Hotline 24/7
08983-08983

Mùa mưa đang đến, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình mách bạn mẹo đuổi muỗi cho bé

Mùa mưa đang bắt đầu, đây là cơ hội để muỗi - mầm mống của dịch bệnh sinh sản và phát triển. Mời bạn đọc theo dõi phần tư vấn của BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình để biết cách bảo vệ gia đình khỏi muỗi như: Sử dụng nhang, thuốc xịt, đèn bắt muỗi sao cho đúng? Bí quyết làm tinh dầu sả, tinh dầu tràm đuổi muỗi cho cả nhà?...

NỘI DUNG TƯ VẤN

Ở nước ta, tháng nào là cao điểm nhiều muỗi trong năm ạ? Muỗi ở nước ta có thể lây truyền những bệnh gì ạ? Trong đó, bệnh nào nguy hiểm với trẻ em?

Ở nước ta, mỗi năm vào mùa mưa đến ngoài việc đem đến cảm giác mát mẻ, xua tan một mùa nắng nóng oi bức còn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. Khi muỗi bùng phát mạnh, thì chúng ta lại là nạn nhân của những con vật nhỏ bé này  truyền các căn bệnh nguy hiểm như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt vàng da,...

Trong đó, bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm với trẻ em. Theo thống kê  hằng năm, số ca mắc sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền bệnh lên đến 50 - 100 triệu người, kèm theo đó là nguy cơ tử vong. Cho nên, khi mùa mưa đến chúng ta nên chuẩn bị phòng chống muỗi đốt và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình, mọi người xung quanh.


Mùa bệnh sốt xuất huyết ở nước ta diễn ra vào tháng mấy, thưa BS? Có những cách nào để phòng tránh bệnh này?

SXH là bệnh nhiễm trùng cấp tính, có quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa mưa thì khả năng lây lan nhanh và  có thể bùng phát thành dịch nhất là vào thời gian từ tháng 6 - 11 do nhiệt độ, môi trường, độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của chúng.

Để phòng chống sốt xuất huyết thì việc đầu tiên là tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân biết tác hại và các biện pháp phòng SXH để họ hiểu, không còn chủ quan, xem thường và tích cực phòng chống. Bởi vì công việc chống dịch SXH là công việc của toàn dân, không riêng của ngành y tế. Do đó,  nếu người dân lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho việc phòng chống bệnh.

Vì hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt xuất huyết, nên phòng ngừa nhiễm bệnh là cách duy nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong.

3 biện pháp cần đặc biệt quan tâm hàng đầu trong việc chống dịch SXH như:

- Dọn dẹp các khu ẩm thấp, đọng nước, nhiều vật dụng; diệt bọ gậy, Diệt muỗi, loăng quăng bằng nhiều biện pháp.
- Ngủ mùng, xịt thuốc diệt muỗi theo đúng liều lượng.
- Nếu có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày, cần sớm đến các cơ sở y tế để BS khám và điều trị kịp thời.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình (trái) và MC Minh Khuê

Cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B1 có phải là cách khiến muỗi tránh xa bé không, vì sao lại như thế, thưa BS?

Cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B1, Vitamin B1 hoạt động sẽ kết hợp với những chất khác trong cơ thể tạo ra một mùi men sẽ làm thay đổi mùi vị trong máu khiến muỗi tránh xa. Chúng sẽ tìm đi nơi khác chứ không thèm dòm ngó đến cơ thể của bạn nữa vì thế không lo sợ việc bị muỗi đốt.

Cha mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin nhóm B (thực phẩm giàu tinh bột, bánh mì, sandwich, ngũ cốc, yến mạch, khoai tây…) sẽ phòng chống được muỗi hiệu quả mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Hơn nữa, bổ sung Vitamin B1 mỗi ngày cũng rất tốt cho trẻ, cải thiện các tình trạng chán ăn hay tăng cường sức khỏe cho trẻ.


Theo BS, việc sử dụng tinh dầu, lăn chống muỗi, kem chống muỗi có phải là biện pháp tốt đối với trẻ nhỏ? Hương liệu dùng để đuổi muỗi có thật sự vô hại với trẻ em không? Làm sao để lựa chọn được sản phẩm an toàn ạ?

Theo nghiên cứu, mùi của các loại tinh dầu sẽ làm tê liệt thần kinh của muỗi và khiến chúng mất phương hướng. Ngoài ra, tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên còn có tác dụng tăng cường sức khỏe, làm đẹp, thư giãn,... và nhiều tác dụng khác tốt cho cơ thể.

Tuy nhiên, trên thị trường đa số tinh dầu được làm từ hương liệu tổng hợp, có chứa các hóa chất như toluen, aceton, formon, benzen,... có hại cho sức khỏe con người nhất là trẻ em.

Bôi kem chống muỗi, lăn chống muỗi chỉ có tác dụng tạm thời, khi thuốc bay hết lại phải bôi tiếp. Nếu bôi kéo dài và bôi nhiều cũng có thể gây hại cho da. Ngoài ra, còn có các tác dụng phụ như kích ứng da (làm da đỏ lên, rát, bong vảy) hoặc gây dị ứng da (da sưng nề, đỏ lên, ngứa, mụn nước li ti hoặc có mủ...). Những trường hợp viêm da cơ địa (cả trẻ em và người lớn) có làn da rất mẫn cảm nên cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm chống muỗi.

