Hotline 24/7
08983-08983

Muốn dạy trẻ bài học yêu thương, hãy nói với con điều này mỗi ngày

Hành trình dạy trẻ bài học yêu thương không khác việc tưới nước chăm cây con. Muốn bé biết sẻ chia và làm người khác vui, cha mẹ phải kiên nhẫn thủ thỉ với con mỗi ngày.

Không gì ý nghĩa bằng việc chính cha mẹ trở thành tấm gương của con, để trẻ nhìn thấy được giá trị của việc đối xử tốt với mọi người. Bạn có thể khen thưởng khi con làm việc tốt để bé tiếp tục phát huy, đồng thời giải thích nhẹ nhàng mỗi khi con phạm lỗi để trẻ không tái phạm.

“Cảm ơn” là bài học ý nghĩa và thiết thực mà cha mẹ cần dạy trẻ ngay từ những năm đầu đời. Trẻ biết nói cảm ơn luôn là những em bé biết cách làm vui lòng người khác.

Song song với việc dạy con nói lời cảm ơn, bố mẹ có thể dạy trẻ khen ngợi người khác. Lời khen ngợi của trẻ bật ra tự nhiên, không chỉ đáng yêu mà còn mang lại động lực và niềm vui cho mọi người. Dạy trẻ biết khen ngợi cũng là cách đặt tiền đề cho việc xây dựng lối sống quan tâm tâm, yêu thương mọi người.

Trẻ nhỏ luôn được người lớn bảo bọc và yêu thương từng chút một. Tuy nhiên, để tránh việc bé ỷ lại và ích kỷ với tình cảm đó, ngay từ khi con bắt đầu nhận thức về thế giới xung quanh, cha mẹ nên dạy trẻ biết cách quan tâm đến cảm nhận của người khác. Việc “nhỏ to” cùng trẻ mỗi tối, rằng con sẽ được mọi người yêu thương khi con biết yêu thương mọi người, sẽ từng bước hình thành ý thức và hành vi cư xử chuẩn mực ở trẻ.

Giúp con ý thức được việc mình làm có thể mang lại niềm vui hay làm phiền lòng người lớn là cách để trẻ sớm hiểu được bài học về sự trân trọng. Bạn hãy thỏ thẻ với trẻ rằng: “Cha mẹ yêu con rất nhiều, ông bà cũng yêu con rất nhiều. Vì vậy, con cần lễ phép và vâng lời để xứng đáng với sự yêu thương đó”. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng mong muốn chúng được yêu thương nhất. Thế nên nếu khéo léo dạy con, bạn sẽ giúp trẻ biết làm việc tốt chỉ để “vòi vĩnh” tình yêu thương của bạn.

Người xưa vẫn nói “Dạy con từ thuở còn thơ”, vì vậy, không có lý do gì để cha mẹ trì hoãn việc dạy con những bài học về lòng khoan dung, từ bi và sự nhã nhặn. Điều này không chỉ giúp trẻ trở thành đứa trẻ ngoan ở thời điểm đó, mà còn hoàn thiện quá trình phát triển nhân cách của trẻ cả những năm về sau. Thay vì la rầy, cha mẹ hãy nhắc nhở, phân tích để trẻ hiểu mỗi khi phạm lỗi. Từ đó, bé sẽ hiểu được thế nào là nhã nhặn, khoan dung và đối xử với mọi người như vậy.

“Muốn” là phản xạ đầu tiên thể hiện sự đam mê, yêu thích ở trẻ. Tuy nhiên, bạn cần dạy con tư duy để biết điều đó đúng hay sai, nên bắt đầu thực hiện từ đâu và để trẻ tự làm điều chúng muốn. Dù thành công hay thất bại, đó đều là những bài học ý nghĩa và quan trọng trong giai đoạn đầu đời.

Theo Giang Ngân Nhi - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X