Hotline 24/7
08983-08983

Nghệ An: Phát hiện 3 trường hợp mắc chứng bệnh Whitmore

Trong khoảng từ tháng 7/2019 - 9/2019 Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phát hiện và điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore.

Một cháu bé 14 tuổi (Đức Thọ - Hà Tĩnh) điều trị 50 ngày, nay đã xuất viện và hai cháu lần lượt là 10 tuổi (Thanh Chương, Nghệ An) và 11 tuổi (Yên Thành, Nghệ An) hiện đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện.

Ba trường hợp ghi nhận khi đến viện đều trong tình trạng bệnh cảnh áp xe viêm tuyến nước bọt màng tai nặng vì cứ điều trị tại nhà giống quai bị. Khi được các bác sĩ cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện dương tính với whitmore.

Theo BS Nguyễn Thị Huyền Ngân - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Melioidosis (hay bệnh Whitmore) là bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây nhiễm trùng máu. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng, có thể lên đến 50% - 60%. Hiện tại đang mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để vi khuẩn Whitmore phát triển.

Vi khuẩn Whitmore thường sống trong bùn đất và nước.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán khó nên dễ bị nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Ngay cả khi được khẳng định mắc bệnh Whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và bệnh nhân có thể tử vong.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do Whitmore cao.

3 trường hợp mắc chứng bệnh Melioidosis (hay còn gọi là Whitmore) được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Bệnh Melioidosis thường gặp ở đâu?

- Melioidosis gặp thường xuyên nhất ở Đông Nam Á và Bắc Úc. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông. Ở Việt Nam, hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

- Các loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong đất, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực.

- Người nhiễm bệnh thường do tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da, có thể gặp do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn. Nhiễm trùng thường xảy ra trong mùa mưa.

Triệu chứng của bệnh Melioidosis

- Triệu chứng phổ biến nhất của Melioidosis xuất phát từ nhiễm trùng ở phổi, nơi có thể hình thành một khoang chứa mủ (abscess phổi).

- Tình trạng bệnh có thể diễn tiến từ nhẹ đến viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng. Bệnh nhân sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực, và đau nhức các cơ bắp.
- Bệnh còn có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) kèm với sốt và đau cơ.

- Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, gây abscess ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân.

- Bệnh có thể lan toả từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, hoặc diễn tiến thành một hình thái melioidosis mạn gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.

Chẩn đoán Melioidosis bằng cách nào?

Việc chẩn đoán Melioidosis được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương.

- Xét nghiệm máu rất hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của Melioidosis, nhưng khi kết quả âm tính thì vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ.

- Các xét nghiệm thường dùng là: xét nghiệm kết dính hồng cầu gián tiếp (indirect hemagglutination=IHA), xét nghiệm cố định bổ thể (complement fixation=CF) và xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (Polymerase chain reaction=PCR)

Điều trị bệnh Melioidosis như thế nào?

Hiện nay, bệnh Whitmore không có vaccine và không có phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, trong khi bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua da trầy xước, đường hô hấp, ăn uống.

- Việc điều trị bao gồm dùng kháng sinh, phẫu thuật tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh.
- Đối với những bệnh nhân nặng hơn, cần điều trị kết hợp hai trong số các loại kháng sinh trong thời gian kéo dài đến 12 tháng.

- Nếu có biểu hiện của Melioidosis phổi, và nếu cấy vi khuẩn vẫn còn dương tính sau 6 tháng, cần xem xét đến việc phẫu thuật cắt bỏ thuỳ phổi để loại bỏ các áp-xe phổi.

Phòng ngừa bệnh melioidosis?

BS Huyền Ngân cho biết: số ca bệnh Whitmore thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7-11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... nên cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán sớm.

Ở những vùng có bệnh Melioidosis lưu hành, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị ...) nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X