Hotline 24/7
08983-08983

Nếu cứ ăn uống nhiều chất này, bạn có ngày tắc ruột

Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tắc ruột vào xử lý. Không chỉ trẻ em mà cả người già, nguyên nhân một phần cũng do ăn uống quá nhiều chất này mà không hề biết.

Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã phẫu thuật cấp cứu thành công trường hợp hy hữu bị tắc ruột do bã thức ăn. Theo lời kể, trước đó, bệnh nhân đã ăn liên tục 10 trái hồng. Sau đó, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau bụng quặn từng cơn, chướng bụng. Nghĩ là đau bụng tiêu hóa nên ra mua thuốc về uống mà không thuyên giảm.

Khi vào viện qua các xét nghiệm, chẩn đoán, bệnh nhân xác định bị tắc ruột nghi do bã thức ăn. Ngay lập tức các bác sỹ đã phẫu thuật cấp cứu, lấy ra khỏi ruột khối bã thức ăn kích thước 5x5 cm.

Trước đó, bệnh viện E, bệnh viện 103 cũng đã phẫu thuật cho trường hợp cụ bà bị tắc ruột do ăn măng vịt, quả ngão... Hay như ở Khoa Ngoại tiêu hóa (BV Trung ương Huế) tiếp nhận 7 trường hợp bị tắc ruột do bã thức ăn mà nguyên nhân chính là do ăn quả hồng giòn.

Để tránh tắc ruột, người cao tuổi càng phải thận trọng ăn thực phẩm chức nhiều chất tanin. Ảnh minh họaĐể tránh tắc ruột, người cao tuổi càng phải thận trọng ăn thực phẩm chức nhiều chất tanin. Ảnh minh họa

ThS. BS Doãn Thị Tường Vi - nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng (BV 198) cho biết, khối bã thức ăn thường hình thành khi ăn những thực phẩm có chứa nhiều bã xơ, chất tannin, pectin. Đây là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng tới nhu động ruột. Các chất này có nhiều trong các loại thực phẩm như hồng ngâm, hồng xiêm, ổi, sung, măng, rau muống...

Mặc dù các loại quả, thực phẩm này có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng ăn uống cần phải thận trọng. Việc ăn quá nhiều cùng lúc cộng với thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ, ăn vào thời điểm không thích hợp, nhất là lúc đói, các chất tannin - pectin cộng với hàm lượng chất xơ cao sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày khiến đầy bụng, khó tiêu.

Theo BS Tường Vi, đối tượng có nguy cơ bị tắc ruột cao là những người có hệ tiêu hóa kém, trẻ em và nhất là người cao tuổi. Người già do răng miệng đã lão hóa, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm khiến thức ăn không được nghiền nát trước khi di chuyển vào dạ dày và đường tiêu hóa. Tuy nhiên, tắc ruột do bã thức ăn không phải sau khi ăn là xảy ra liền mà thường phải tích tụ trước đó nhiều ngày và làm vón cục trong quá trình tiêu hóa thức ăn, tạo thành phân.

Để phòng nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, mọi người cần lưu ý không ăn quá nhiều cùng lúc các thực phẩm chứa chất tannin, chất xơ và cần phải ăn khi no. Đối với người cao tuổi cần chú ý thức ăn phải nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn. Hệ tiêu hóa của người cao tuổi kém nên không ăn quá no, chia làm nhiều bữa trong ngày.

Việc lựa chọn thực phẩm cũng cần chú ý tránh chọn các thực phẩm có kết cấu thô hoặc cứng. Các loại thịt mềm, cá, sữa hoặc trứng rất tốt với người cao tuổi. Ở người cao tuổi, uống có khi quan trọng hơn ăn vì để cơ thể không bị thiếu nước và chất điện giải vì vậy món canh trong các bữa ăn hằng ngày là rất cần thiết cho người già. Uống đầy đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày. Bên cạnh đó, người già nên kết hợp dinh dưỡng hợp lý với thể dục vừa sức để tăng cường sức khỏe hiệu quả, giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt.

Các chuyên gia khuyến cáo, tắc ruột là bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh tắc ruột có nguy cơ thiếu máu ruột, vỡ ruột, rối loạn điện giải, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu và thậm chí tử vong. Đa phần các bệnh nhân bị tắc ruột thường có triệu chứng chính là đau bụng từng cơn, đau vùng thượng vị, nôn, bí trung đại tiện và trướng bụng. Qua siêu âm, nội soi sẽ dễ dàng thấy. Do đó, nếu thấy đau, nôn, bí, chướng, mọi người nên đi kiểm tra để phát hiện kịp thời.

Theo P.Thuận - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X