Hotline 24/7
08983-08983

Nghẹt mũi mạn tính không do dị ứng

Bạn thường nghẹt mũi, mệt mỏi và đau xoang. Theo thời gian, bệnh có thể trầm trọng hơn và bạn nghĩ do mũi dị ứng với bụi hay phấn hoa. Thế nhưng không phải vậy.

Một khảo sát mới đây từ Tổ chức về Hen suyễn và Dị ứng của Hoa Kỳ cho thấy, nhiều người nhầm lẫn khi tự chẩn đoán dị ứng mũi lúc đang bị viêm xoang.

Khảo sát trực tuyến hơn 600 bệnh nhân dị ứng và hen suyễn cho thấy, khoảng phân nửa trong số họ có các triệu chứng bệnh bị chẩn đoán sai khi không đến gặp bác sĩ. Nếu nghẹt mũi mà không biết chắc nguyên nhân, bạn đừng vội lo lắng.

Dị ứng mũi khác hẳn viêm xoang

Mặc dù các triệu chứng của bệnh đều giống nhau, nhưng dị ứng mũi khác hẳn viêm xoang. Viêm xoang có thể do nhiễm trùng, lệch vách ngăn mũi hay polyp trong các xoang; còn dị ứng mũi là một rối loạn hệ miễn dịch. Có nhiều cách để phân biệt sự khác nhau giữa viêm xoang và dị ứng mũi:

* Triệu chứng bệnh bao gồm ngứa và chảy nước mắt, kéo dài nhiều tháng, có thể là dị ứng. Trong khi các loại thuốc có tác dụng thông mũi có thể cần thiết vào lúc này, thì thuốc kháng histamin vẫn là lựa chọn tốt hơn. Nó giúp kiểm tra các chất gây dị ứng, như lông gối nằm hay chất làm mát trong nhà và nếu loại bỏ chúng, triệu chứng bệnh cũng sẽ biến mất.

* Đau vùng mặt: viêm xoang làm viêm các đường thông mũi, dịch nhầy lấp đầy các xoang gây đau đầu, đau ở thái dương, trán và xung quanh mắt.

Nếu có bất kỳ trong số các triệu chứng này kéo dài hơn một tuần lễ, chưa hẳn bạn mắc bệnh cảm hay cúm. Nếu triệu chứng xảy ra thường xuyên, có thể bạn bị viêm xoang mạn tính và cần đến gặp bác sĩ hay chuyên khoa tai-mũi-họng. Nếu thường đau ở mặt nhưng không nghẹt mũi, vẫn nên đến bác sĩ, vì đôi khi dịch nhầy bị ứ đọng có thể tiếp chảy ngược vào trong xoang.

Cách làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi

* Chườm ấm để làm ráo dịch nhầy và giảm đau vùng mặt.

* Vệ sinh bên trong mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý để mũi không nghẹt và loại bỏ dịch nhầy.

* Dùng thuốc thông mũi để giảm bớt dịch nhầy trong các xoang.

Nếu những triệu chứng bệnh vẫn không hết, nên đến bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê toa sử dụng thuốc kháng sinh nếu viêm xoang do nhiễm khuẩn, có thể cần uống kháng sinh trong hai tuần. Một số nghiên cứu cho biết vi khuẩn hiếm khi gây bệnh viêm xoang, vì thế cần thận trọng khi dùng kháng sinh.

Nếu bị dị ứng mũi, có thể dùng thuốc kháng histamin và các thuốc dị ứng khác. Điều quan trọng là cần chắc chắn bệnh do dị ứng gây ra trước khi bắt đầu tự chữa với thuốc kháng histamin. Nên nhờ bác sĩ kiểm tra xem có phải dị ứng nếu bạn không chắc chắn về bệnh.

Thay đổi chế độ ăn uống

Liên tục hắt hơi và cần xì mũi có thể gây mất nước, dẫn đến đau đầu và làm các triệu chứng bệnh thêm trầm trọng. Do đó, cần uống nhiều nước để chống lại các triệu chứng liên quan đến dị ứng và viêm xoang.

