Hotline 24/7
08983-08983

Mùa nắng nóng, ăn uống thế nào đảm bảo vệ sinh, tránh ngộ độc?

Nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Vậy làm thế nào để phòng tránh được tình trạng này? Mời bạn đọc "bỏ túi" phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình sáng ngày 25/4 để chăm sóc bản thân và gia đình tốt hơn trong tiết trời oi bức như hiện nay.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã tư vấn rất nhiều vấn đề "hot" về nắng nóng trong tuần vừa qua: Làm sao chống sốc khi ngoài trời nắng nóng cực độ? Đối phó cái nắng như "đổ lửa" thế nào?

NỘI DUNG TƯ VẤN

Tại sao trong mùa nóng, thức ăn dễ ôi thiu, hỏng nhanh hơn ngày bình thường? Với một bữa ăn gồm các món: chiên (rán), kho, luộc, xào, canh, cơm thì món nào nhanh hư hỏng nhất nếu chúng ta không bảo quản đúng cách?

Thức ăn dễ ôi thiu, hỏng nhanh hơn ngày bình thường vì vi khuẩn trong thức ăn sẽ sản sinh nhanh hơn trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm. Đa số các gia đình không được chú trọng thiết kế khâu bảo quản an toàn vệ sinh  thực phẩm. Hơn nữa, việc nấu nướng và ăn uống chưa được quan tâm đúng mức.

Như vậy, nếu chúng ta không bảo quản đúng cách thức ăn thì sẽ dễ bị hỏng như: chiên (rán), kho, luộc, xào, canh, cơm. Trong đó cơm là nhanh hư hỏng nhất.


Làm sao để tránh cho thức ăn bị ôi thiu? Có phải cứ bỏ hết vào tủ lạnh là xong? Cách bảo quản thức ăn như thế nào là hợp lý ạ?

Để thức ăn không bị ôi thiu thì chúng ta phải biết cách bảo quản hợp lý chứ không phải cứ bỏ hết vào tủ lạnh là yên tâm.

Một số cách dưới đây có thể giúp bạn đọc bảo quản thực phẩm tươi ngon, tránh bị ôi thiu:

- Nên mua thức ăn tại siêu thị, bách hóa xanh, cửa hàng… uy tín.

- Thực phẩm khi mua về nhà phải được nhanh chóng bảo quản trong tủ lạnh càng sớm càng tốt và chia nhỏ thành nhiều phần.

- Chỉnh lại nhiệt độ trong tủ lạnh như ngăn mát từ 4-5 độ C, ngăn đá từ âm -20 đến -15 độ C.

- Để riêng thực phẩm chín và sống để tránh vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm chín. Để từng loại hộp thức ăn có nắp đậy kín để các loại thức ăn thừa không lẫn lộn vào nhau và nên ghi chú ngày tháng trên nắp hộp.

- Nên bọc riêng từng loại thực phẩm bằng màng bọc thực phẩm cho kín rồi cất vào tủ lạnh.

- Thức phẩm rã đông trước khi nấu.

- Không nên chất thức ăn đầy tủ lạnh mà nên có những khoảng trống để không khí lùa vào.

- Thức ăn chế biến rồi để ngoài sau 4 tiếng thì không được ăn nhất là thịt, cá, tôm, hải sản, cơm và các chế phẩm từ tinh bột.

- Sau khi ăn nếu còn thừa thức ăn thì nên để vào ngăn mát tủ lạnh và ăn chúng không quá 3 ngày. Ngoài ra, phải nấu lại thức ăn thừa cho sôi kỹ trước khi dùng lại các món ăn này và chỉ nên ăn lại một lần sau đó.

- Nếu gia đình không có tủ lạnh hoặc trong những ngày cúp điện, thì bảo quản các thức ăn thừa trong thùng đá hoặc cho vào hộp đựng thực phẩm và đặt đá xung quanh hộp. Cho vào tủ lạnh ngay khi có điều kiện. Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.

Lưu ý: Thời gian bảo quản tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là từ 7 đến 10 ngày; thịt heo, gà, vịt khoảng 7 ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng 3 ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình và BTV Hoàng Long chăm chút từng câu tư vấn để mang đến những giải đáp nhanh nhất cho bạn đọc

Theo BS, những thực phẩm nào giúp giải nhiệt mùa nắng nóng? Khi lựa chọn, chúng ta cần lưu ý điều gì?

- Việc đầu tiên cần thiết nhất trong mùa nắng nóng là cung cấp đủ nước và điện giải giúp cơ thể điều hòa lại quá trình mất nước, giúp máu lưu thông tốt.

- Tăng cường ăn các loại rau xanh, uống các loại nước ép trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể làm tăng sức đề kháng, giúp chống lại bệnh tật.

- Ngoài việc lựa chọn thực phẩm an toàn, cần giữ vệ sinh sạch sẽ trước và trong khi chế biến, bảo quản thức ăn để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ các dụng cụ chế biến sang thực phẩm, gây ngộ độc.

