Hotline 24/7
08983-08983

Ngày 18/4, BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân tư vấn: Gai gót chân chữa trị thế nào?

Vào 15g30 ngày 18/4, BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 tư vấn về bệnh gai gót chân và cách chữa trị căn bệnh này.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115 chuyên giải đáp những băn khoăn của bạn đọc hỏi AloBacsi về các vấn đề nội khớp.

Bệnh gai gót chân là một bệnh lý có thể khiến mọi người khởi đầu ngày mới với cơn đau khi vừa ngủ dậy và nhăn nhó khi bước những bước đầu tiên.

Vậy, bệnh gai gót chân phát sinh như thế nào?

Triệu chứng của gai gót chân gồm những gì?

Những triệu chứng này bệnh nhân có thể nhầm với bệnh nào khác tại gót chân không?

Tất cả thắc mắc sẽ được BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân trả lời tại buổi tư vấn chiều ngày 17/4.

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vnBệnh viện Nhân dân 115.


NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Gai gót chân thường gặp ở độ tuổi nào, các yếu tố thuận lợi đưa đến bệnh này là gì, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Gai gót chân thật ra là cách gọi thông dụng cho một từ y khoa dài dòng hơn, người ta gọi là "viêm cân gan chân". Các bạn xem trên hình sẽ thấy một phần dây chằng nối từ xương gót đến phía mặt dưới của lòng bàn chân ở khớp bàn, ngón chân, giúp cho bàn chân có hình cong và có độ đàn hồi nhất định để bệnh nhân đi lại. Khi nào chân bị viêm thì quá trình viêm sẽ xảy ra khiến cho bệnh nhân đau.

Viêm cân gan chân hay gai gót chân thường xảy ra ở cả hai giới và thường ở độ tuổi trung niên (trên 40 tuổi) vì nó liên quan đến chế độ sinh hoạt của người bệnh, thói quen vận động cũng như chấn thương nếu có trước đó.

Ví dụ, giống như người có thói quen nhảy từ trên cao xuống, đchân không trên những vùng đất không được bằng phẳng, có sỏi đá... Thâm chí, nhiều bệnh nhân cũng chẳng cần đi bộ nhiều cũng vẫn có thể bị gai gót chân.

Tóm lại, nếu có yếu tố nguyên nhân, người ta rất dễ chấp nhận. Một số bệnh nhân bảo em không làm gì cả, tại sao em cũng đau thì những trường hợp đó cũng là vô căn thôi, cũng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sẽ gặp ở những người độ tuổi 40 - 45 trở lên hoặc phụ nữ lớn tuổi. Cấu trúc giải phẫu vùng xương, vùng cân gan chân sẽ có lớp mô đệm. Khi lớn tuổi, lớp mô đệm mỏng lại, sự đàn hồi giảm đi, gót chân sẽ dễ bị chấn thương hơn. Từ đó, dẫn đến tình trạng viêm cân gan chân hay gai gót chân.

2. Bệnh gai gót chân diễn tiến như thế nào ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Thật ra không có diễn tiến nào cụ thể cả. Ví dụ như bị bệnh khác nếu như không điều trị đúng cũng sẽ dẫn dến biến chứng, còn gai gót chân thật ra bệnh nhân chỉ phát hiện do bị đau gót chân với các triệu chứng như đau buốt chân rất khó chịu sau khi ngủ dây, hoặc ngồi lâu đứng lên rất đau… lúc chụp có thể trên X-quang nhìn thấy hình gai gót như các bạn thấy trên phim Xquang sau đây, nhưng mà có những khi không có gì cả.


Như vậy, để trả lời câu hỏi phải mất thời gian bao lâu mới hình thành gai này sẽ không có câu trả lời chính xác và cũng như kích thước gai liệu có quyết định được triệu chứng hoặc cường độ đau hay không cũng không hề có, vì những người rất đau chụp ra cũng không có hình ảnh gì, những người vô tình đau vùng cổ chân thì nhìn thấy gai gót thiệt lớn nhưng bệnh nhân hoàn toàn không đau. Như vậy diễn tiến bệnh thật ra chỉ ở một giai đoạn, một thời điểm nào đó mà thôi.

