Hotline 24/7
08983-08983

Mùa nấm, cách nào tránh ngộ độc?

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện đang vào mùa mưa, nóng, ẩm cao, thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Thực tế, đây cũng là mùa liên tục xảy ra các vụ ngộ độc nấm tập thể, cướp đi sinh mạng nhiều người.


Một bệnh nhân ngộ độc nấm cực nặng được cứu sống tại Bệnh viện Bạch Mai (ảnh bệnh viện cung cấp).

Một bệnh nhân ngộ độc nấm cực nặng được cứu sống tại BV Bạch Mai (ảnh bệnh viện cung cấp).

Nhiều vụ ngộ độc nấm tập thể

Mới đây nhất, tại Thuận Châu (Sơn La), sau khi ăn canh nấm lạ màu trắng được hái sau nhà, 9 người trong gia đình đã có biểu hiện ngộ độc, với các triệu chứng: Đau đầu, nôn, đau bụng đi ngoài, da xanh tái và được đưa xuống BVĐK huyện Thuận Châu để điều trị. Trong số này, có 2 bệnh nhân ngộ độc nặng, một bé gái mới được 1 tháng tuổi.

Trước đó, BV Bạch Mai tiếp nhận một nam bệnh nhân trong một gia đình ở Vị Xuyên (Hà Giang) có 4 người cùng bị ngộ độc nấm. Đáng tiếc, 3 người đã tử vong (ở BVĐK tỉnh Hà Giang) vì ngộ độc quá nặng. BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, loại nấm mà bốn người trong gia đình này ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ một mũ nấm, gây viêm gan nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.

Các biểu hiện thường xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ) như: Buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan với các biểu hiện: Vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu do hôn mê gan, suy gan; xuất huyết dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu... và cuối cùng là tử vong.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cảnh báo, thời điểm cuối xuân - đầu hè, bắt đầu vào mùa nấm phát triển nhiều, hay xảy ra ngộ độc nấm. Trung tâm Chống độc vào thời điểm này thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc nấm. Hầu hết đều là các trường hợp ngộ độc nấm tập thể, trong một gia đình.

Không thể phân biệt nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc

Theo BS Trung Nguyên, trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%), có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc. Vì vậy, để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, đảm bảo là ăn được mà không bị ngộ độc.

BS Trung Nguyên khẳng định, hoàn toàn không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc. Càng không nên ăn thử để khám phá. “Các loại nấm độc kể cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ 200oC, độc tố vẫn bền vững không bị phá hủy. Bản thân đã từng ăn nấm mọc hoang không bị ngộ độc cũng không có nghĩa là bạn sẽ không sao nếu ăn tiếp. Động vật ăn thử không bị ngộ độc nhưng khi con người ăn vào vẫn có thể bị ngộ độc như thường”, BS Trung Nguyên phân tích.

Các chuyên gia cho biết, hầu hết các vụ ngộ độc nấm không xác định được loài nấm nên việc xử trí cấp cứu còn gặp nhiều khó khăn. Diễn biến ngộ độc nấm không thể lường trước được và là nguyên nhân tử vong của hầu hết các trường hợp ngộ độc nấm xảy ra hàng năm ở nước ta.

Trên thực tế, 80% bệnh nhân tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy khâu cấp cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng. Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Gây nôn bằng cách móc họng hoặc dùng bàn chải đánh răng thọc sâu vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch Oresol; uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước (có thể cho ít đường trắng cho dễ uống).

Than hoạt tính sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Điều cần lưu ý khác là bệnh nhân không chủ quan nghĩ sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy là hết ngộ độc. Cần nằm tại viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan thận mới bộc lộ… Để phòng tránh ngộ độc nấm, các chuyên gia khuyến cáo người dân không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc. Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu, khi biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn. Bên cạnh đó, tuyệt đối không dùng nấm lạ, kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ bộ phận, nấm độc nhất cũng có thể bị nhầm với nấm ăn được do trong một vài giai đoạn phát triển chúng giống nhau. Không hái nấm non để ăn vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ nấm đó có độc hay không, không ăn nấm quá già hoặc loại nấm mà khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa.

Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu vì nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Tốt nhất nên dùng nấm trong vòng 12 giờ sau khi thu hái. Khi chế biến nấm, tốt nhất là nên luộc sôi trước khi xào nấu để giảm bớt độc tính. Khi mua nấm ở chợ, tốt nhất nên mua loại đã từng ăn, mua ở những cơ sở có uy tín, cần kiểm tra, giám sát có đồng nhất về chủng loại và màu sắc, có lẫn nấm độc không, tuy nhiên cũng phải nấu chín mới ăn. Nhất thiết phải loại bỏ các loại nấm lạ, nấm có màu sắc sặc sỡ, thân nấm bị mốc, thịt nấm có màu khác lạ và có hiện tượng phát quang. Khi ăn nấm không nên uống rượu, có một số nấm không độc nhưng có chứa những thành phần gây ra phản ứng hóa học với thành phần trong rượu gây ngộ độc.

BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết: “Chẳng may ăn phải nấm nghi độc, nên gây nôn bằng cách lấy bàn chải chà sâu bề mặt lưỡi, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời”.

Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X