Hotline 24/7
08983-08983

Năm Hợi, về xứ Quảng nghe kể chuyện nghề bồng heo lấy may

Cả xứ Quảng, gần như ai cũng thân quen với sự ra đời và hoạt động tấp nập của một khu chợ đặc biệt - Chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam). Với niên đại hơn nửa thế kỷ, chợ trở thành điểm đầu mối mua bán heo (lợn) lớn nhất nhì cả nước. Nhưng ở đây, còn có nghề độc đáo không phải ai cũng biết: “Nghề ẵm heo thuê lấy hên”.

Chợ heo Bà Rén thuộc xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam.
Chợ heo Bà Rén thuộc xã Quế Xuân 1, Quế Sơn, Quảng Nam.

Chợ đặc biệt, nghề đặc biệt

4h sáng, trời cuối năm hãy còn tối mịt nhưng chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã trở mình inh ỏi. Chợ nằm ngay QL1, cạnh sông Bà Rén nên đón lượng người qua lại giao thương khá đông.

Bà Nguyễn Thị Xí (60 tuổi, ngụ xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) tất tả cầm xấp áo mưa đi phát cho từng người trước khi bắt tay vào việc. Hỏi ra mới biết, cái áo để chống lại gió lạnh, bà biếu“đồng nghiệp” giúp giữ hơi ấm và có sức khỏe tiếp tục theo nghề bồng heo trong năm Hợi.

Hơn 20 năm theo nghề, bà Liễu nói, đây là lần thứ 2, chờ đúng phiên chợ cuối cùng của năm, nhiều người như bà bắt đầu trao cho nhau những “món quà” chia tay kiểu lấy may. Nói về chợ heo, bà Liễu được nhiều người kể lại rằng, nó hình thành từ cuối những năm 1960 của thế kỷ trước.

Phát tích tên gọi của chợ, vốn đặt theo tên một người đàn bà chèo đò dọc khúc sông này. Ngày trước, khi chưa có cầu, bên cạnh chợ heo, còn một cái chợ khác bán đủ thứ hàng hóa, nên ai đến chợ cũng phải gọi bà đưa qua sông, lâu dần thành cái tên chợ Bà Rén.

Sau đó, vì người buôn bán heo trong chợ gây mùi khó chịu, lại để heo xổng chuồng, đuổi bắt rất lộn xộn nên được “độc chiếm”, thành chợ heo riêng biệt. Từ chợ Bà Rén, người ta thêm chữ, đổi tên chợ heo Bà Rén.

Từ sáng sớm tinh mơ, kẻ mua người bán đã quy tụ về đây, nhộn nhịp giao thương. Cho đến nay, khu chợ heo vẫn được xem lớn nhất miền Trung.

Ông Lê Đình Lai, Trưởng ban quản lý chợ Bà Rén cho biết, ngày cao điểm có khi cả ngàn con heo được giao dịch. Các chị em làm nghề bồng heo nhờ thế cũng trụ được, kiếm đủ tiền mưu sinh.

Điều đặc biệt hơn khiến chợ này nổi tiếng không chỉ địa thế giao thương mà có nghề đặc biệt “bồng heo thuê” và toàn phụ nữ đảm nhận. Khoảng hơn 10 chị em từ các xã lân cận như Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn (thuộc tỉnh Quảng Nam), mỗi ngày từ tinh mơ đã có mặt; cũng có vài chị quê tận Thanh Hóa, Quảng Bình tìm tới.

4h sáng mỗi ngày, khi các tiểu thương đưa heo về chợ giao dịch, các chị đã đợi sẵn. Thông thường, người mua rất ngại khi phải bồng bế những chú heo, bởi nhiều chất thải xú uế bết lên thân. Mỗi lần cân đong hay cần vận chuyển heo từ chợ ra xe, họ lại phải nhờ đến đội ngũ những người như bà Liễu.

Điểm đặc biệt nữa, người mua còn có một quan niệm, trước khi mang về nhà phải nhờ người ẵm heo lấy may, nuôi mau lớn… Bà con sinh sống gần chợ heo kể thêm, người khai sinh ra nghề đặc biệt này là bà Lê Thị Bốn, hộ gia đình người lùn sống cạnh sông Bà Rén từ 40 năm.

Chồng bà Bốn là ông Lưu Quơn (nay đã gần 90 tuổi) vốn nghèo khó, đành dắt 8 người con và vợ ra chợ heo làm công việc vệ sinh. Bà Bốn thức thời hơn, thấy có nhiều người cần bồng heo để cân đong, vận chuyển nên bà nhận thêm việc này, sống qua ngày.

Một điều lạ, những chú heo qua tay bà đều hay ăn chóng lớn nên cứ mỗi lần heo về, các tiểu thương lại ưu tiên cho bà vào bồng trước. Có cung ắt có cầu, nghề “bồng heo thuê” ra đời. Theo bà Liễu đội ngũ bồng heo thuê tại đây, lúc cao điểm có khi lên đến vài chục người.

Tình người chan chứa

Vì cái nghề “độc, dị, lạ” như lời ví von của chị Lê Thị Hiên (45 tuổi, ngụ Thăng Bình, Quảng Nam), nên những người bồng heo thuê tại chợ Bà Rén thường hóm hỉnh an ủi nhau: Mỗi ngày chúng ta được ôm ... Trư Bát Giới.

Chị Hiên tâm tình, công việc nhìn đơn giản vậy chứ cũng lắm thăng trầm. Nhiều khi lỡ tay, heo tuột khỏi người, khách không ưng ý, mình sẽ mất hết mối. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ làm, mỗi người cũng kiếm được khoảng 50.000 - 80.000 đồng (mỗi con từ 3-5.000 đồng) tùy cân nặng, “vía” của người bồng và tùy cả vào sự quen thân.

Đang trò chuyện, thoáng thấy mối quen của Hiên, bà Liễu vội vã giục người phụ nữ này đội nón, xoắn tay áo tới chỗ rọ heo của thương lái làm việc.

Có người định hỏi bà Liễu, sao không tranh làm, nhưng rồi chợt thu lời, bởi tận mắt thấy người làm nghề bồng heo xưa nay chưa một tiếng cãi cọ. Giữa cái khó khăn, họ nương tựa vào nhau để sống, nhường nhau những lần bồng, để tan chợ ai cũng có tiền khi ra về, lo cho gia đình chút thịt, cá.

Ví như, ngày cuối cùng của phiên chợ cuối năm, chị Lê Thị Hiên có chồng không may mắc phải căn bệnh thần kinh, mất khả năng lao động, nên hễ có mối lạ, mặc nhiên chị được nhường phần. Tiền không có để biếu, họ trao nhau chút tình từ công việc như vậy.

Rồi trường hợp như bà Lưu Thị Liên (75 tuổi, quê Quế Sơn), gần 20 năm theo nghề, nay già yếu, hội người bồng heo thuê thường chọn cho cụ Liên những con nhỏ nhẹ nhất để bồng và cả phụ đỡ.

Theo Vũ Vân Anh - Pháp luật Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X