Ảnh: Anh Khoa

3. Triệu chứng của gai gót chân gồm những gì? Và những triệu chứng này bệnh nhân có thể nhầm với bệnh nào khác tại gót chân không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Triệu chứng đơn giản là bệnh nhân sẽ thốn ở mé phía sau chân (ở trên phim mình thấy hơi nhô một chút). Đặc trưng nhất là bệnh nhân xuất hiện cơn đau vào buổi sáng khi thức dậy, đặt bàn chân xuống đất, cảm giác như có cái gai hoặc như đạp lên vỏ sầu riêng, thốn lên tới tim óc  khiến cho người bệnh rất sợ. Giống như câu “bệnh khớp đớp vào tim”, người ta hay bảo hay là bị đau tim nhưng không phải, hơi ngược ngạo khi mà đi một hồi khoảng 15 phút sau đó thì triệu chứng này giảm lại, có nhiều người sẽ hết hoàn toàn, cũng có những người đau âm ỉ, nhưng với cường độ dễ chịu hơn so với lúc ban đầu khi đặt chân xuống giường rất nhiều. Các triệu chứng này không dễ lẫn lộn với các nguyên nhân khác lắm vì rất đặc trưng, ngay dưới gót chân và giảm nếu bệnh nhân đi lại.

Với hình ảnh trên X- quang, chụp hình lên thấy có những chỗ xương hay gai xương đôi khi nằm sau xương gót, ở vùng gân gót nhiều hơn thì có thể chẩn đoán là một bệnh lý khác nặng nề hơn rất nhiều, là bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy nhiên các bạn đừng quá sợ hãi vì bệnh đó sẽ gặp ở nam giới trẻ tuổi và kèm nhiều triệu chứng khác chứ không đơn thuần chỉ đau vào buổi sáng khi bước xuống đâu, nên đừng căng thẳng quá về bệnh lý này, các bạn nhé.

Vị trí đau gai gót chân

4. Gai gót chân chữa trị thế nào, thưa BS? Thường thì liệu trình điều trị trong bao lâu? Bệnh có khỏi hẳn được không? Có dễ tái phát không?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Là một hỏi rất dễ nhưng cũng rất khó. Và cũng không thể có một câu trả lời chính xác được, các bạn ạ. Đặc biệt trong những bệnh lý viêm cân gan chân, viêm gân, sự đáp ứng sẽ khác nhau, tùy theo cơ địa của mỗi người.

Phương pháp điều trị thật ra cũng chỉ là phương pháp nội khoa mà thôi. Nghĩa là chúng ta cũng sẽ uống thuốc kháng viêm, giảm đau tùy theo cơ địa. Và cái này tôi không khuyến khích các bạn tự điều trị, bởi vì việc dùng các thuốc kháng viêm, giảm đau cũng phụ thuộc vào các bệnh lý khác kèm theo như tăng huyết áp, đáo tháo đường, viêm dạ dày trong thời gian điều trị nội khoa kèm theo những biện pháp hỗ trợ nhằm tránh tình trạng tiếp xúc trực tiếp giữa cân gan chân và mặt đất cứng, những vật thể cứng chẳng hạn mà không bớt có thể tiêm corticoid tại chỗ, nhưng không dùng để uống toàn thân.


Một số các liệu trình điều trị sẽ không có câu trả lời chính xác nhưng bác sĩ sẽ thay đổi nhóm thuốc phù hợp với bệnh nhân và kèm theo tư vấn cũng như còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, nó sẽ khác nhau hoàn toàn. Nhưng không kéo dài quá lâu, có thể từ 1- 2 tuần và can thiệp ngoại khoa không đặt ra ở đây. Nhiều người hỏi tại sao bác sĩ không cho em mổ, nạo gai đó coi có hết đau hay không, nhưng như tôi nói trong câu đầu tiên, việc hình thành cái gai, kích thước cái gai hoàn toàn không phải là nguyên nhân để làm cho mình đau ít hay nhiều. Như vậy, việc mổ, đục cái gai ấy hoàn toàn không cần thiết và bệnh thì cũng có thể sẽ dễ tái phát. Có những người cả đời chỉ bị 1 lần những cũng có người bị đi bị lại… Rõ ràng, do mình thay đổi chế độ sinh hoạt, những dụng cụ hỗ trợ thì bệnh sẽ ít tái phát hơn.

