Hotline 24/7
08983-08983

Ngăn ngừa nỗi đau từ “ma túy” công nghệ

Câu chuyện người cha phải xích con vì mê game online ở Đắk Lắk có lẽ chỉ là một trong số các nỗi đau hiện hữu. Bởi, game online vẫn là một thách thức dai dẳng...

Phụ huynh cần lưu ý đến môi trường giải trí lành mạnh của trẻ trong thời “đô thị hóa”. Trong ảnh: khí thế hăng hái của các bạn trẻ trước khi chinh phục 15km đường rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai    - Ảnh: Quang Định
Phụ huynh cần lưu ý đến môi trường giải trí lành mạnh của trẻ trong thời “đô thị hóa”. Trong ảnh: khí thế hăng hái của các bạn trẻ trước khi chinh phục 15km đường rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Quang Định

Chúng tôi tạm khép lại tuyến bài này bằng những ý kiến chia sẻ dưới đây và mong rằng ít nhiều chúng ta có cách nhận diện đúng sự việc và có biện pháp kịp thời để ngăn ngừa những nỗi đau cho chính con em của mình.

* Thạc sĩ xã hội học 
Vũ Thái Hà:

Không cấm nhưng phải giáo dục

Bùng nổ game online với nhiều hệ lụy đang diễn ra tại VN hiện nay một phần là do tác động tiêu cực của cuộc sống đô thị hóa. Trong đó, thiếu các sân chơi cho trẻ em, cha mẹ ít quan tâm đến con cái là một trong những nguyên nhân để con trẻ xa rời đời thực, bước vào thế giới ảo.

Có thể thấy ngay các hoạt động cộng đồng thu hút trẻ em đang ngày càng hiếm hoi. Ngay trong các gia đình, không gian cũng hạn hẹp, bức bối và bản thân cha mẹ cũng bận rộn công việc, ít chia sẻ cùng con nên trẻ tự khắc tìm đến các hình thức giải trí khác, trong đó có game online.

Trong thời đại hội nhập, trẻ em tiếp cận Internet sớm là một điều tất yếu và không ai có thể ngăn cấm được. Chúng ta không thể cấm trẻ chơi game online nhưng phải giáo dục nhận thức về việc chơi có mức độ, giới hạn. Thường cái gì không quản được thì chúng ta cấm, nhưng bây giờ cái gì càng cấm thì càng phát triển.

Nếu chúng ta cấm chơi sau giờ học thì trẻ bỏ học đi chơi game, chúng ta không cho tiền thì trẻ sẽ nhịn ăn sáng hoặc tiêu cực hơn là trộm cắp. Càng cấm thì trẻ lại tìm những cách thức khác lắt léo, ma lanh hơn để được thỏa mãn. Game online hiện nay có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí là tiêu cực khi chính bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ.

Tuy nhiên, game cũng giúp các em giải tỏa áp lực học hành, phát triển tư duy. Do vậy, chúng ta phải định hướng, giáo dục, đánh vào đúng tâm lý để các em không bị phụ thuộc vào game hoặc chơi ở mức độ phù hợp lứa tuổi.

Quan trọng hơn, gia đình, nhà trường cũng phải tạo cho trẻ một môi trường học tập, vui chơi lành mạnh. Nếu chúng ta có điều kiện, mua sắm đủ cho con các trang thiết bị nhưng không kiểm soát thì dù không cần ra ngoài, ngay tại gia đình trẻ vẫn có thể bị cám dỗ rồi sa đà vào game online. Vì vậy phụ huynh nên cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình để gần gũi con, lắng nghe tâm sự của con, kịp thời biết được sự thay đổi của trẻ để khuyên răn, động viên.

Bên cạnh đó, hiện nay mọi lứa tuổi đều có thể mở tài khoản và chơi bất kỳ game online có trên mạng Internet mà không cần biết nó có phù hợp với độ tuổi, có ý nghĩa xã hội hay không. Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công ty game ở khía cạnh nội dung và đối tượng được chơi từng loại game online trước khi họ tung sản phẩm ra thị trường.

* Hiệu trưởng một trường cai nghiện game tại TPHCM:

Không nên chủ quan

Có hai nguyên nhân dẫn đến giới trẻ nghiện game online. Thứ nhất, cha mẹ không hiểu được mức độ nguy hiểm của game online nên để cho trẻ “tham gia sớm” từ những trò đơn giản trên điện thoại hoặc thỏa hiệp mua các máy chơi game về nhà cho con để dễ quản lý.

Tuy nhiên, khi sở thích được đáp ứng dễ dàng dẫn đến nghiện, trẻ dần bị lệ thuộc vào công nghệ. Khi đó, trẻ bắt đầu đòi hỏi về tiền bạc, thời gian để “sống ảo”. Nếu nhu cầu đó không được thỏa mãn sẽ dẫn đến xung đột với gia đình và việc bỏ nhà ra ngoài chơi là tất yếu.

