Hotline 24/7
08983-08983

Nghệ đen: Điều hòa kinh nguyệt, chữa đau dạ dày cần liều lượng ra sao?

Các vị thuốc trong dân gian luôn mang đến những điều kỳ diệu mà y học hiện đại đang từng bước khám phá. Trong đó, nghệ đen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp chữa đau dạ dày, đại tràng, điều hòa kinh nguyệt, đến làm đẹp da.

Hình dáng nghệ đen như thế nào?


Hoa của cây nghệ đen. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Củ nghệ đen tên khoa học là Curcuma zedoaria. Tiền thân của loài cây này bắt nguồn ở phương Tây (Châu Âu), xuất hiện vào thế kỷ 16, nằm trong nhóm họ Gừng.

Khi xuất hiện ở Việt Nam, nghệ đen được dân gian ta đặt nhiều “biệt danh” khác nhau. Tùy theo từng vùng miền mà nó sẽ có tên gọi là nghệ tím, ngải tím, bồng nga truật, tam nại, ngải xanh, nghệ đăm.

Nghệ đen là loại cây thảo cao từ 1 - 1,5m, thân rễ hình nón với nhiều nhánh phụ thon như hình quả trứng tỏa xung quanh như hình chân vịt. Lá có bẹ to ôm vào chân cây ở phía dưới, có đốm tía đỏ ở gần giữa mặt trên, lá dài 30 - 60cm, rộng 7 - 8cm. Cuống lá ngắn hoặc không có. Hoa màu vàng, đài có thùy hình mác tù, dài 15mm, thùy giữa nhọn.

Cụm hoa tập trung thành bông hình trụ, mọc lên từ thân rễ. Lá bắc phía dưới hình quả trứng hay hình mác tù, màu xanh lục nhạt, đầu lá màu đỏ, không mang hoa. Quả hình trứng, ba cạnh, nhẵn hạt thuôn, áo hạt trắng. Về hình dáng, nghệ đen rất giống nghệ vàng nhưng có màu tím đậm.

Nghệ đen được thu hoạch dưới dạng củ. Tên thì nghe thấy đen nhưng nó không tồn tại với màu đen thuần túy mà thay vào đó là màu tím đan xen nhau khi gọt bỏ vỏ của củ nghệ.

Nghệ đen có vị cay và khá hăng. Nếu ít tiếp xúc với những loại cây dược liệu, bạn sẽ có cảm giác muốn buồn nôn và rất khó chịu khi ngửi phải củ nghệ.

Vị thuốc này chủ yếu được trồng nhiều ở Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở vùng rừng núi, ven suối, nơi đất xốp ẩm và được trồng ở nhiều nơi. Dù không phổ biến như nghệ vàng, nhưng chúng lại chủ yếu được sử dụng cho mục đích y học.

Công dụng của nghệ đen với sức khỏe

Nghệ đen có màu tím đan xen nhau khi gọt bỏ vỏ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Khác với nghệ vàng, loại nghệ có màu tím này ít được dùng làm gia vị trong nấu ăn bởi chúng có vị đắng, cay mạnh.

Củ nghệ đen có rất nhiều tác dụng, hoạt chất curcumin có trong cả 3 loại nghệ (trắng, vàng và đen) đều có hiệu quả về mặt y học. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, hoạt chất curcumin có trong nghệ đen có thể giúp ngăn ngừa, tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp hóa trị thông thường kết hợp với sử dụng curcumin trong nghệ có thể là sự kết hợp tuyệt vời trong việc ngăn chặn các tế bào ung thư cũng như làm giảm tác dụng phụ của hóa trị.

Củ nghệ đen cũng có thể được sử dụng để cải thiện các triệu chứng bệnh phổi như hen, viêm phế quản, viêm khổi, liều thuốc kháng viêm hiệu quả. Curcumin có thể ngăn chặn các phân tử kích hoạt gen viêm. Ngoài ra, nghệ đen là liều thuốc giảm đau rất tốt, từ các triệu chứng phát ban, đau răng, viêm xương khớp đến các vấn đề dạ dày.

