Hotline 24/7
08983-08983

Nên phá hay sửa chữa dãy nhà biệt thự sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông?

TS Trần Chủng cho rằng bất kỳ công trình nào gặp sự cố như vụ nổ ở Hà Đồng cũng cần phải đánh giá lại từ đơn vị tư vấn có chuyên môn.

Liên quan đến vụ nổ kinh hoàng ở khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội, theo thống kê của cơ quan chức năng thì vụ nổ gây thiệt hại nặng nề cả về tính mạng con người lẫn tài sản. Trong số 140 căn biệt thự bị ảnh hưởng thì có hơn 30 căn bị hư hỏng nặng nề.

Căn hộ số 15 dãy TT9 bị ảnh hưởng nặng nhất. Toàn bộ cửa, mái hiên trước, tưởng bị phá hủy hoàn toàn. Trong nhà gạch vữa đều ngổn ngang, cầu thang bị sập, ban công tầng 2 cũng bị phá hủy.

Nên phá hay sửa chữa dãy nhà biệt thự sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông? - Ảnh 1.

Vụ nổ lớn khiến nhiều biệt thự bị hư hại nặng nề

Các mảnh vỡ từ kim loại, kính dưới sức ép của vụ nổ văng xa hàng trăm mét, găm chi chít vào tường các căn hộ, làm hư hỏng một số thiết bị sinh hoạt, công trình công cộng. Theo thống kê có đến 95 căn hộ bị vỡ kính, rung chấn làm bung cửa, nứt tường. Đó là chưa kể nhiều gia đình bị hỏng hóc toàn bộ hệ thống đèn điện, tivi, điều hòa… Nhiều xe máy, ô tô của một số gia đình, người dân lao động bị cháy, bị phá hủy bởi vụ nổ.

Trước việc các ngôi nhà biệt thự trong khu đô thị Văn Phú nên giữ lại hay phá đi xây mới, trao đổi với chúng tôi, TS. Trần Chủng, Nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, bất kỳ công trình nào sau khi xảy ra sự cố như vậy cần thiết phải đánh giá lại chất lượng từ đơn vị tư vấn có chuyên môn, họ có tư cách pháp nhân để khảo sát, xem xét từ đó đưa ra ý kiến chủ đầu tư hoặc chủ nhân nên phá hay gia cố, sửa chữa lại ngôi nhà.

"Vì mức độ của mỗi căn là khác nhau. Gần vị trí nổ, xa vị trí nổ, phương tác động của sóng nổ… sẽ làm cho ảnh hưởng khác nhau. Muốn đánh giá mức độ ấy phải có đơn vị kiểm định giống như bắt bệnh. Sau một tai họa như vậy thì bắt bệnh xem tình trạng mỗi công trình như thế nào. Điều này phải do các cơ quan chuyên môn, có năng lực mới thực hiện được", TS Trần Chủng cho hay.

Nên phá hay sửa chữa dãy nhà biệt thự sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông? - Ảnh 2.

Theo chuyên gia, việc đập phá hay sửa chữa nhà phải được đánh giá lại từ đơn vị tư vấn chuyên môn.

Cũng theo ông, việc đo đạc tường, cột, sàn phải loại bỏ hoàn toàn hay sửa chữa phải từ cơ quan chuyên môn nếu không có cơ quan chuyên môn thì rất khó đánh giá về mức độ an toàn đó.

"Tuy nhiên, phải có người đứng ra mời đơn vị chuyên môn đứng ra khảo sát hoặc là chủ đầu tư họ chưa bán hết nhà hoặc hoặc chủ nhân ngôi nhà đó bởi người gây ra vụ nổ đã chết nên không có người lo đền bù những thiệt hại đó", TS Trần Chủng nói.

Theo TS Trần Chủng, còn những thiệt hại sẽ do cơ quan pháp luật, chính quyền địa phương sẽ bàn bạc, nhưng việc đánh giá chất lượng sau vụ nổ thì nhất định phải tiến hành hoặc chính quyền đứng ra để mời đơn vị tư vấn khách quan họ đến đánh giá.

Nên phá hay sửa chữa dãy nhà biệt thự sau vụ nổ kinh hoàng ở Hà Đông? - Ảnh 3.

Nhiều gia đình đang thu dọn hiện trường sau vụ nổ

Đồng quan điểm với TS Trần Chủng, ông Lê Văn Thịnh, Nguyên Trưởng phòng Giám định phòng 1, Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, phải tổ chức kiểm định lại chất lượng công trình từ đó mới quyết định nên đập phá xây lại biệt thự hay sửa chữa.

"Việc mời cơ quan giám định chất lượng phải xác định ai là người sẽ mời. Trong trường hợp này người gây ra vụ nổ đã chết thì phải xác định các căn hộ có chủ chưa, nếu nhà làm xong trong giai đoạn bảo hành trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư đứng ra lập hồ sơ sự cố, đánh giá chất lượng. Trường hợp nghiệm thu đã đưa vào sử dụng thì chủ quản lý sử dụng phải chịu trách nhiệm", ông Thịnh cho hay.

Từ cơ sở đó sau khi mời đơn vị giám định chất lượng xong, người đứng ra giải quyết sự cố là UBND TP Hà Nội sẽ xem xét rồi thông báo kết quả.

Căn cứ từ kết quả xác minh điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, anh Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT 19, khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu.

Từ công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là những kim loại dùng để chế tạo bom.

Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội sơ bộ kết luận, vật liệu gây ra vụ nổ dạng bom.Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ. Hàng ngày anh Cường đem phế liệu thu mua được ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn.

8h30 sáng 19/3, anh Cường đã nhờ một người hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) một khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ. Anh Cường thường dùng dao, búa, đèn khò để phân loại phế liệu.

Cũng theo cơ quan chức năng thì đặc điểm của vật bằng sắt hình trụ có đường kính khoảng 40 - 45 cm, hai đầu bằng và có nhiều ốc nhỏ nhô ra xung quanh, ở giữa có 2 đai sắt hình vuông nhô ra và trên vật thể này có một số hình lạ mắt. Vật thể này có độ dài khoảng 80cm, khối lượng ước khoảng trên 100kg.

Vụ nổ tạo nên một hố sâu, kích thước dài khoảng 2 mét, sâu 1,5 mét và rộng 1 mét làm vỡ hệ thống nước ngầm dưới đất. Thi thể anh Cường bị phá vụn, văng đi khắp nơi.

Theo Định Nguyễn - Tri thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X