Hotline 24/7
08983-08983

Nấm ngọc cẩu: Những bài thuốc hay giúp “giữ lửa phòng the”

Nấm ngọc cẩu được ví như loại viagra tự nhiên bởi tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực… Sử dụng đúng cách với những bài thuốc Đông y sẽ giúp cánh mày râu “giữ lửa phòng the”.

Công dụng của nấm ngọc cẩu


Nấm ngọc cẩu bên cạnh tác dụng giữ lửa phòng the nó còn có giúp bổ sung dương khí đối với những người có chứng bệnh chân tay không ấm, nguyên khí ở đan điền bị hư tổn, hoạt động chậm chạp, khó khăn. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Nấm ngọc cẩu (hay tên gọi khác là tỏa dương) là vị thuốc thông dụng trong việc chữa bệnh thường nhật của y học cổ truyền, được xếp trong nhóm thuốc bổ dương của Đông dược. Loại dược liệu này có tên khoa học là Cynomorium songaricum Rupr., còn được gọi là củ gió đất, củ ngọc núi, hoa đất, xà cô, ký sinh hoàn, bất lão dược, địa mao cầu, hoàng cốt lương... và củ cu chó (phiên âm Hán - Việt là dương cẩu chứ không phải là ngọc cẩu).

Nấm ngọc cẩu là loại mọc và sống ký sinh trên rễ của những cây gỗ lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Dưới mỗi cụm nấm luôn có một rễ cây cứng, muốn lấy chúng phải cắt rễ cây này. Nấm ngọc cẩu là loại thảo dược nửa dạng cây, nửa dạng nấm, không có lá. Thân có màu đỏ nâu sẫm, được cấu tạo bởi cánh hoa lớn, mang hoa dày đặc, có bao bọc bằng mo màu tím.

Nấm có mùi hôi đặc trưng. Hoa nấm nạc và mềm, hoa đực và hoa cái phân biệt rõ ràng. Cụm hoa đực hình trụ, dài 10 - 15 cm. Cụm hoa cái hình đầu, dài 2 - 3 cm. Ruột hoa nấm giống như ruột quả thanh long, chứa tinh bột.

Nấm ngọc cẩu mọc hoang ở dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Tây Côn Lĩnh hoặc các núi đất rừng Cúc Phương, núi lều Tràng Xá, huyện Võ Nhai, các núi vùng Tam Đảo, núi Hồng chứ không riêng gì huyện Hoàng Su Phì mới có.

Theo BS Hoàng Đôn Hòa - Viện Y học Bản địa Việt Nam, những nghiên cứu về nấm ngọc cẩu của Viện Y học bản địa Việt Nam cho thấy cây này có chứa anthoxyanozit, L-Arginin - một tiền chất sau khi qua chuyển hóa trong cơ thể sẽ sản sinh ra Nitric Oxit (NO). Chất này tham gia trực tiếp vào quá trình gây giãn mạch ngoại biên. Một phần hệ quả của việc đó là giãn mạch khá đặc hiệu bộ phận sinh dục, gây giãn mạch và cương cứng môi lớn, môi nhỏ của âm hộ và dương vật. Ứng dụng trong điều trị lâm sàng trên người bệnh mắc chứng rối loạn cương, yếu năng lực tình dục nam, nữ; da không đẹp và lãnh cảm…

Đặc biệt, nấm ngọc cẩu có giá trị dược liệu cao khi sinh trưởng ở độ cao trên 1.500m, và dưới những tán cây đặc biệt. Hơn nữa, loại nấm này đặc biệt quý khi thu hái tự nhiên ở độ cao trên 2.000m như đỉnh Tây Côn Lĩnh và Hoàng Liên Sơn, nơi quanh năm lạnh giá, mùa đông có tuyết phủ.

Bài thuốc hay từ nấm ngọc cẩu


Ruột hoa nấm giống như ruột quả thanh long, chứa tinh bột. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Trong Đông y, vị thuốc này vị ngọt, tính ấm, có công dụng nhuận tràng thông tiện, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, lưng đau gối mỏi, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, viêm dạ dày, viêm thận, xuất huyết do giảm tiểu cầu nguyên phát (tử điến), táo bón người già... dưới hình thức độc vị hoặc phối hợp với tang phiêu tiêu, thục địa, ma nhân và các vị thuốc khác.

Còn trong sách “Biển thước tâm thư” được BS Phó Đức Thuần dẫn lại, kể ra vô số giá trị của nấm ngọc cẩu. Theo đó, đông y dùng tỏa dương để bổ thận tráng dương, ích tinh huyết, mạnh tình dục, bổ tỳ vị, nhuận tràng, thông tiểu. Chủ trị yếu sinh lý, liệt dương, lãnh cảm, đau lưng, mỏi gối, biếng ăn.

Một số bài thuốc có công dụng chữa bệnh của nấm ngọc cẩu (tỏa dương) theo BS Phó Đức Thuần như sau:

Cháo tráng dương: Toả dương nấu với chim sẻ, chim cút, gà, thịt chó, thịt dê, thịt bò, trai, sò, tôm (những thức ăn có tác dụng tráng dương).

Thận, tâm, tỳ đều hư gây tảo tiết: Gà trống choai 1 con, toả dương 20g, đảng sâm 50g, hoài sơn 50g, ngũ vị tử 20g. Gà làm sạch mổ moi lấy lòng ra cho thuốc vào hầm cách thuỷ cho chín chia 2 lần ăn trong ngày. Tuần 1 lần, dùng 3 tuần. Không có gà thay bằng dạ dày lợn làm sạch, nhồi thuốc để hầm.

