Hotline 24/7
08983-08983

Nếu không thể trốn cái nắng “đổ lửa” thì đối phó thế nào?

Trời nắng như "đổ lửa" nhưng chúng ta vẫn phải đi làm, đi học, sinh hoạt gia đình... Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này. Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình dưới đây để biết cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe giữa thời tiết nắng gắt như hiện nay.

Những ngày cuối tuần vừa qua nắng nóng diễn ra trên cả nước, nơi cao nhất như Nghệ An nhiệt độ lên đến 40-42 độ. Các khu vực khác như Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc nhiệt độ trung bình 36-37 độ. Ngoài đường phố, nhiệt độ có thể cao hơn 3-4 độ do hiện tượng bức xạ nhiệt cộng hưởng từ xe cộ, bêtông hóa.

Trời nắng như "đổ lửa" nhưng chúng ta vẫn phải đi làm, đi học, sinh hoạt gia đình... Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này. Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình dưới đây để biết cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe giữa thời tiết nắng gắt như hiện nay.

Nắng nóng gần 40 độ C nhưng 15g, ngày 22/4, BS.CK2 Trịnh Ngọc Bình vẫn đến văn phòng AloBacsi đúng giờ để giao lưu với bạn đọc cách bảo vệ sức khỏe giữa thời tiết như hiện nay. Ảnh: Viết Hưởng

NỘI DUNG TƯ VẤN

Trong thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay, các bác sĩ thường khuyên mọi người cần hạn chế ra đường vào cao điểm giữa trưa và đầu giờ chiều. Tuy nhiên, có một số nghề nghiệp đặc trưng không thể tránh nắng như: xây dựng, giao hàng, tài xế, xe ôm, người bán hàng rong… Theo bác sĩ, người làm những công việc này phải làm gì để bảo vệ sức khỏe?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trong thời tiết nắng nóng gay gắt như hiện nay, đúng là tốt nhất chúng ta cần hạn chế ra đường vào giờ cao điểm giữa trưa và đầu giờ chiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân thủ được điều này, nhất là những người có công việc đặc trưng như: xây dựng, giao hàng, tài xế, xe ôm, người bán hàng rong…

Do đó, để bảo vệ sức khỏe thì mọi người nên:

- Mỗi ngày nên uống từ  2 - 3 lít nước, uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất, Oresol, chia nhỏ ra uống thành nhiều lần trong ngày, một lần không nên uống quá nhiều nước.

- Tránh làm việc quá sức, sau khi làm việc từ 1-2 giờ thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong thời gian từ 10 - 15 phút.

- Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.

- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy.

- Khi làm việc ngoài trời nắng phải mặc quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Nên chọn quần áo rộng, thoáng mát và hút mồ hôi.

- Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên ăn thêm canh trong bữa ăn hàng ngày.

- Nên chọn thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh, an toàn và có tính mát.

- Nên thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.

- Nếu có điều kiện thì thoa thêm kem chống nắng.


Ngược lại, những người làm việc trong môi trường lạnh như văn phòng, siêu thị, cửa hàng… cần làm gì để tránh sốc nhiệt khi bước ra đường, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi trong môi trường lạnh chúng ta không nên bước ra ngoài trời nóng ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt gây khó thở, chóng mặt, thậm chí đột quỵ.

Như vậy, tốt nhất trước khi bước ra ngoài nên đứng giữa khoảng cách nóng và lạnh (ngay cửa ra vào) khoảng 15 phút để giúp cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ ngoài trời.

Nóng rát, mồ hôi nhễ nhại như tắm, người hầm hầm như muốn sốt... là tình trạng chung của nhiều người lao động trong thời điểm nắng nóng gay gắt. Ảnh: Tuổi trẻ

Xin bác sĩ cho biết dấu hiệu nhận biết cảm nắng, say nắng?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Cảm nắng và say nắng có những dấu hiệu tương đương nhau. Bạn có thể nhận biết bằng những dấu hiệu sau:

- Nhiệt độ cơ thể tăng cao, sốt 38-39 độ C nếu bệnh nặng có thể cao hơn.

- Ngất xỉu.

- Mồ hôi không tiết ra được dù thời tiết nóng, khi sờ vào da sẽ cảm nhận nóng và khô.

- Da đỏ ửng khi nhiệt độ cơ thể tăng cao. Trường hợp bệnh nặng, kèm theo tình trạng hạ huyết áp thì da chuyển sang tím tái.

- Khi bị say nắng thì các mạch máu ở cổ, thái dương đập mạnh, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở, hồi hộp, mệt ,bị chuột rút khiến cơ thể co cứng, cơ bắp đau.

- Có những trường hợp người bệnh đang làm việc ngất đi ngã tại chỗ, co giật, mê man... Đây là những trường hợp rất nặng, nếu không được cấp cứu nhanh chóng và có hiệu quả thì rất dễ bị trụy tim mạch, có thể tử vong.


Cách xử lý tốt nhất khi gặp người bị ngất xỉu là làm gì, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi gặp người bị ngất xỉu, chúng ta nên:

- Chuyển ngay nạn nhân đến chổ thoáng mát bóng râm để giảm thân nhiệt.

- Nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lấy khăn mát lau cơ thể nạn nhân hay dội nước nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô. Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể.

- Khi nạn nhân uống được nước thì cho uống từng ngụm nhỏ nước, nhất là uống dung dịch nước muối đuờng như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng.

- Nếu nạn nhân bị chuột rút, cần xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút.

- Không để cho nhiều người vây quanh nạn nhân.

- Sau khoảng 10-15 phút các biểu hiện sẽ giảm dần, rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

- Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.