Thứ hai, trẻ học hành quá tải nên khi vớ được game như một người khát vớ được ly nước mát có thể giúp trẻ giải tỏa tâm lý trước các áp lực. Bản thân các bậc phụ huynh thường chủ quan cho rằng đến một khoảng thời gian nào đó trẻ không chơi nữa thì sẽ hết nghiện.

Quan niệm đó chưa đúng, khi nghiện game online thì người chơi đồng nhất mình với thế giới ảo. Thế giới ảo có thể đáp ứng tất cả nhu cầu, ham muốn của trẻ trong khi thế giới thực buộc trẻ phải tự nỗ lực. Do vậy, trẻ tự trình diễn bản thân bằng những hoạt động trong game online, trở thành nô lệ của công nghệ mà quên đi các giá trị cốt lõi bên trong.

Người lớn cũng cần... sống thực

Câu chuyện về những hệ lụy do game online không mới, nhưng cần được nhắc lại (nhiều lần nữa) bởi mỗi ngày nó vẫn như một thứ ma túy gây tàn hại nhiều người, cả tinh thần, thể chất lẫn nhân cách, tương lai.

Xích con lại để cai game online cho con là chuyện đau lòng, là giải pháp có thể hiểu được, cảm thông được với người cha ở Đắk Lắk vừa qua. Khi bị rơi vào tình cảnh đó mới hiểu hết nỗi đắng cay, bất lực khi nhìn con mình trượt dài trong đời sống sai lầm, đốt cháy tương lai phía trước vì không thể cưỡng lại sức hút của những thứ gây nghiện.

Để người trẻ ra nông nỗi ấy có lỗi của xã hội - để cho những độc tố tràn lan, không kiểm soát khiến những người trẻ háo thắng, thích tìm hiểu đã dấn thân vào và thành... con thiêu thân. Nhưng gần hơn là những gia đình đôi khi quá lỏng lẻo trong việc quan sát, điều chỉnh lối sống của con mình.

Thiếu uốn nắn ngay từ nhỏ, thậm chí có cha mẹ còn sớm cho con tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật cao có kết nối mạng, có thể tải game về dễ dàng khi con cái chưa thật trưởng thành, dần dà trẻ quen và trở nên nghiện game ngay từ ấu thơ, ăn sâu thành nếp sống. Chưa kể nhiều ông bố bà mẹ cũng chơi game và là tín đồ của game, chơi ngay trước mặt con mình thì vô tình bằng hình ảnh "sống động" đó đã “lôi kéo” con mình trở thành... game thủ.

Xã hội hiện đại, những gia đình trẻ ngại sinh con nhiều nên cưng con, vì thế có khi chấp nhận những đòi hỏi đôi khi vô lý của con trẻ, cho tiền và cho con cái tự do thái quá khiến trẻ dễ sa đà vào những thứ cám dỗ xung quanh, trên mạng, trong đó có game online.

Phân tích như thế để thấy những bạn trẻ nghiện game có khi chỉ là nạn nhân của xã hội quá dễ dãi với những quy định lẽ ra nên cần nghiêm ngặt hơn. Kỷ cương phép nước vẫn chưa thật nghiêm nên những tiệm kinh doanh Internet vẫn mở cửa thâu đêm, đón những người trẻ vào chơi game khó kiểm soát, thỏa mãn những nhu cầu có tính chất gây nghiện chỉ vì lợi ích kinh tế nhất thời.

Các em cũng là nạn nhân của chính gia đình mình khi người lớn chỉ nghĩ cung cấp cho con đầy đủ, đáp ứng những tiện nghi cao nhất, hiện đại nhất cho con là xong. Thiếu quan sát, chăm lo tinh thần, thiếu những bữa cơm gắn kết, chia sẻ trong đời sống thực, cha mẹ có khi còn sống ảo và khó thoát ra khỏi cơn nghiện Facebook... cũng chính là nguyên nhân làm cho trẻ dính vào con đường nghiện ngập, hư hại thân tâm, trong đó có game online.

Do vậy, thiết nghĩ người lớn cũng phải trở lại... sống thực một cách thực chất hơn. Cuộc sống cần biết bao những ân cần yêu thương, quan tâm tinh tế, để những người trẻ lớn lên có chỗ neo đậu tâm hồn. Từ đó, dẫu có bay nhảy phương trời nào hoặc lỡ có yếu lòng trong khoảnh khắc nào đó thì họ vẫn còn nơi chốn để hướng về và được tiếp sức để mạnh mẽ vượt qua cám dỗ, đứng dậy sau những vấp ngã... 


LƯU ĐÌNH LONG


Xem thêm:

>>> Cùng con khép lối vào “mê cung”
>>> Đau lòng... game online
>>> Cha mẹ lơ là, con sa vào game online

Theo Ngọc Hiền - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X