Hotline 24/7
08983-08983

Ngăn chặn từ xa bệnh đái tháo đường

Lần đầu tiên một hội thảo do tổ chức phi lợi nhuận quốc tế EXCEMED tổ chức tại Việt Nam hồi cuối tuần qua, đề cập đến một vấn đề nóng về sức khoẻ hiện nay, rối loạn tim mạch chuyển hoá, trong đó có phòng ngừa tiền đái tháo đường.

Vận động thể lực là một trong những giải pháp giúp phòng ngừa đái tháo đường

Hội thảo có sự hiện diện của nhiều chuyên gia đầu ngành nội tiết, tim mạch Việt Nam và thế giới, như cơ hội cập nhật những kiến thức hữu ích cho giới chuyên môn và nâng cao nhận thức cộng đồng về tiền đái tháo đường (TĐTĐ). Nhân dịp này, các chuyên gia đã trao đổi với báo giới:

- Người dân hầu như biết về đái tháo đường (ĐTĐ), nhưng TĐTĐ là khái niệm khá xa lạ, vậy đó là gì?

- GS Kun-Ho Yoon (Hàn Quốc): TĐTĐ là tình trạng bệnh nhân có lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ chẩn đoán là ĐTĐ, tuy nhiên ở những người này đã xuất hiện những rối loạn tim mạch chuyển hoá cần quan tâm. Mỗi năm 5 - 10% nhóm người này tiến triển thành ĐTĐ, như thế số người mắc ĐTĐ cũng tăng lên và tạo ra một gánh nặng lớn về kinh tế - xã hội.

- PGS.TS Nguyễn Thị Khuê (Việt Nam): Đối với bác sĩ chuyên ngành nội tiết, TĐTĐ là chuyện quen thuộc, nhưng với một số bác sĩ ngoài ngành hoặc dân thường, đó còn là khái niệm khá mới vì nhiều người nghĩ rằng bệnh là bệnh, chứ không có chuyện “trước bệnh”. Chính xác, người ĐTĐ là người có lượng đường máu lúc đói ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L), còn TĐTĐ là người có lượng đường máu lúc đói từ 100 - 125 mg/dL (5,6 - 6,9 mmol/L). Những người này có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiến triển thành ĐTĐsau này, vì thế họ cần được quan tâm.

- Giải pháp nào phòng ngừa TĐTĐvà ngăn chặn tiến triển TĐTĐ thành ĐTĐ?

- PGS.TS Nguyễn Thị  Khuê: Ngăn chặn TĐTĐ chính là phòng ngừa ĐTĐ từ xa, điều này thực hiện bằng hai giải pháp quan trọng. Đầu tiên là giải pháp không dùng thuốc, hay thay đổi lối sống, bằng cách bỏ rượu, ngưng hút thuốc lá, luyện tập thể lực đều đặn, ăn uống hợp lý (giảm đường, giảm tinh bột, giảm chất béo trans, ăn nhiều rau xanh…).

Nếu áp dụng đúng, 50% người TĐTĐ sẽ không chuyển sang ĐTĐ. Giải pháp thứ hai là kết hợp dùng thuốc.Nghiên cứu nước ngoài cho thấy những người TĐTĐ tương đối trẻ và có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao sẽ được hưởng lợi nếu dùng metformin. Như vậy, tuỳ theo tình trạng bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ chọn giải pháp phù hợp. Ở nước ta, việc phòng ngừa ĐTĐ bằng thuốc đã được bộ Y tế quan tâm, nhưng bệnh nhân phải bỏ tiền túi chi trả chứ không phải bảo hiểm y tế.

- Tại Việt Nam, một khảo sát cho thấy gần 60% bệnh nhân ĐTĐ không được chẩn đoán, làm thế nào làm giảm được con số này, và điều gì xảy ra nếu họ không được phát hiện bệnh kịp thời?

- GS Ernesto Maddaloni (Ý): ĐTĐ là một bệnh diễn tiến thầm lặng. Trong giai đoạn đầu bệnh nhân không hay biết gì cả, chỉ đến khi có biến chứng nặng họ mới đến gặp bác sĩ và được phát hiện bệnh qua xét nghiệm. Thực tế thì các tổ chức chuyên môn đã xây dựng công cụ xem một người có nguy cơ bệnh ĐTĐ hay không bằng cách  đánh giá tình trạng cân nặng, tuổi tác, thói quen tập luyện, tiền sử bệnh gia đình…

Trên mạng có những công cụ này. Nếu đánh giá mình có nguy cơ, bạn cần chủ động đi làm xét nghiệm để biết bệnh. Tự đánh giá bằng công cụ sàng lọc là cách đơn giản nhất để phát hiện ĐTĐ, căn bệnh mà nếu không phát hiện sớm sẽ gây ra biến chứng cho mắt, thận, tim mạch, thai kỳ… Tại các nước đang phát triển, 73% trường hợp tử vong là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ĐTĐ góp phần đáng kể.

- Để kiểm soát thừa cân, béo phì, yếu tố nguy cơ dẫn đến ĐTĐ, một giải pháp đặt ra là đánh thuế các loại thức uống ngọt, điều này Việt Nam cũng đề xuất giữa năm nay. Nhưng cũng có người cho rằng đây là giải pháp không khả thi.Quan điểm của các vị như thế nào?

- GS Mafauzy Mohamed (Malaysia): Nước chúng tôi chưa áp dụng thuế nước ngọt, nhưng chính phủ cũng đang cân nhắc, vì nghiên cứu cho thấy nếu đánh thuế thì người dân sẽ tiêu thụ ít đi. Ít đường nạp vào, bệnh sẽ ít hơn.Giải pháp này được nhân viên y tế ủng hộ, nhưng dân chúng không thích vì họ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua nước ngọt.

- GS Ernesto Maddaloni (Ý): Ý không đánh thuế nước ngọt. Theo tôi quyết định đánh thuế hay không phải dựa trên một số yếu tố, như lượng tiêu thụ nước ngọt của quốc gia và sự tiêu thụ nước ngọt đó có làm tăng tần suất mắc bệnh ĐTĐ hay không.

- GS Kun-Ho Yoon (Hàn Quốc): Hàn Quốc cũng không có thuế nước ngọt, dù vấn đề này đã được tranh luận. Nhưng cần lưu ý khi Hàn Quốc đánh thuế thuốc lá khiến giá thuốc lá tăng gấp đôi, gấp ba thì lượng tiêu thụ thuốc lá lại không giảm bao nhiêu. Theo tôi, sự trừng phạt không mang lại tác dụng nhiều bằng giải pháp giáo dục và tuyên truyền.

Chi phí điều trị ĐTĐ bằng 18% thu nhập đầu người

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tần suất cao về bệnh ĐTĐ (5,5% dân số từ 20 - 79 tuổi, số liệu của liên đoàn ĐTĐ quốc tế IDF 2017) và TĐTĐ (13,7%, số liệu 2012), nhưng nhận thức của người dân về bệnh và phòng ngừa lại chưa cao.

Năm 2007, ước tính chi phí điều trị ĐTĐ ở Việt Nam khoảng 320 triệu USD, nhưng dự báo sẽ tăng lên 1,1 tỷ USD trước năm 2025. Tính ra hiện nay bệnh nhân ĐTĐ bỏ ra khoảng 34,41 USD/tháng cho mua thuốc men và đi lại, tương ứng 18% thu nhập bình quân đầu người.

Theo Bình Yên - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X