Hotline 24/7
08983-08983

Ngậm bắt vú mẹ đúng cách

Ngậm bắt vú tốt là điều kiện cực kỳ quan trọng giúp bé bú hiệu quả và mẹ cảm thấy dễ chịu. Bé cần học cách đưa bầu vú vào sâu trong miệng chứ không chỉ sử dụng ti mẹ như chiếc núm vú giả.

Khi bú bình, bé dùng má để tạo lực hút làm sữa di chuyển từ bình vào miệng (hãy thử mút ngón tay cái, bạn sẽ thấy môi mình chụm lại còn má thì hóp vào). Tuy nhiên, khi bé bú mẹ, hai má trùng xuống còn miệng thì mở rộng, trong khi lưỡi và hàm dưới xoa bóp đẩy sữa từ bầu vú mẹ vào miệng bé (hãy thử mút cánh tay của mình, bạn sẽ thấy hàm dưới chuyển động còn má thì trùng xuống).

Khi bé bú mẹ, chuyển động hình sóng của cơ sẽ bắt đầu từ đầu lưỡi và di chuyển ngược về phía sau. Lưỡi và hàm cử động nhịp nhàng, ép sữa nằm trong các bể chứa nhỏ li ti dưới quầng vú vào núm vú.

Để bú mẹ hiệu quả, bé không chỉ ngậm núm vú mà phải tiến xa hơn, ngậm cả một phần bầu vú, sao cho hàm dưới và lưỡi có thể xoa bóp bể sữa nằm ở phần dưới của quầng vú. Nếu bé ngậm bầu vú tốt, bạn sẽ nhìn thấy quầng vú phía trên lộ ra nhiều hơn phía dưới. Nếu chỉ ngậm núm vú của mẹ, bé sẽ làm như khi mút ti giả và không kéo được sữa ra ngoài. Hút bầu sữa mẹ như hút bình sữa sẽ không mang lại gì nhiều vì bể chứa sữa chưa được xoa bóp đẩy sửa vào núm vú. Ngoài ra, khi bé chỉ mút núm vú, mẹ có thể bị đau vì lưỡi và hàm của bé không xoa bóp bầu ngực mà lại cọ sát vào núm vú. Đau là một dấu hiệu có giá trị cho thấy có điều gì đó không ổn. Tạo hóa thông minh sẽ chẳng tạo dựng cơ chế tự nhiên khiến mẹ đau đớn khi cho con bú.

Nên cho bé tập bú sớm

Có hai lý do khiến bạn cần tăng cường tập cho con bú trong những ngày đầu tiên. Thứ nhất, việc học ngậm bắt vú sẽ dễ dàng hơn cho bé khi bầu ngực của mẹ còn mềm mại. Thứ hai, bầu vú cần được kích thích bằng động tác mút của bé để có thể sản xuất đủ sữa sau này.

Trẻ sơ sinh chào đời với dự trữ nước và chất dinh dưỡng đủ lớn, vì vậy trong vài ngày đầu, một lượng nhỏ sữa non của mẹ cũng đủ cho các bé. Lúc này, quá trình sản xuất sữa mẹ còn chưa được thiết lập hoàn chỉnh, ngực mẹ vẫn mềm nên bé có thể dễ dàng học ngậm bắt vú đúng cách. Thông thường, đa số bé cần được giúp đỡ lúc ban đầu.

Các bước thực hiện

Khi thức, bé sẽ ngọ nguậy đầu, tìm kiếm và cảm nhận bầu vú mẹ bằng miệng và môi của mình. Các bước dưới đây sẽ giúp mẹ tạo điều kiện để bé ngậm bắt bầu vú đúng cách.

- Áp bé vào sát ngực mẹ. Dựng cao người bé sao cho đầu con thấp hơn cằm mẹ.
Mẹ dùng một tay giữ cổ hoặc vai của bé, tay kia giữa hông của con. Bé có thể ngọ nguậy để tìm ti mẹ.