Chữa liệt dương, ngũ canh tiết tả (buồn đại tiện lỏng sáng sớm của người già do dương hư): Nấu toả dương với đậu đen. Phải ăn đều mỗi chiều tối trong nhiều ngày.

Thận hư, di tinh, di niệu, liệt dương, khí hư ra nhiều: Toả dương 5g, long cốt 3g, nhục thung dung 3g, tang phiêu tiêu 3g, phục linh 3g, hồng trà 3g. Hãm trong phích nước sôi 10-15phút.

Tráng dương bổ thận: Lộc nhung 10g (thái lát); câu kỷ 30g, toả dương 10g, ba kích 20g, ngưu tất, nhục quế 10g cho vào bình đổ 2 lít rượu ngon 40o trở lên (vì có nhung hươu). Ngâm 1 tháng thì uống được.

Ôn dương nhuận tràng: Chữa dương hư táo bón người già.

Bài 1: Toả dương 15g, vừng đen 12g, vừng vàng 12g, chỉ xác 10g, ngưu tất 10g. Sắc lấy nước uống lúc đói. Ngày 1  lần.

Bài 2: Toả dương 500g, nhục thung dung 500g. Sắc 2 nước dồn lại cô tiếp rồi cho 250g mật ong quấy đều để nguội cất vào lọ dùng dần vào trước bữa cơm uống với nước sôi môi lần 2-3 thìa (thìa canh).

Một số bài thuốc khác như:

Mộng tinh, hoạt tinh: tỏa dương 9g, kim anh tử 9g, tri mẫu 9g, ngũ vị tử 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Cường dương, chữa xuất tinh sớm: tỏa dương 15g, đảng sâm 12g, sơn dược 12g, phúc bồn tử 9g. Sắc uống ngày 1 thang.

Phụ nữ kinh nguyệt không đều, liệt dương, di tinh, đổ mồ hôi trộm, quáng gà, ăn uống không ngon miệng:
tỏa dương 20g, cật dê 1 đôi, gia vị vừa đủ, hầm mềm thì tắt bếp và ăn.

Cách ngâm rượu ngọc cẩu


Rượu ngọc cẩu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Để làm ra bình rượu nấm ngọc cẩu có hai cách là ngâm củ tươi và phơi khô rồi mới ngâm. Trước đây, chỉ ngâm rượu bằng chum, vại nhưng nay nhiều người chọn bình thủy tinh để ngâm vì đẹp, nhìn vào bình rượu trông rất bắt mắt.

Ngâm tươi thì đơn giản, chỉ cần rửa sạch nấm, để ráo nước thì ngâm được. Rượu để ngâm là rượu gạo nguyên chất từ 38-43 độ. Một ký ngọc cẩu tươi ngâm với khoảng 5 lít rượu. Rượu ngâm trong thời gian khoảng 3 tháng là uống được.

Còn muốn rượu ngon thì thường người ta ngâm ngọc cẩu khô. Cách ngâm này rất cầu kỳ. Ngọc cẩu sau khi làm sạch được thái mỏng. Phần củ thái riêng, phần ngon thân nấm thái riêng. Nấm thái xong đem phơi ở điều kiện không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà chỉ dùng sức nóng. Thường nấm được phơi trong nhà, dưới mái tôn. Sức nóng của tôn sẽ làm nấm khô dần, như vậy giữ được màu sắc và mùi hương. Sau khi nấm đã khô, dùng khoảng 3 gram nấm khô ngâm với 5 lít rượu gạo, nếu muốn cho rượu thơm dễ uống thì bỏ thêm ít mật ong hay trái la hán quả.

Lưu ý khi sử dụng nấm ngọc cẩu


Nấm ngọc cẩu loại khô có thể mua ở các hiệu thuốc Đông dược. Ảnh minh họa - Nguồn Internet


Vì yếu tố thương mại hóa nên loại nấm này được các trang mạng rao bán tràn lan, công dụng được phổi phồng quá mức, chúng ta cần hiểu rằng dù là nấm ngọc cẩu hay bất cứ loại dược liệu nào cũng đều không phải “thần dược”. Mỗi cơ thể người khác nhau nên không có công thức chung nào trong việc uống các loại thuốc kể cả từ cây cỏ. Việc uống bừa bãi không theo liều lượng hoặc có thể uống nhầm sẽ dẫn tới những hậu quả không tốt cho sức khỏe.

Hơn nữa, hiện nay nhiều người thích uống rượu ngâm các loại nấm, rễ, củ cây rừng. Tuy nhiên, đa phần là mua rượu ngâm ở dọc đường hoặc không rõ nguồn gốc vì nghe lời đồn thổi. Thậm chí, rượu ngâm với rễ và gốc cây gì, thì nhiều người không biết nên rất nguy hiểm.

Nấm ngọc cẩu loại khô có thể mua ở các hiệu thuốc Đông dược với giá gốc không quá 20.000 đồng/100g (1 lạng). Do đó, các quý ông nếu có nhu cầu sử dụng nên tìm mua dược liệu này ở các cơ sở Đông dược có tư cách pháp nhân và rất cần sự tư vấn của các thầy thuốc chuyên khoa để phòng tránh tình trạng "tiền mất của rởm", "tiền mất tật mang".

Mặt khác, khi mua bất cứ loại thuốc, dược liệu nào, bạn cần liệt kê các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng của cơ thể… để y bác sĩ kê đơn cho phù hợp với cơ địa, thể trạng của người bệnh. Không tự ý chẩn đoán, kê đơn hoặc sử dụng dược liệu kéo dài mà không có sự tham vấn của người có chuyên môn.

Hoàng Anh (Tổng hợp)
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X