Để giảm bớt cái nóng, mọi người thích uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều, như vậy có nguy hiểm gì không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Vào những ngày thời tiết nắng nóng, nhiều người cho rằng ăn kem, uống đá, tắm nước lạnh nhiều là tốt, sẽ đem lại cảm giác thoải mái nhưng như vậy rất nguy hiểm cho cơ thể vì dễ gây nên sốc nhiệt.

Tuy nhiên, trời nắng nóng như hiện nay chúng ta không thể cưỡng lại những món ngon mát lạnh như thế này. Do đó, khi từ ngoài nắng nóng vào nhà hoặc hàng quán, hãy nghỉ ngơi từ 30-60 phút để cơ thể kịp thích nghi với môi trường xung quanh. Nhưng bạn cũng không nên ăn quá nhiều kem, đá lạnh vì có khả năng gây viêm họng, nhất là trẻ em và người già.

Tương tự như vậy, khi đi tắm hãy chọn nhiệt độ nước vừa phải với cơ thể. Trước khi dội nước vào người, hãy thử cho nước vào bàn tay, nếu bạn cảm thấy mát, thích nghi là được, không nên vì trời nắng mà tắm nước thiệt lạnh hoặc tắm quá nhiều lần. Lưu ý, không nên tắm trước 5g và sau 21g.

Kem là món ngon ngày nắng nóng, nhưng chúng ta nên ăn có chừng mực để vừa thỏa cơn nóng vừa bảo vệ sức khỏe. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Vì sao nắng nóng lại là kẻ thù của các bệnh viêm xoang? Viêm xoang tái phát mạnh vì nắng nóng là lý do gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi gặp nắng nóng thì cơ thể dễ cảm thấy mệt mỏi, khi bị bệnh viêm xoang, sức đề kháng giảm sẽ khiến cơ thể không đủ sức chống lại vi khuẩn xâm nhập gây nên viêm xoang tái phát.

Khi trời nóng quá thì kéo theo không khí khô dẫn đến khô niêm mạc mũi, gây ảnh hưởng đến khả năng làm sạch của mũi xoang, làm gia tăng nguy cơ viêm xoang tái phát.


Với người bệnh tiểu đường, vì sao đường huyết lên khi trời nóng bức? Họ cần đối phó với thời tiết nóng như thế nào, có cần đi khám lại để điều chỉnh thuốc không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Khi trời nóng bức làm mất nước qua mồ hôi và hơi thở khiến cho máu bị cô đặc và do vậy đường máu tăng cao.

Do thời tiết nóng làm gia tăng chuyển hóa, với những người tiêm insuin thì insulin tại nơi tiêm có xu hướng hấp thu nhanh hơn (do mạch máu dưới da giãn hơn) nên đường máu có thể thấp hơn bình thường. Thời tiết quá nóng bức gây mệt mỏi, chán ăn.

Vì vậy, khi thời tiết nóng bức người bị tiểu đường nên uống đủ nước, hạn chế ra đường. Nếu bắt buộc phải ra đường thì nên đội nón, đeo kính, mang khẩu trang...

Ngoài a, nên mặc quần áo thoáng mát, dễ hút mồ hôi. Đi khám theo định kỳ và uống theo đơn của bác sĩ điều trị (khi đi nhớ mang theo toa cũ).

BS Bình khuyến cáo những người khi trong môi trường lạnh không nên bước ra ngoài trời nóng ngay vì thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến nguy cơ sốc nhiệt gây khó thở, chóng mặt, thậm chí đột quỵ. Ảnh: Hoàng Long

Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến bệnh cao huyết áp, đưa đến những nguy cơ gì ạ? Người cao huyết áp nếu có việc phải ra đường vào buổi trưa cần chuẩn bị như thế nào để đảm bảo an toàn?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Trời nắng nóng có nhiều ảnh hưởng tới huyết áp. Nhiệt độ cao có thể làm giảm huyết áp ban ngày nhưng lại làm tăng huyết áp về đêm… Nếu không kiểm soát tốt huyết áp và điều trị kịp thời, bệnh tăng huyết áp dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch nguy hiểm…

Trời nắng nóng có nhiều tác động tới bệnh tăng huyết áp. Vì vậy, bệnh nhân có việc ra đường vào buổi trưa nên uống đủ nước, mặc quần áo chống nắng, mang khẩu trang, đeo kính râm, đội nón,…


Dị ứng, mề đay “tấn công” ngày nắng nóng, bệnh nhân cần làm gì để dễ chịu hơn, thưa BS?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để giảm cảm giác khó chịu khi trời nắng nóng, bệnh nhân nên giải nhiệt cơ thể bằng cách bổ sung nước đầy đủ vì da cũng cần một lượng nước đủ để làm mát và giữ ẩm làn da, nếu không cung cấp đủ nước sẽ làm cho làn da khô rốc và nổi mẩn. Chính vì thế vào những ngày nóng bức bạn hãy uống ít nhất từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày.

Nên kiêng những đồ ăn cay, nóng có chất kích thích như rượu bia… Không làm việc quá căng thẳng. Tuyệt đối không nên dùng xà phòng tắm, không gãi quá nhiều khiến da bị trầy xước, tổn thương, viêm nhiễm.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình là chuyên gia tư vấn "quen mặt" của các ông bố bà mẹ, bạn đọc thân thiết của AloBacsi. Ảnh: Hoàng Long.

Nhiệt miệng cũng là chứng bệnh thường gặp mùa nắng nóng, có cách nào để hạn chế không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình trả lời:

Để ngăn ngừa nhiệt miệng vào mùa nắng nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng như ăn nhiều rau, trái cây, uống nước đầy đủ đặc biệt là các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, nên có chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách.

Lưu ý, những người bị lở miệng tái phát quá nhiều và khó lành cần đi khám để phát hiện và điều trị từ các bệnh nguyên nhân.

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X