Hotline 24/7
08983-08983

Nghiện game có thể gây bệnh tâm thần cho người chơi

Trước thực trạng 2 ‰ đến 20% người chơi game có vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn chơi game/gaming disorder sẽ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê vào trình trạng sức khỏe tâm thần.

Động thái này nhằm nâng cao ý thức cho toàn xã hội về những tác hại mà chơi game có thể gây ra với con người.

Sau 10 năm giám sát hoạt động chơi game trên máy vi tính, WHO đã quyết định phân loại một số người chơi game quá mức (nghiện game) là đối tượng có vấn đề tâm thần. Theo WHO, rối loạn tâm thần do nghiện game (online hoặc offline) là dạng hành vi chơi game liên tục hoặc lặp đi lặp lại với các biểu hiện cụ thể sau:

1) Giảm khả năng kiểm soát hành vi do chơi game. Đánh giá dựa trên tần suất, cường độ, thời lượng, bắt đầu và kết thúc, hoàn cảnh khi chơi game;

2) Tăng mức độ ưu tiên cho hoạt động chơi game. Theo đó, chơi game ngày càng lấn át các hoạt động thường nhật cũng như các mối quan tâm khác trong cuộc sống;

3) Tiếp tục chơi game và ngày càng chơi nhiều hơn, bất chấp hậu quả tiêu cực đã được cảnh báo.

Để xác định rối loạn tâm thần do nghiện game cũng như các hành vi liên quan, cần theo dõi trong khoảng thời gian ít nhất là 12 tháng. Dù vậy, có thể rút ngắn thời gian này khi nhận thấy tất cả yêu cầu chẩn đoán đều được đáp ứng hoặc bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo ước tính của WHO, tỷ lệ người chơi game có vấn đề sức khỏe tâm thần dao động trong khoảng 2 ‰ đến 20%. Hiện tại, WHO đã đưa “rối loạn chơi game” vào ấn bản thứ 11 của ICD với khẳng định: Chơi game có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nên cần được giám sát chặt chẽ.

Vladimir Poznyak từ Ban Y tế tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện của WHO cho rằng: Rối loạn tâm thần do chơi game có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ. Dù không phải ai chơi game cũng có biểu hiện rối loạn này, song khi lạm dụng quá mức có thể dẫn đến các hiệu ứng tiêu cực.

Wu Xiaojing - cô gái trẻ, 21 tuổi đến từ Trung Quốc - bị mù một bên mắt do chơi game liên tục

Trước WHO, Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) cũng từng đưa ra danh sách các triệu chứng của tình trạng mà họ gọi là “rối loạn chơi game trên internet”, bao gồm: lo lắng, bồn chồn, bứt rứt khi không được chơi game; mất hứng thú với các hoạt động khác kể cả sở thích trước đây; tiếp tục chơi game cả khi biết nó ảnh hưởng đến sức khỏe; cố gắng “cai game” nhưng thất bại; nói dối để được chơi game; mất dần mối quan hệ ngoài đời thực và chơi game như cách để “chạy trốn khỏi thực tại”.

Kết quả nghiên cứu được Đại học Oxford (Anh) tiến hành với 19 nghìn game thủ tại Anh, Mỹ, Canada và Đức trong năm 2016 đã chỉ ra rằng: Khoảng 2-3% người chơi game thỏa mãn 5/9 triệu chứng mà APA đưa ra. Dù vậy, các nhà nghiên cứu chưa đưa ra kết luận chơi game có ảnh hưởng đến sức khỏe. TS Andrew Przybylski - đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho rằng: Đây là những phát hiện đầu tiên từ dự án quy mô lớn, đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ về vấn đề tiềm ẩn mới của rối loạn chơi game trên internet. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa tình trạng nghiện game tiềm năng với những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ.

Dù cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi kết luận trò chơi điện tử có thực sự nguy hiểm như các cảnh báo đưa ra hay không, song việc WHO chính thức công nhận “rối loạn chơi game” là tình trạng sức khỏe tâm thần rõ ràng là hồi chuông cảnh báo cho những người chơi game quá đà. Trước đó, thế giới từng ghi nhận không ít trường hợp đột tử ở Trung Quốc hay nguy cơ “chết não”, “bất lực” vì chơi game quá đà.

Theo Quang Huy - Sống mới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X