5. Nhiều người lo ngại tác dụng phụ khi điều trị bệnh gai gót chân phải dùng corticoid, BS có thể giúp bệnh nhân yên tâm hơn không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Bác sĩ sẽ không muốn bệnh nhân yên tâm khi điều trị bằng corticoid bằng bất cứ lý do gì. Corticoid trong bệnh lý này không được khuyến khích sử dụng nhất là bằng đường uống, không có tác dụng gì hết. Thường uống thuốc giảm viêm, giảm đau không bớt thì tiêm corticoid tại chỗ, nhưng phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện và hết sức thận trọng vì bàn chân mình rất dơ do tiếp xúc với mặt đất. Bản thân corticoid khi tiêm vào khớp, vào gân dễ gây ra những biến chứng như đứt dây chằng gân cơ tại chỗ, teo cơ hoặc nhiễm trùng nên việc tiêm corticoid không phải là phương pháp điều trị đầu tiên và có thể lặp đi lặp lại bất cứ lúc nào. Các bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để xem xét khi cần thiết và không nên lạm dụng.

Corticoid không khuyến khích dùng trong điều trị gai gót chân. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

6. Trong sinh hoạt hằng ngày, bệnh nhân cần lưu ý gì, cần tránh những động tác nào, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Chắc chắn khi chưa bị bệnh, chúng ta nên phòng ngừa: tránh các tư thế vui đùa như nhảy trên cao xuống mặt đất cứng, tránh chơi các môn thể thao mà không có đôi giày phù hợp như chạy mà đi đôi giày đế mỏng, không có độ đàn hồi thì ít nhiều bên dưới bàn chân sẽ bị ảnh hưởng, những dây chằng chịu áp lực tác động lên. Còn trong sinh hoạt hằng ngày, các bạn nên có đôi dép mềm, dép mút cao su có dộ dày tương đối khoảng 2-3 phân, tăng thêm độ đàn hồi ngoài mô đệm dưới lòng bàn chân của mình, tránh bớt những áp lực lên trên nó thì hy vọng các bạn sẽ không phải gặp bác sĩ Trân về vấn đề bị đau vùng gót chân.

Mang giày phù hợp khi chạy bộ. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

7. Theo BS, khi mua giày dép cho người bị gai gót chân thì cần những tiêu chí nào ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Nếu là nữ tôi luôn khuyên nên mang xăng-đan cao khoảng 5 phân ở phía sau, thêm 2 phân ở phía trước. Xét ra, nó chỉ cao độ 2-3 phân thôi vì tư thế sinh lý của bàn chân mình phía sau phải hơi dốc một tí để gân gót được chùng lại. Có nhiều bạn quá sợ mang giày búp bê, tức là giày bít và hoàn toàn thấp, đế không tới 1cm. Thật ra đôi giày này không tốt cho chân vì không có độ đàn hồi, bắt bàn chân luôn trong tình thế rất căng, dây chằng cũng phải căng cứng, ít nhiều dần dần sự kéo căng đó sẽ làm cho tình trạng kích thích quá trình viêm cân gan chân. Giày cao gót nếu lâu lâu điệu một tí vẫn được nhưng nếu mang cao gót nhọn 7 phân rất chúc xuống, như vậy sẽ không tốt cho bàn chân.

Giày nam nên lót một đế phía trong để tăng lên độ đàn hồi, độ đệm cho bàn chân, hạn chế đi chân không. Với nữ, chọn các loại giày có đế vững chãi và hơi cao để vừa hợp sinh lý, vừa bảo vệ được mô đệm cũng như cân gan chân ở vùng gót chân của mình.


8. BS có thể hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho người bị gai gót chân không ạ?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Cũng không cần đến bài tập đâu, nhưng nên tập một thói quen cho các khớp trong cơ thể, bắt đầu khi chúng ta còn trẻ và đẹp, đừng để đến lúc bị đau thì đã muộn. Nguyên tắc là cân gan chân sẽ bị đau, đặc biệt đau rất nhiều sau thời gian bất động, tôi hay giải thích cho bệnh nhân dễ hiểu là bàn chân đang ngủ đêm, cả một đêm không được, vận động bị căng cơ.

Giống như chuẩn bị tập thể dục cũng cần có sự khởi động làm nóng các cơ tránh chấn thương, thì bàn chân cũng vậy. Buổi sáng thức dậy, chúng ta còn đang ngái ngủ thì các bạn nên cử động các khớp, khớp tay, khớp vai, vươn vai, vươn chân trên giường chút xíu để làm nóng cơ thể của mình lên. Tránh trường hợp thức dậy trễ, đột ngột nhảy tót ra khỏi giường sẽ không tốt cho bàn chân.

Đặc biệt ở vùng bàn chân thì tập những động tác: dựng đứng bàn chân lên, kéo căng hết sức, cố gắng bẻ ngược bàn chân về phía mình, làm các động tác từ 5 - 10 lần nếu có thời gian, sau đó tiếp tục xoay trong, xoay ngoài hai bàn chân, lắc một hồi, giống như làm nóng vùng cân cơ đó lên. Khi tôi chỉ cho bệnh nhân làm như vậy thì bớt đau rất nhiều.