- Cho bé ngửa nhẹ đầu về phía sau để có thể hút và nuốt sữa dễ dàng hơn. Ở tư thế đầu ngả sau và miệng mở rộng, lưỡi bé sẽ tự động hạ thấp, sẵn sàng để bầu sữa mẹ áp vào đầu lưỡi.
Để bầu bú mẹ ở tư thế tự nhiên. Khi cảm nhận được vú mẹ bằng má của mình, bé có thể há rộng miệng và tìm cách ngậm núm vú.

+ Đặt núm vụ mẹ đối diện với mũi của bé . Khi cằm bé tì vào ngực bạn, chiếc miệng đang mở rộng sẽ ngậm sâu một phần lớn bầu vú. Quan sát để thấy bé vẫn thở tốt khi bú, cánh mũi mở rộng để khí đi vào.

+ Cho bé ngả người về phía sau, dùng bàn tay mẹ nâng giữ phần đầu, lưng trên và vai của con, kéo bé lại gần mẹ.

Một số bé ngậm bầu vú ngay, nhưng một số trẻ cần nhiều thời gian hơn để bắt đầu.

Các dấu hiệu bé ngậm bắt vú mẹ tốt. Ảnh: Internet
Các dấu hiệu bé ngậm bắt vú mẹ tốt. Ảnh: Internet

Các dấu hiệu bé ngậm bắt vú mẹ tốt

- Miệng bé ôm đầy bầu vú mẹ.

- Môi trên và môi dưới rộng mở.

- Môi dưới lộn ra ngoài như môi cá, không uốn vào trong. Có thể mẹ sẽ không nhìn thấy môi dưới của con.

- Cằm bé chạm vào bầu ngực mẹ.

- Mũi bé gần chạm bầu ngực mẹ.

- Hai má bé căng phồng.

- Lưỡi bé chìa ra, chồng lên môi dưới khi ngậm bắt vú và nằm dưới quầng vú khi bú.

- Mẹ cảm thấy dễ chịu, không bị đau khi bé bú.

- Bé ép ngực vào người mẹ và không phải xoay đầu khi bú.

- Mẹ chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ hoặc không nhìn thấy quầng vú (tùy theo kích thước của quầng vú và miệng của bé). Nếu quầng vú bị lộ thì phần trên phải nhiều hơn phần dưới.

- Bé mút chậm và sâu, thỉnh thoảng nghỉ. Mẹ có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng bé nuốt. Một số bé nuốt rất nhẹ, lúc này hơi thở ngắt quãng có thể là biểu hiện duy nhất cho thấy bé đang nuốt.

- Mẹ thấy tai bé ‘vẫy’ nhẹ.

Khi ngậm bắt vú mẹ, miệng bé ôm chặt quanh núm vú và phần lớn quầng vú.

- Trẻ ngậm bắt vú mẹ tốt

- Cằm chạm vú mẹ

- Miệng mở rộng, ngập vú sâu

- Môi dưới đưa ra ngoài

- Quầng vú còn lại phía trên nhiều hơn phía dưới

Nhiều bà mẹ cảm thấy đau ở đầu cữ bú và chỉ hết đau khi hai mẹ con tìm được tư thế thích hợp và bé ngậm bắt vú đúng cách. Lý do khiến mẹ bị đau thường là do bé chỉ mút núm vú. Nhẹ nhàng đưa một ngón tay sạch vào góc miệng của bé để tạm dừng cữ bú. Cho bé ngậm bắt vú lại. Mẹ cần lưu ý rằng khi rời khỏi miệng bé, núm vú trông phải tròn trịa và dài hoặc giữ nguyên hình dáng như trước khi bú. Bé ngậm bắt núm vú sai có thể khiến núm vú bị dẹt hoặc xẹp lại. Trường hợp bé bú yếu, mẹ cũng có thể tạm dừng cữ bú như cách nêu trên và cho bé ngậm núm vú lại.

Theo BS Trần Thu Thủy
Bệnh viện Nhi Trung ương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X