân bón. Còn nếu bạn muốn bón phân cho những loại cây ăn được (như các loại rau, củ quả), tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến các chuyên gia xem nên sử dụng loại sản phẩm phân bón nào.


Theo Hiệp hội các Trung tâm chống độc của Mỹ, vào năm 2014 có khoảng 1.500 ca bị ngộ độc từ các sản phẩm phân bón cây trồng dùng trong nhà. Nếu tính cả những ca ngộ động do phân bón dùng trong sản xuất nông nghiệp (dùng trên một diện tích lớn cây trồng), thì số ca ngộ độc phân bón lên tới gần 5.000 ca trong năm 2014. Đa số các ca ngộ độc đều xảy ra như một tai nạn, và thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi.

Triệu chứng ngộ độc phân bón cây trồng

Nếu tiếp xúc trực tiếp như đụng, chạm, cầm nắm không có găng tay hoặc hít phải phân bón cây trồng, các triệu chứng ngộ độc sau có thể xuất hiện:

  • Đỏ da hoặc nổi ban đỏ tại vùng tiếp xúc
  • Có cảm giác nóng rát ở da
  • Ngứa ngáy
  • Nóng rát ở mũi, mắt hoặc họng

Nếu bạn không may nuốt, ăn phải phân bón cây trồng, các biểu hiện sau có thể xuất hiện:

  • Một số bộ phận của cơ thể sẽ chuyển sang màu xanh tím do thiếu oxy (ví dụ như móng tay, môi hoặc bàn tay)
  • Chóng mặt
  • Choáng ngất
  • Tụt huyết áp
  • Co giật
  • Khó thở
  • Đau bụng hoặc khó chịu ở bụng
Nguyên nhân ngộ độc phân bón cây trồng

Phân bón cây trồng có thể sẽ gây ngộ độc với con người và vật nuôi nếu hít phải hoặc chẳng may nuốt phải. Chạm vào phân bón có thể gây kích ứng da, nuốt phải phân bón có thể sẽ dẫn đến ngộ độc.

Thành phần gây ngộ độc có trong phân bón chính là nitrat. Nitrat là một dạng khí nitro mà cây trồng có thể dễ dàng hấp thụ được. Khí nitro rất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng, nhưng với nồng độ cao, thì rất nguy hiểm cho con người. Trong cơ thể, nitrat làm giảm khả năng vận chuyển oxy của các tế bào hồng cầu.

Nên làm gì nếu bị ngộ độc phân bón cây trồng?

Đến bệnh viện càng sớm càng tốt

Nếu nghi ngờ mình bị ngộ độc phân bón cây trồng, bạn nên gọi xe cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời. Hãy cung cấp đầy đủ những thông tin sau đây để nhân viên y tế chẩn đoán chính xác nhất cho bạn:

  • Bạn đã tiếp xúc với loại phân bón nào? Tốt nhất nên mang theo vỏ bao của loại phân bón mà bạn đã tiếp xúc
  • Bạn hít phải, nuốt phải hay chạm vào phân bón
  • Bạn tiếp xúc với lượng phân bón là bao nhiêu
  • Bạn tiếp xúc với phân bón khi nào, kéo dài trong bao lâu

Nên làm ngay khi phát hiện bị ngộ độc phân bón cây trồng:
  • Nếu hít phải phân bón, nên tìm mọi cách để nạn nhân được hít thở không khí trong lành ngay lập tức, như: đưa nạn nhân ra chỗ thoáng mát, mở cửa sổ...
  • Nếu phân bón dính vào mắt hoặc da, hãy rửa sạch với nước sạch trong vòng ít nhất 15 phút.
  • Nếu nạn nhân lỡ nuốt phải phân bón, đừng cố móc họng để nôn ra, trừ khi đó là những gì nhân viên y tế yêu cầu hoặc làm với bạn.
  • Nên uống nước hoặc sữa tươi, trừ khi nhân viên y tế không cho phép bạn làm thế.
  • Nếu bị nôn mửa, bạn không nên uống bất cứ thứ gì vì hành động uống trong lúc nôn mửa có thể sẽ dẫn đến hóc nghẹn hoặc ngạt. Điều tương tự cũng được khuyến cáo nếu bạn đang cấp cứu cho một nạn nhân bị nôn mửa hoặc không tỉnh táo.

Tại bệnh viện hoặc trung tâm chống độc, nạn nhân sẽ được:

Bác sỹ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngộ độc. Bác sỹ sẽ tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ các chất gây nên methemoglobin máu. Khi ngộ độc phân bón cây trồng, nitrat trong phân bónsẽ gắn với hemoglobin trong máu.

Thông thường, hemoglobin là chất cho phép các tế bào máu mang oxy đi khắp cơ thể. Khi bạn bị methemoglobin máu, dòng máu tuần hoàn của bạn không thể mang đủ lượng oxy cần thiết, gây ra các vùng có màu xanh, do bị thiếu oxy. Tình trạng methemoglobin máu thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, và đôi khi được gọi là hội chứng xanh xao ở trẻ nhỏ (blue baby syndrome).

Nếu cần thiết, bác sỹ có thể sẽ kê thuốc, dùng máy hỗ trợ thở hoặc truyền dịch cho bạn.

Ngộ độc phân bón cây trồng hồi phục ra sao?

Khả năng hồi phục sau khi ngộ độc phân bón cây trồng phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Loại phân bón mà bạn đã tiếp xúc
  • Lượng phân bón mà bạn đã hít/nuốt hoặc chạm vào
  • Thời gian từ khi bạn tiếp xúc (ngộ độc) phân bón đến khi bạn được chăm sóc y tế là bao lâu

Bạn càng được chăm sóc y tế sớm, khả năng hồi phục của bạn càng cao. Bạn cũng nên gọi ngay cho các bác sỹ tại trung tâm chống độc nếu nghi ngờ rằng người thân của mình bị ngộ độc phân bón cây trồng. Tình trạng ngộ độc phân bón cây trồng có thể sẽ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo Viện y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X