Hotline 24/7
08983-08983

Mùa nóng, trẻ dễ bị viêm tai

Mùa nóng trẻ em rất dễ bị viêm tai do thường xuyên tắm hồ bơi, sông, biển…, BS Võ Quang Phúc - Phó giám đốc BV Tai Mũi Họng TPHCM cho biết.

Có thể dẫn đến viêm não

Tại các hồ bơi, do có đông người đến giải nhiệt, ý thức giữ vệ sinh chung kém nên môi trường dễ bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, đơn vị chủ quản hồ bơi thường tăng lượng hóa chất để làm sạch nước. Hóa chất này ảnh hưởng đến tai-mũi-họng nói chung, đặc biệt là tai.

Tai ngoài (từ màng nhĩ trở ra ngoài vành tai) bị nhiễm trùng dẫn đến viêm. Biểu hiện là đau nhức tai khi nhai, há miệng hay đụng vào tai cảm thấy đau. Viêm tai ngoài gây chảy mủ, đau nhức và có thể sốt. Nếu không điều trị, vi khuẩn tấn công sẽ làm thủng màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực…

Tai giữa chiếm lĩnh khu vực từ màng nhĩ đến xương chũm. Tai giữa là bộ phận giữ thăng bằng, ốc tai chứa dây thần kinh thính giác truyền âm thanh lên não. Viêm tai giữa nguy hiểm nhất là thủng nhĩ với biểu hiện nghe kém, nhức đầu.

Viêm tai giữa thường là đoạn "hậu" của viêm tai ngoài mà không điều trị hoặc điều trị không đúng, không đến nơi đến chốn. Nếu không điều trị kịp thời, vi khuẩn sẽ "ăn lan" vào tai trong - viêm tai xương chũm.

Có hai loại viêm tai xương chũm: cấp và mạn tính. Tai chảy mủ đặc, đau tai lan rộng xuống cổ và nửa bên đầu, nghe kém… là những triệu chứng của viêm tai xương chũm cấp, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng hoặc chuyển sang viêm tai xương chũm mạn tính.

Ngoài những nguyên nhân do nước nhiễm bẩn vào tai, trẻ em còn bị viêm tai khi viêm họng, viêm mũi, không được chữa dứt điểm. Bệnh khó phát hiện nếu bị viêm sau màng nhĩ. Trẻ chưa biết nói, khi viêm tai thường thò tay lên tai, bỏ bú, quấy khóc, không ngủ… Trẻ lớn hơn sẽ kêu đau tai và hay nghiêng về bên đau.

Khi thấy bé có những dấu hiệu trên, nên đưa đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị sớm. Khi bé sốt, bỏ ăn là bệnh đã nặng. Lúc mủ chảy ra bên ngoài mới phát hiện thì có thể vi trùng đã tấn công vào các vùng bên trong gây viêm tai xương chũm, viêm xoang, viêm phế quản, thậm chíviêm não…

Sai lầm khi điều trị viêm tai

BS Võ Quang Phúc cho biết, đa số trẻ em bị viêm tai nặng do cha mẹ tự điều trị không đúng. Ví dụ, dùng thuốc Đông y "thổi" vào tai. Cũng có trường hợp dùng bột kháng sinh rắc vào tai. Kháng sinh thường có tá dược, chính tá dược lưu lại trong tai gây nhiễm trùng. Sai lầm phổ biến là phụ huynh đến nhà thuốc "kê bệnh", mua thuốc nhỏ tai, thuốc uống… Dùng kháng sinh, kháng viêm điều trị viêm tai cần có ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Bởi, thuốc nhỏ tai có nhiều loại, có loại dành cho những trường hợp màng nhĩ còn nguyên và có loại cho trường hợp đã thủng nhĩ. Có thuốc cấm sử dụng cho trường hợp đã thủng nhĩ vì hoạt chất ảnh hưởng niêm mạc tai giữa. Chẩn đoán không đúng dẫn đến dùng thuốc không đúng.

Viêm tai điều trị không hết sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống sau này như: nghe kém, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7, chóng mặt do ảnh hưởng dây thần kinh tiền đình tai trong, vi khuẩn lan vào nội sọ gây viêm màng nhĩ, áp xe não…

Để phòng bệnh, nên thực hiện những điều sau:

- Đi khám bác sĩ ngay khi thấy có các triệu chứng đau tai.

- Sau khi tắm ao, hồ… cần vệ sinh tai bằng que bông gòn. Que này sẽ hút hết dịch còn lại trong tai và mang vi khuẩn ra ngoài, phần nhỏ vi khuẩn còn lại sẽ được tai đẩy ra dưới dạng ráy tai.

- Khi đi tắm hồ, có thể trang bị dụng cụ nút lỗ tai để bảo vệ tai.

- Khi bác sĩ chẩn đoán viêm tai ngoài, viêm tai trong…, tuyệt đối không bơi lội ít nhất nửa tháng để các vùng viêm nhiễm có thời gian lành hẳn.

- Không dùng que móc tai, que sắt để ngoáy vào tai vì không may làm trầy xước niêm mạc gây viêm nhiễm ống tai thậm chí thủng màng nhĩ.

Theo Phương Nam - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X