Hotline 24/7
08983-08983

Mức độ giãn động mạch chủ của bố em có nguy hiểm không?

Câu hỏi

Xin chào bác sĩ, Ba em năm nay 77 tuổi, cân nặng 57 kg, cao 1m65. Theo kết quả siêu âm mới nhất ở BV 115, ĐMC lên dãn lớn d = 49, 50, 55 mm (3 lần siêu âm). Thất trái: - Dày đồng tâm, giãn, không huyết khối - Không rối loạn vận động vùng - Chức năng tâm thu thất trái tốt - Không rối loạn thu giãn thất trái - Hở van hai lá 3/4, VC = 7mm, type IIA2, van dày nhẹ. - Hở van ĐMC 4/4 type 1, van 3 mảnh, dãn. - Hở van ba lá 3/4, áp lực động mạch phổi tăng (PAPs = 55 mmHg). - ĐMC lên dãn d = 55mm, không bóc tách - Không tràn dịch màng ngoài tim. Em xin hỏi, mức độ dãn ĐMC này nguy hiểm ra sao? Nếu ba em phẫu thuật thì theo phương pháp nào? Tuổi ba em có chịu nổi để làm phẫu thuật không? Em xin cám ơn bác sĩ.

Trả lời
Phình động mạch chủ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Phình động mạch chủ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Vì ba bạn có nhiều bệnh van tim cùng tồn tại, hở van động mạch chủ nặng, hở van 2 lá trung bình đến nặng, có biểu hiện dày dãn thất trái và suy tim kèm theo.

Dãn động mạch chủ trên bệnh cảnh này là tiên lượng nặng, do đó ba bạn nên được khám và đánh giá bởi bác sĩ phẫu thuật tim. Quyết định mổ và phương pháp mổ như thế nào, tiên lượng ra sao sẽ được bác sĩ phẫu thuật tim khám, đánh giá và tư vấn cho bạn cụ thể hơn.

Mời tham khảo thêm:



Phình động mạch chủ là giãn tại chỗ của động mạch chủ, phình có thể bất kỳ vị trí nào của động mạch chủ: động mạch chủ ngực (đoạn động mạch chủ lên, quai động mạch chủ), động mạch chủ bụng đoạn trên động mạch thận và đoạn dưới động mạch thận. Trong đó, phình quai động mạch chủ là hiếm gặp và khó điều trị nhất. Với trường hợp phình ở quai động mạch chủ ngày nay ở Việt Nam có thể ứng dụng kỹ thuật Hybrid (can thiệp - phẫu thuật đồng thời).

Nguyên nhân dẫn đến phình động mạch chủ do vữa xơ động mạch chiếm 90%, một số nguyên nhân khác chấn thương, bệnh bẩm sinh, viêm nhiễm. Bệnh gặp chủ yếu ở nam.

Tùy thuộc vào kích thước, hình dạng và tốc độ phát triển của khối phình mà bác sĩ quyết định thái độ và phương pháp điều trị là theo dõi và uống thuốc hay phải phẫu thuật cấp cứu.

Nếu khối phình động mạch chủ có kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ đề nghị tiếp tục theo dõi và uống thuốc cũng như điều chỉnh lối sống để điều trị các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra định kỳ kích thước khối phình mỗi 6 tháng để đánh giá sự lớn lên của khối phình và nguy cơ vỡ bằng siêu âm hoặc chụp CT scan.

Khi khối phình lớn > 5,5 cm trên phim chụp CT scan, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị phẫu thuật để ngăn ngừa nguy cơ vỡ khối phình. Có 2 phương pháp phẫu thuật chính sau:

- Phẫu thuật mở: Bệnh nhân được mổ hở để thay đoạn động mạch chủ bị phình bằng mạch máu nhân tạo. Đối với phình động mạch chủ ngực, phẫu thuật cần sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo. Đây là phẫu thuật lớn, tác động tới toàn bộ các cơ quan trong cơ thể nên thời gian hồi phục sau mổ thường kéo dài.

- Đặt giá đỡ (stent graft) động mạch chủ: Kỹ thuật đặt stent graft là phẫu thuật mới, ít xâm lấn. Đường mổ nhỏ ở đùi, không cần mổ ngực hay bụng. Người bệnh có thể chỉ cần được gây tê tại chỗ, tỉnh táo hoàn toàn trong khi mổ. Từ đường mổ ở đùi, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào lòng mạch máu lên đến vị trí khối phình. Stent graft sẽ được bung ra để máu không còn lưu thông vào khối phình nữa, từ đó loại bỏ nguy cơ vỡ. Phẫu thuật ít ảnh hưởng tới các cơ quan trong cơ thể, ít đau, ít biến chứng và thời gian hồi phục ngắn hơn.


BS.CK2 Ngô Thị Cẩm Hoa
Phụ trách khoa Khám và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện 115


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X