- Nên ăn cá vì trong cá có nhiều Axit béo omega-3 giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do và giúp ngăn ngừa một số loại ung thư da do ánh nắng mặt trời gây nên.

- Nên ăn các loại ngũ cốc  nguyên hạt vì nó chứa magie hàm lượng cao làm cho các tế bào thần kinh thư giãn để chống lại nóng ẩm, oi ả của mùa hè và duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.

- Nên ăn các lọai đậu nhất là đậu xanh vì có tính mát giúp giải nhiệt rất tốt trong mùa hè. Đậu xanh có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và đơn giản như cháo đậu xanh hay chè đậu xanh đều rất mát và dễ ăn. Ngoài ra, có thể ủ đậu xanh thành giá đỗ để chế biến thành nhiều món ăn.

- Đậu đen là loại ngũ cốc cực kỳ bổ dưỡng, tính mát, giúp thanh nhiệt và giải độc rất tốt, có thể dùng đậu đen để nấu nước giải nhiệt, nấu chè đậu đen hay cháo đậu đen.

- Sữa chua chứa hàm lượng nước khá cao và chứa lượng men sinh học lành mạnh giúp hỗ trợ tiêu hóa và giữ cho đường ruột khỏe mạnh. Ngày nay, ngoài sữa chua nguyên chất, bạn có thể thử nhiều loại sữa chua với những hương vị khác nhau.

- Ngoài ra, các món canh là lựa chọn số một của những người nội trợ trong mùa nóng, đặc biệt là các loại canh chua có nhiều nước, được chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như: canh cua, hến, thịt nạc nấu chua,… Ngoài ra còn có rất nhiều các món canh bổ dưỡng, có tác dụng mát phổi như: đậu phụ nấu cùng thịt nạc hoặc tôm khô xay nhuyễn,…

Mặc dù, mùa hè nên hạn chế ăn các loại thịt để tránh nóng, song dựa vào phương pháp chế biến và loại gia cầm, chúng ta vẫn có thể giảm thiểu tối đa hạn chế đó và ăn theo sở thích. Đặc biệt các món từ thịt vịt rất phù hợp với mùa hè. Thịt vịt không chỉ giàu các dưỡng chất như protein, sắt cần thiết cho con người mỗi ngày mà còn có thể phòng ngừa và chữa bệnh. Ngoài ra, vịt thuộc loại thủy cầm, nên tính lạnh, đặc biệt thích hợp với những người đang bị nóng trong người.


Vì sao mùa nắng thường là mùa của các bệnh tiêu hóa, cụ thể gồm những bệnh gì ạ?

Nắng nóng kích thích hoạt động của vi khuẩn gây hại làm thức ăn bị ôi thiu dễ gây rối loạn tiêu hóa (đặc biệt là tiêu chảy). Nhất là ở trẻ nếu ăn uống không hợp vệ sinh, thực phẩm tươi sống chưa được đảm bảo cũng là nguyên nhân gây bệnh này.

Mặt khác, nắng nóng dễ làm thức ăn bị hỏng và ảnh hưởng nhiều tới thói quen sinh hoạt cũng như ăn uống của trẻ, hệ tiêu hóa còn non yếu dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

Do đó, để tránh bị rối loạn tiêu hóa mùa nắng nóng, chúng ta cần lưu ý thực phẩm qua chế biến mà chưa ăn ngay phải được bảo quản đúng cách. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, tốt nhất nên bảo quản trong tủ lạnh, khi sử dụng lại cần phải đun sôi.

Không sử dụng thức ăn đóng hộp đã quá hạn, bị ôi thiu. Rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến. Vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần đề phòng các loại bệnh khác như sốt phát ban, cảm cúm sốt do say nắng, bệnh tay - chân - miệng, viêm não Nhật Bản, viêm da, nhiễm trùng da, cảm lạnh…

Vi khuẩn E.coli thường có mặt trong những món ăn, thức uống nào? Chúng ta có thể tự nhận biết thực phẩm nhiễm E.coli thông qua màu sắc hay mùi của thực phẩm không ạ?


Vi khuẩn E.coli thường có mặt trong những món ăn, thức uống để quá 4 giờ và nguồn nước sinh hoạt, con người, con vật mang mầm bệnh.

Khổng thể nhận biết được thực phẩm nhiễm E.coli thông qua màu sắc hay mùi của thực phẩm. Vì vậy, để tránh tình trạng thực phẩm nhiễm E.coli chúng ta cần mua thực phẩm tươi sống an toàn, uy tín, bảo quản đúng cách như đã tư vấn ở trên, chế biến hợp vệ sinh (rửa tay trước khi nấu, dụng cụ nấu sạch sẽ, an toàn…), thực phẩm sau khi nấu chín cần ăn trước 4 giờ. Trong mùa nắng nóng, các chị em nội trợ cần lưu ý nấu bữa nào ăn bữa đó, không nên nấu trữ thức ăn dùng cho cả ngày.