Và các bạn nhớ phải có một đôi dép trong nhà. Nếu có thời gian, tối đi làm về, tắm rửa sạch sẽ xong, có thể lấy chai thủy tinh đựng nước ấm trong đó và lăn gót chân lên, dùng cách mát xa bằng hơi nóng vào gai gót chân. Nhớ lót khăn dày ở phía dưới tránh vỡ chai, ngồi hơi khó thì có thể đứng lăn từng chân, nó có lực đè lên nhất định. Tôi đã chỉ cho nhiều người, mọi người đều trả lời rất hài lòng với bài tập đó, dường như những ai làm thì sẽ đáp ứng tốt hơn với việc điều trị.
Bệnh nhân gai gót chân nên có một đôi dép đi trong nhà. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.

9.  Với người bị gai gót chân, có những thực phẩm nào nên ăn và cần kiêng không, thưa BS?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Những bệnh khác sẽ có những thực phẩm được khuyên nên dùng và nên tránh. Riêng trong bệnh này thì không có. Nhiều người nghĩ bệnh gai gót đó là canxi nên nếu ăn gì nhiều canxi thì sẽ đọng lại chỗ đó. Không có đâu! Nên ăn làm sao cho mình vẫn giữ được trọng lượng cơ thể cho phù hợp vì bàn chân mình phải chịu toàn bộ lực cơ thể đặt lên trên đó, nên nếu càng thừa cân thì gót chân sẽ càng làm việc nhiều hơn, khả năng bị sang chấn nhiều hơn chứ không có chế độ ăn nào bắt buộc cả, em nhé.

10. Theo BS, để phòng bệnh gai gót chân, chúng ta cần làm gì?

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân

Tránh những chấn thương trên vùng gót chân như đi chân không, đi trên nền đất cứng, không bằng phẳng, không mang giày dép để bảo trợ hoặc những em nữ mang giày búp bê quá thấp làm giảm độ đàn hồi.

Các bạn chơi thể thao hãy cố gắng mang đôi giày phù hợp với các môn thể thao của mình, nên khởi động thật kỹ vùng cổ chân để tránh những tổn thương. Trong nhà cũng nên có một đôi dép.
Chú ý là khi chưa đau nhưng các động tác mà bác sĩ Trân chỉ cũng rất cần thiết để bảo vệ gân cơ và dây chằng, còn khi đợi đau mới làm thì đã muộn.

Xin được phép nhắc chút xíu là các bạn đừng quá căng thẳng khi chụp hình thấy có gai gót. Gai to hay gai bé không làm mình đau ít hay nhiều, chỉ khi nào quá trình viêm xảy ra có những yếu tố thuận lợi kèm theo những triệu chứng đau. Câu hỏi đặt ra là tại sao trước giờ mình không đau, bây giờ lại đau? Nói vậy để các bạn đừng quá căng thẳng, không cần chụp để kiểm tra lại xem cái gai còn hay không, các bạn nhé.

Thân mến.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK2 đã dành thời gian quý báu tham gia tư vấn. Hẹn gặp lại bác sĩ trong những chương trình sau. Ảnh: Anh Khoa.

BS.CK2 Đoàn Thị Huyền Trân - trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115

Chuyên khoa: Nội khớp

Ngoại ngữ: Anh, Pháp

Trường Y: Tốt nghiệp năm 1993

Bằng cấp chuyên môn:

- Bằng bác sĩ chuyên khoa 2 Nội chung - Học viện Quân Y

Đào tạo nâng cao:

- Tu nghiệp tại Pháp, khoa Cơ Xương Khớp (Khoa Khớp)

- Tại Bệnh viện Robert-Boulin, LibouRne, Pháp năm 1996

- Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris, Pháp năm 2001

- Bệnh viện HenRi-Mondor, Creteil, Pháp năm 2006

Kinh nghiệm:

- Phó khoa Cơ Xương Khớp - Bệnh viện Nhân dân 115 từ năm 2010-2015

- Trưởng khoa Khám và Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Nhân dân 115, từ năm 2016

Hội viên các hội chuyên ngành:

- Hội Thấp khớp học TPHCM

- Hội Thấp khớp học Việt Nam


Thực hiện: Mỹ Thi - Ảnh: Anh Khoa
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X