Theo y học cổ truyền, nghệ đen có tên thuốc là nga truật, là thân rễ phơi khô của cây nghệ đen, có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng hành khí, phá huyết, thông kinh, tiêu tích, hóa thực… Thường dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, đầy hơi, bế kinh…

Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, bạn phải sử dụng vị thuốc này điều độ với liều lượng thích hợp, tùy thuộc vào căn bệnh mà bạn đang mắc phải.

Cách sử dụng nghệ đen


Chữa chứng huyết ứ, kinh nguyệt không thông, bế kinh, máu ra kéo dài, đen, đông thành khối nhỏ, kèm theo đau bụng trước khi thấy kinh: Nghệ đen và ích mẫu mỗi vị 15g đem sắc uống ngày 1 thang, uống 5-7 ngày trước kỳ kinh.

Ăn không tiêu, bụng đầy trướng: 1 quả tim lợn làm sạch, thái miếng rồi nấu chín với 25g nghệ đen đã thái lát. Ăn liên tục 5-7 ngày.

Chữa đau bụng kinh, sắc kinh xấu: 20g nghệ đen, ích mấu 16g, ngải cứu 8g đem sắc với 500ml nước đến khi còn 200ml thì chia làm 2 lần uống trước bữa ăn. Uống 5-7 ngày trước kỳ kinh.

Bổ khí, dưỡng huyết thích hợp dùng cho các trường hợp suy nhược, tiêu hóa hấp thu kém, thể trạng xanh xao, thiếu máu: Nghệ đen, bạch chỉ, hồi hương, cam thảo, đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung mỗi vị 40g, tất cả tán bột, vo thành viên. Ngày uống 8-12g.

Chữa cam tích, trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, đại tiện phân thối khẳn: Nghệ đen 6g, hạt muồng trâu 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Trị đầy bụng: Nghệ đen và tam lăng mỗi vị 6g, lúa mạch 9g, vỏ quýt 15g, sắc uống chung.

Viêm gan vàng da: Nghệ đen, nghệ vàng, cỏ cú, quả tắc non, tất cả đồng lượng, phơi khô tán bột, trộn với mật ong làm viên uống ngày 1-2g.

Nghệ đen chữa đau dạ dày: Nghệ đen kết hợp với mật ong là vị thuốc rất tốt cho dạ dày. Để sử dụng nghệ đen và mật ong điều trị đau dạ dày, đại tràng, bạn nên pha 2 thìa bột nghệ đen cùng với 1 thìa mật ong nguyên chất. Sau đó, hòa tan với 200ml nước ấm để uống ngay sau khi ngủ dậy.

Uống nghệ đen và mật ong hàng ngày chữa đau dạ dày cần tuân theo liều lượng được khuyên dùng mỗi ngày không quá 500mg nghệ đen. Tương đương với lượng nghệ đen sử dụng, bạn chỉ nên dùng mật ong với liều lượng không quá ½ lượng nghệ đen dùng để uống trong 1 ngày.

Trị mụn: Đắp mặt nạ nghệ đen và mật ong cũng rất tốt cho da mụn. Công thức rất đơn giản, bạn chỉ cần trộn 1 thìa bột nghệ đen với ½ thìa mật ong nguyên chất rồi thoa lên da trong khoảng 10 phút, sau đó rửa mặt thật sạch với nước ấm. Bạn cũng có thể dùng hỗn hợp mặt nạ này đến chấm lên nốt mụn qua đêm, giúp nhân mụn nhanh trồi lên. Sau khi chữa sạch mụn, đắp mặt nạ nghệ đen và mật ong mỗi ngày giúp trị sẹo và làm mờ thâm hiệu quả, dưỡng da trắng mịn và ngừa mụn mọc trở lại.

Nghệ đen kết hợp mật ong là vị thuốc tuyệt vời chữa nhiều bệnh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Cách trồng nghệ đen tại nhà


Không cần phải tìm kiếm đâu xa, vị thuốc này bạn có thể trồng ngay tại nhà, vừa dễ chăm sóc lại không sợ mua phải hàng kém chất lượng.

Nghệ đen có 2 loại thịt vàng ruột đen và loại có thịt hơi xám, ruột đen đậm. Trong đó, loại thịt vàng ruột đen có giá trị cao nên thường được ưa dùng. Loại thịt hơi xám, ruột đen đậm cũng có các công dụng như trên nhưng chủ yếu người dân trồng cây nghệ đen này đa phần là để vệ sinh cho các bà mẹ sau sinh.

Tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi người mà lựa chọn giống khác nhau nhưng tựu chung lại thì nên chọn củ nghệ không bệnh, không có mùi thối, nếu có nhiều nhánh thì tách nhánh ra.

Sau khi có giống, bạn tiếp tục bước thứ 2 là chọn đất. Loại đất thích hợp để trồng nghệ đen là độ ẩm tốt, cày xới cho đất tươi xốp, lên luống khoảng 20-25cm, rộng 1-1,2m. Nếu cảm thấy đất không đủ chất dinh dưỡng cho cây thì có thể bón lót 1kg phân hữu cơ trộn với đạm ure theo tỷ lệ 10% phân đạm hoá học. Đất xẻ thành từng rãnh, lấp một lớp đất dày 2-5 cm, đặt củ nghệ đen lên, khoảng cách tốt nhất cho mỗi củ 20-25 cm, mỗi hàng cách nhau 30-35 cm.

Tưới tiêu, vun xới điều độ giúp giữ độ ẩm tốt cho cây. Sau 20-25 ngày, lúc ấy cây nghệ đen được 5-6 lá, thì bạn sẽ bón thúc bằng phân kali đồng thời vun gốc để nghệ đen phát triển tốt nhất. Cần tỉa bớt lá tránh cho mọc nhiều, để cây có thể cung cấp đủ chất nuôi dưỡng cho củ nghệ.

Khi lá nghệ đã già, hoặc không còn mọc lá non nữa thì có thể đào lên kiểm tra 1 vài củ nghệ đen, nếu thấy vỏ củ có màu vàng sẫm, da bóng thì bạn đã có thể thu hoạch.

Ai cần kiêng kỵ nghệ đen?


Tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hệ tiêu hóa nhưng nghệ đen lại chống chỉ định với người bị viêm loét dạ dày. Vì sao?

Câu trả lời là nghệ đen có tính chất phá huyết, hoàn toàn không có tác dụng làm lành vết thương mà ngược lại, chúng còn làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn, vết thương lâu lành hơn.

Tính phá huyết của nghệ đen rất mạnh nên ngoài bệnh nhân viêm loét dạ dày, phụ nữ đang mang thai và người đang bị rong kinh cũng không nên dùng.

Nghệ đen không thể dùng để thay cho nghệ vàng. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ dùng chúng để điều trị riêng hoặc dùng chúng với nghệ vàng để tăng cường tính năng cho nhau.

Tác dụng phụ khi sử dụng quá nhiều nghệ đen


Không nên xem nghệ là thần dược vì nó chỉ có tác dụng khi sử dụng vừa phải. Chất curcumin mặc đù được biết đến với khả năng giảm viêm, chống oxy hóa nhưng nếu sử dụng quá nhiều cùng có thể gây ra tác dụng phụ là buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn chuyển hóa sắt, chặn protein hepcidin, gây ra thiếu sắt ở bệnh nhân mẫn cảm.

Tiêu thụ curcumin liều cao còn kích thích tuyến thượng thận bài tiết cortisone - một chất có tính kháng viêm cao. Vì vậy, nếu tiêu thụ nhiều nghệ, khả năng kháng viêm của cơ thể sẽ giảm đi.

Lưu ý


Một trong những hoạt chất quý trong nghệ thường được nhắc đến là curcumin, tuy nhiên chất này kém tan trong nước, tan tốt hơn trong chất béo. Do đó nếu dùng nghệ trong bữa ăn hàng ngày thì nên phối hợp với các món, bữa ăn có nhiều mỡ, béo hơn bình thường để tăng hiệu quả hấp thu cho curcumin.

Hơn nữa, hoạt chất curcumin có trong nghệ còn đang được tiếp tục nghiên cứu trong điều trị ung thư. Do đó, không nên nghe theo lời truyền miệng chỉ uống nghệ đen mà bỏ qua các quá trình điều trị ung thư, như vậy sẽ bỏ qua “giai đoạn vàng”, thời gian sống sẽ bị rút ngắn. Mặt khác, hoạt chất curcumin có trong nghệ không phải đáp ứng với tất cả các loại ung thư. Nếu bạn muốn sử dụng nghệ đen, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ.

Một số hình ảnh cây nghệ đen:






Phương Nguyên (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X