Ngoài E.coli, còn có những vi khuẩn nào là thủ phạm khiến chúng ta bị ngộ độc thức ăn, chúng thường tồn tại trong những thực phẩm nào, thưa BS?

Ngoài E.coli, còn có rất nhiều vi khuẩn khác là thủ phạm khiến chúng ta bị ngộ độc thức ăn như:

- Nhóm Coliforms gồm 4 dòng là: Citrobacter; Escherichia; Klebsiella và Enterobacter.

- Nhóm Escherichia coli gồm 4 dòng: Enterobathogenic E. coli (EPEC), Enterotocigenic E. coli (ETEC), Enteroinvasive E. coli (EIEC), Enterohaemorrhagic E.coli (EHEC).

Các loại vi khuẩn này thường tồn tại trong những loại trái cây, thực phẩm bảo quản không đúng, chế biến để quá 4 giờ, nguồn nước bị ô nhiễm.


Triệu chứng ngộ độc từ nhẹ đến nặng như thế nào, thưa BS, và cách xử lý?

Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ thường gặp bao gồm:

- Ói mửa, buồn nôn, tiêu chảy;
- Đau bụng;
- Sốt;
- Mệt mỏi và thiếu năng lượng;
- Chán ăn;
- Đau cơ;
- Ớn lạnh;

Những dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng thì đưa bệnh nhân đến bệnh viện để để bác sĩ khám và xử trí kịp thời:

- Thường xuyên nôn ói;
- Nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu;
- Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày;
- Đau bụng dữ dội;
- Nhiệt độ trong miệng cao hơn 38,6oC;
- Khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt;
- Tầm nhìn bị mờ, cơ yếu và ngứa ran cánh tay.

Thời gian gần đây, hotline của AloBacsi nhận được rất nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề rất thời sự hiện nay - nắng nóng

Khi bị tiêu chảy, có nên uống thuốc cầm tiêu chảy hay không ạ, vì sao thưa BS? Một số người có thói quen hễ bị tiêu chảy là ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống. Điều này nguy hại như thế nào ạ?

Tiêu chảy là bệnh thường gặp nhất của hệ tiêu hóa, do không thể tiêu thụ được lượng thức ăn được dung nạp hoặc có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiêu hóa khác.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc cầm tiêu chảy nhưng đa phần chúng đều có chức năng tác động trực tiếp lên cơ vòng, làm giảm nhu động ruột, tăng lực co thắt hậu môn, giảm thể tích phân, sẽ hạn chế lại tình trạng tiêu chảy.

Mặc dù có tác dụng ngăn tình trạng tiêu chảy ngay tức thì nhưng thuốc cầm tiêu chảy nhanh lại không thể thấm hút được các vi khuẩn và độc tố, khiến chúng vẫn còn tích tụ lại trong ruột. Tình trạng này diễn ra thường xuyên có thể gây ra những tổn thương cho thành ruột và làm bùng phát lượng vi khuẩn, khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài mãi không khỏi.

Bên cạnh đó, việc tích tụ phân trong cơ thể còn gây tích tụ chất độc lại trong ruột, có thể thấm vào máu, gây tắc ruột và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Khi bị tiêu chãy tốt nhất là không nên tự ý mua thuốc về uống mà đến bệnh viện để bác sĩ khám và xử trí kịp lúc.


Với những người thường phải sử dụng thức ăn đường phố, theo BS, họ nên phòng tránh ngộ độc thực phẩm như thế nào?

Mùa nắng nóng khiến nhiệt độ tăng cao, độ ẩm cũng cao. Môi trường này là điều kiện rấ́t tốt cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, dẫn tới ô nhiễm hoặc làm cho thức ăn dễ ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận.

Vì vậy, chúng ta nên lưu ý đến các biện pháp phòng ngừa sau đây: Nên lựa chọn thực phẩm tươi ngon có nguồn gốc rõ ràng, nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình.


Một số người vừa đi nắng về, lập tức uống nước dừa để giải khát, sau đó thì bị xây xẩm, nôn nao. Theo BS đây là hiện tượng gì, có phải là ngộ độc không, xử trí cách nào ạ?

Đây không phải là tình trạng ngộ độc.

Nước dừa là loại nước uống ngon nhất vừa ngon miệng vừa hợp vệ sinh và bổ dưỡng. Tuy nhiên, nếu uống không đúng cách sẽ gặp tình trạng tay chân bủn rủn, giảm trương lực cơ, làm giảm sức dẻo dai,... Do đó, nếu bạn muốn dùng nước dừa thì sau khi đi nắng về cần nghỉ ngơi 15-20 phút cho nhiệt độ cơ thể thích nghi với môi trường rồi mới uống và nhớ uống từng ngụm một, tránh uống quá nhiều một lúc có thể gây ra các triệu chứng như đã kể trên.

Thực hiện: Phương Nguyên - Ảnh: Hoàng Long
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X