Thêm gia vị cho món ăn

* Thêm gừng vào các món ăn là cách an toàn nhất, vì gừng có đặc tính kháng viêm. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí International Immunopharmacology cho biết, gừng có thể hiệu chỉnh phản ứng miễn dịch đối với tình trạng viêm liên quan đến hen suyễn, dị ứng. Tuy nhiên, cần lưu ý khi sử dụng gừng vì có thể gây tác dụng phụ, nhất là tương tác với các loại thuốc khác, trong đó có thuốc làm loãng máu như aspirin và coumadin.

* Củ hành tươi có tác dụng làm thông các xoang. Trong hành có chứa quercetin - một hợp chất có đặc tính kháng histamin, hỗ trợ kháng viêm và làm giảm nghẹt mũi.

* Các hợp chất hóa học tự nhiên như allicin, s-ally cysteine và ajoene có trong củ tỏi giúp cải thiện dòng chảy của dịch nhầy và giảm nghẹt mũi nhờ có đặc tính làm loãng dịch nhầy và kháng viêm.

* Ớt Cayenne có chứa hợp chất capsaicin, có thể làm loãng dịch nhầy và giúp không khí trong các xoang lưu thông dễ dàng, đồng thời làm giảm nghẹt mũi.

Tăng cường tiêu thụ

* Axít béo omega-3: là các axít thiết yếu có đặc tính kháng viêm, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch và giảm các triệu chứng liên quan đến dị ứng. Thực phẩm chứa loại axít này gồm có cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá bơn), các loại hạt (hạt lanh, quả óc chó, hạnh nhân, bí đỏ), các loại đậu, quả bơ.

* Vitamin C: tăng cường tiêu thụ vitamin C giúp giảm các triệu chứng của bệnh, vì chất kháng oxy hóa này làm mất tác dụng của histamin - chất góp phần gây viêm, sổ mũi, hắt hơi và các triệu chứng liên quan khác. Vitamin C có trong trái cây họ cam, quýt (cam, bưởi, dâu), rau củ màu đỏ và xanh (cà chua, ớt chuông xanh và đỏ, cải xoăn, rau bina, cải brussel và bông cải xanh).

* Hợp chất polyphenol. Theo nghiên cứu đăng trên American Journal of Rhinology & Allergy, chế độ dinh dưỡng với polyphenol giúp ức chế tiết dịch nhầy của các tế bào biểu mô đường hô hấp và duy trì chuyển động bình thường của lông mũi. Nguồn polyphenol có trong gingreol là thành phần chính của gừng; quercein tìm thấy trong trà, củ hành, rượu vang đỏ, các loại rau xanh và nhiều rau củ, trái cây khác; EGCG trong chiết xuất trà xanh; curcumin là chiết xuất từ nghệ...

Quản lý stress

Những hoạt động như gặp gỡ bạn bè, nghe nhạc hay dành thời gian tĩnh lặng cho bản thân có thể giúp giảm stress và hỗ trợ kiểm soát tốt viêm xoang và dị ứng.

TS Malcolm Taw (Mỹ) cho biết: "Stress làm hại hệ miễn dịch và khả năng ứng phó của cơ thể trước các bệnh lý như viêm xoang và dị ứng. Khi stress gia tăng sẽ làm suy giảm chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ, dẫn đến nhiều bất thường khác, từ đó làm tăng các triệu chứng của bệnh".

Bấm huyệt/tự mát xa

Theo nhận định của Trường Đại học California, bấm huyệt là cách hiệu quả để kích thích sự thư giãn các cơ bắp. Nếu thực hiện thường xuyên, phương pháp tự mát xa này có thể cải thiện, giảm thiểu các triệu chứng tái phát của viêm xoang và dị ứng.


Theo Như Ý - Doanh nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X