Hotline 24/7
08983-08983

Muốn phòng bệnh, đừng quên chích ngừa

Dù chưa thuận lợi về giao thông, thậm chí có những ngày đường sạt lở do mưa lũ nhưng trẻ em ở vùng núi của tỉnh Hà Giang luôn được quan tâm tiêm chủng đầy đủ.

Có mặt Trạm Y tế xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vào đúng dịp tiêm chủng cho các cháu, đoàn công tác khá bất ngờ về sự "nhiệt tình" của những ông bố, bà mẹ người Dao, người Tày khi phải lặn lội cả chục km để đưa con đến tiêm chủng.

Tiêm chủng ở vùng khó

Bế con gái hơn 6 tháng tuổi ngủ say trong vòng tay mẹ, chị Đặng Thị Bây - 21 tuổi, dân tộc Dao - cho biết vợ chồng chị có mặt lúc hơn 7 giờ để chờ tiêm cho con. Nhà chị Bây chỉ cách trạm y tế xã khoảng 4 km nhưng do những ngày qua mưa nhiều, đường bị sạt lở nên mất gần 1 giờ hai vợ chồng mới tới trạm y tế xã. "Mấy tháng trước, vợ chồng em có hỏi thời gian cho con tiêm chủng vắc-xin nhưng đợi hơn 3 tháng mới có vắc-xin nên hai vợ chồng đã sắp xếp công việc để đưa con đi tiêm chủng. Em cũng không rõ lần này con tiêm mũi gì nhưng cô y tá của thôn thông báo lần này một mũi tiêm con sẽ phòng được 5 bệnh. Ở miền núi đi lại khó khăn nên em chỉ mong con được tiêm phòng thì sẽ bớt mắc bệnh" - người mẹ trẻ vỗ về con và chia sẻ.

Dù khó khăn về địa lý nhưng trẻ ở xã Sơn Thượng, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang luôn được tiêm chủng đầy đủ

Bác sĩ Nguyễn Thị Nậm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên - cho biết so với trước, những năm gần đây ý thức tiêm chủng phòng bệnh cho con và cho chính những phụ nữ mang thai đã tăng rất nhiều. Có những vắc-xin như uốn ván trước chỉ có khoảng 50% phụ nữ mang thai người đồng bào dân tộc tiêm thì nay sau khi được vận động, con số này lên tới gần 80%. Nhiều ông bố bà mẹ đã hiểu được ý nghĩa của việc tiêm phòng vắc-xin và uống vitamin định kỳ. "Dĩ nhiên do điều kiện đi lại, thời tiết khắc nghiệt nên không phải lúc nào công việc cũng "thuận buồm xuôi gió". Như hôm qua, chúng tôi cũng phải hoãn tiêm tại một số điểm tiêm lưu động do tuần trước mưa nhiều, đường sạt lở nên bà con không thể đến điểm tiêm. Đến sáng nay, sau khi đường thông, nhân viên y tế thôn bản lại đến từng nhà thông báo cho bố mẹ đưa con trẻ đi tiêm. Lúc nào khám sàng lọc, tôi cũng nhắc nhở bố mẹ các cháu rằng muốn phòng bệnh cho con phải nhớ đưa con đi tiêm vắc-xin đúng lịch" - bác sĩ Nậm nói.

Lập điểm tiêm lưu động khắp xã

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Vị Xuyên, do vấn đề địa lý nên ngoài điểm tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Thượng Sơn còn có 6 điểm tiêm lưu động khác. Suốt 2 tuần nay, các nhân viên tiêm chủng thay nhau vận chuyển vắc-xin đến các điểm tiêm lưu động. Một trong đó là điểm tiêm tại Hội trường thôn Lùng Vùi. Từ trạm y tế đến điểm tiêm này khoảng 7 km. "Tại đây chỉ có 7 trẻ được tiêm chủng nhưng chúng tôi vẫn phải tổ chức một điểm tiêm để vận động bà con đưa trẻ đến tiêm. Bởi nếu không cử cán bộ tiêm chủng đến các điểm tiêm, có thể người dân sẽ bỏ tiêm vì ngại đưa con nhỏ đi quá xa" - bác sĩ Dũng nói.

Vợ chồng chị Hoàng Mùi Nhựt đưa cậu con trai 4,5 tháng tuổi đi tiêm mũi vắc-xin "5 trong 1" ComBe Five (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, Hib) cho biết đây là mũi tiêm thứ 2 của con trai chị. "Lần trước tiêm xong về nhà con có sốt nhẹ, lúc ấy cũng lo lắm nhưng điện thoại được bác sĩ giải thích sốt là phản ứng bình thường của vắc-xin rồi hướng dẫn cho con uống hạ sốt và lau người. Đến hôm sau thì con ổn và lại ăn, ngủ bình thường. Đến mũi tiên này, vợ chồng em đã "thuộc" lời dặn của bác sĩ nên nếu con có sốt chắc chắn vợ chồng em cũng xử lý được" - chị Nhựt cho biết.

Điều dưỡng Phạm Văn Hùng, Trạm Y tế xã Thượng Sơn, cho biết ở điểm tiêm này chưa có điện nên cán bộ tiêm chủng sẽ triển khai tiêm sớm cho trẻ. "Một đặc điểm ở các điểm tiêm chủng lưu động là dù ít trẻ tiêm vẫn phải bảo đảm cho các cháu được tiêm đủ vắc-xin. Có những loại vắc-xin một lọ tiêm cho 10 cháu nhưng điểm tiêm đó chỉ có 1-2 cháu vẫn phải bóc ra cả lô vắc-xin để tiêm chứ không thể máy móc phải đủ từng đó trẻ mới tiêm" - điều dưỡng Hùng nói.

Theo các bác sĩ ở Trạm Y tế xã Thượng Sơn, vì được dặn dò kỹ nên sau khi tiêm, nếu con trẻ có vấn đề gì về sức khỏe, cha mẹ thường thông báo ngay cho cán bộ y tế, dù đó là đêm hay ngày. Chính vì thế, sau khi triển khai tiêm chủng vắc-xin "5 trong 1" ComBe Five, ở đây chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm. Các trường hợp có sốt đều được xử lý kịp thời.

Nhiều dịch bệnh diễn biến bất thường

Sáng 11/6, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh vai trò của truyền thông dự phòng trong công tác phòng bệnh rồi mới đến chữa bệnh. Bộ trưởng cho biết thời tiết nóng bất thường, mưa nhiều khiến cho bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Nắng nóng cũng làm cho các bệnh tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản B... đều có xu hướng tăng. Chính vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải truyền thông chủ động phòng chống dịch trước rồi mới đến chữa bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa hè. Bộ trưởng nhấn mạnh các bệnh đã có vắc-xin phòng bệnh như sởi, viêm não Nhật Bản... người dân cần thiết phải tiêm vắc-xin phòng bệnh, không để dịch bệnh bùng phát. Các đơn vị tiêm chủng thực hiện nghiêm túc an toàn tiêm chủng, sàng lọc thật kỹ tiền sử của trẻ và khi có tai biến xảy ra thì cần xử lý kịp thời.

Theo Ngọc Dung - Người Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X