Hotline 24/7
08983-08983

Ngày càng có nhiều người Nhật chết vì làm việc quá sức

Nhật Bản đang chứng kiến ​​một con số kỷ lục yêu cầu bồi thường liên quan đến tử vong do làm việc quá sức hay còn gọi là hội chứng "karoshi".

Trang Japantoday đưa tin, số liệu của Bộ Lao động Nhật Bản tính đến cuối tháng 3/2015 cho thấy, tổng cộng đã có 1.456 trường hợp yêu cầu bồi thường liên quan tới karoshi. Lĩnh vực đòi bồi thường nhiều nhất là y tế, dịch vụ xã hội, giao thông vận tải và xây dựng. Những ngành nghề này luôn trong tình trạng thiếu nhân lực.

Nhu cầu lao động trung bình tại Nhật Bản đang ở mức cao nhất kể từ năm 1991 (1,28 việc trên một đơn xin việc) cùng với luật lao động của nước này thực thi lỏng lẻo đã tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp ép nhân viên, công nhân làm việc. Việc này đã dẫn tới những hậu quả bi thảm.

ngay-cang-co-nhieu-nguoi-nhat-chet-vi-lam-viec-qua-suc

Ảnh: News.

Ông Hiroshi Kawahito, tổng thư ký của Hội luật gia bảo vệ những nạn nhân karoshi, khẳng định con số thực tế có lẽ còn gấp 10 lần như thế nhưng chính phủ Nhật không muốn thừa nhận. "Chính phủ đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề và dán băng rôn rộng rãi về vấn đề này nhưng chủ yếu chỉ là tuyên truyền. Vấn đề cấp bách ở đây là phải giảm giờ làm cho người lao động trong khi chính phủ chưa đi vào trọng tâm", ông Hiroshi Kawahito nói thêm.

Nhật Bản không có quy định pháp lý nào về giới hạn giờ làm việc. Tuy nhiên, Bộ Lao động nước này công nhận có hai dạng karoshi là tử vong vì tim mạch do làm việc quá sức và tự tử do công việc căng thẳng. Từ những năm 1980, 95% đàn ông trung niên là karoshi, hiện tại có khoảng 20% ​​là phụ nữ.

Một trường hợp chết vì tim mạch được xem là karoshi khi một người làm việc tăng ca quá 100 giờ một tháng hay 80 giờ trong hai tháng liên tiếp. Trong khi đó, trường hợp tự tử sẽ trở thành karoshi khi người đó làm việc tăng ca quá 160 giờ một tháng hay hơn 100 giờ trong suốt ba tháng liên tục. 

Số liệu từ Bộ Lao động Nhật Bản cũng cho biết tỷ lệ tự tử liên quan đến công việc trong độ tuổi dưới 29 đã tăng 45% trong bốn năm vừa qua, trong đó phụ nữ tăng 39%. Vấn đề đã trở nên nghiêm trọng hơn khi lực lượng lao động của Nhật Bản đã chia thành hai loại bao gồm nhân viên chính thức và nhân viên có hợp đồng tạm thời hoặc phi tiêu chuẩn. Trong năm 2015, các nhân viên không chính thức chiếm 38% lực lượng lao động, tăng từ 20% so tính từ năm 1990, trong đó, 68% là phụ nữ.

Những lao động này được nhận với cam kết có thời gian làm việc đúng tiêu chuẩn, song họ thường xuyên phải tăng ca cả ban đêm và cuối tuần, đặc biệt không được hỗ trợ lương. Họ đã từ chối làm thêm giờ nhưng lại được các nhà lãnh đạo "an ủi" bằng cách "cố gắng để được nhân viên chính thức". Ngoài ra, nhiều người chấp nhận số phận do thiếu kinh nghiệm và ngại đi tìm việc ở những nơi khác.

Hirokazu Ouchi, một giáo sư tại Đại học Chukyo nói rằng, Bộ lao động thiếu nhân lực để theo dõi về khiếu nại về quyền của người lao động. Dân số trong độ tuổi lao của Nhật Bản đã giảm kể từ giữa những năm 1990.

Thông thường, các công ty sẽ phải cải thiện điều kiện làm việc để thu hút người lao động, nhưng Ouchi cho biết điều này đã không xảy ra. "Ép người lao động làm việc quá sức là một cách để các công ty giảm chi phí lao động, nhưng nó cũng là một con đường dẫn đến cái chết, hủy hoại con người" ông Ouchi nói.

Theo Lê Nga - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X