Để lựa chọn được sản phẩm an toàn cho trẻ nên mua các sản phẩm có nguồn gốc rỏ ràng, thành phần tạo nên sản phẩm là yếu tố quan trọng bảo vệ sự an toàn cho trẻ, chất lượng sản phẩm phải được Bộ Y tế kiểm định và công bố đạt cơ sở sản xuất đáng tin cậy, nên mua các cửa hàng có uy tín để tránh sản phẩm giả.

Tuy nhiên, đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất là cha mẹ không nên dùng bất cứ sản phẩm chống muỗi nào. Mà nên áp dụng các cách sau để chống muỗi đốt cho trẻ như:

- Cho trẻ mặc quần áo dài, sáng màu và rộng rãi.

- Giăng mùng cho trẻ khi ngủ, cho trẻ ngủ nơi thoáng mát, tránh chỗ tối.

- Sử dụng lưới chống muỗi; đóng cửa sổ và cửa ra vào khi sáng sớm và chiều tối vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.

- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng để tránh muỗi có cơ hội sinh sôi. Chắc chắn rằng tất cả các nơi muỗi có thể trú ngụ đều bị loại bỏ như những vũng nước đọng ngoài sân vườn, thùng rác, bụi cây…

- Dùng lưới - vợt bắt muỗi để diệt muỗi.

Theo BS Bình, khi sử dụng thuốc xịt muỗi thì nên đưa trẻ ra ngoài từ 40-60 phút hoặc đã bay hết mùi thuốc mới đưa bé vào nhà. Ảnh: Internet

Thuốc xịt muỗi, nhang đuổi muỗi có thể gây độc cho trẻ không? Cách sử dụng các sản phẩm này như thế nào là hợp lý?

Các chuyên gia y tế thế giới đã khuyến cáo cha mẹ cần hạn chế sử dụng thuốc xịt muỗi, nhang muỗi để đuổi muỗi vì hơi thuốc sau khi xịt, khói nhang muỗi khi hít vào sẽ gây bệnh về đường hô hấp cho trẻ. Nếu sử dụng thuốc xịt muỗi thì nên đưa trẻ ra ngoài. Nếu dùng nhang muỗi thì cần đặt cách xa bé. Việc sử dụng thuốc hóa học để phun xịt đuổi và đốt nhang muỗi cũng không được khuyến khích nhất là trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

Cách sử dụng các sản phẩm này hợp lý:

Đối với thuốc xịt muỗi:

Chọn thuốc xịt muỗi không chứa hóa chất, nên phun thuốc đúng nơi, đúng thời điểm, theo liều lượng và thời tiết lúc phun. Sau khi phun thuốc từ 30 phút đến 60 phút nên mở cửa cho thoáng khí. Không nên để trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người già vào phòng mới xịt thuốc diệt côn trùng để tránh những tác dụng phụ của thuốc.

Đốt nhang muỗi nên chọn loại nhang không chứa hóa chất tổng hợp, đốt xa nơi có trẻ em.

Các bạn có thể tự làm tinh dầu sả để giảm bớt muỗi tại nhà. Ảnh: Internet

BS có thể chia sẻ cách tự làm tinh dầu từ nguyên liệu thiên nhiên để chống muỗi cho bé không ạ?

Cách chưng cất tinh dầu sả nguyên chất:

Chuẩn bị nguyên liệu:

- Chọn sả già, được trồng trên 1 năm
- 2 chai thủy tinh sẩm màu có nắp đậy.
- Rượu đế loại tốt.
- 1 miếng khăn vải mùng.
- Nước sạch.

Các bước thực hiện:

Bước 1: Làm sạch, sơ chế nguyên liệu: sả bạn cần loại bỏ phần rễ, lá, bẹ lá đã giập, giữ lại thân và gốc khoảng 4 - 5cm; 2 lọ thủy tinh bạn cần rửa sạch và lau khô.

Bước 2: Dùng dao hoặc chày đập thân sả để sả tiết ra tinh dầu. Bạn không nên đập quá mạnh, tinh dầu sẽ bị chảy và thoát ra ngoài.

Bước 3: Xếp các khúc sả đã được đập giập vào lọ thủy tinh, ngang nửa bình là đủ.

Bước 4: Pha rượu đế với nước sạch theo tỉ lệ 1:1 (có thể thay hỗn hợp rượu và nước bằng giấm ăn). Đổ dung dịch vào lọ sả đã chuẩn bị sao cho ngập. Sau đó đậy kín nắp lại, đặt ở nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh nắng mặt trời.

Bước 5: 3 ngày sau, đổ hỗn hợp nước, rượu và sả ra riêng. Dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn phần thân sả, sau đó lại cho vào bình như ban đầu, đậy kín nắp lại và để thêm 3 tuần nữa.

Bước 6: Sau 3 tuần, dùng miếng gạc hoặc vải sạch lọc bỏ bã sả. Phần bã được tách riêng, tinh dầu sẽ được lắng lại và bạn đã hoàn thành việc chưng cất tinh dầu sả nguyên chất.

Lưu ý: cần bảo quản tinh dầu trong lọ tối thủy tinh sẩm màu và dùng dần.

Cách làm nấu tính dầu tràm cổ truyền:

Lựa chọn nguyên liệu: Lá tràm gió thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch, lúc này cây tràm sinh trưởng và phát triển mạnh nên có rất nhiều lá. Ngoài dùng nguyên liệu lá tràm gió cho thêm lá trà chồi chiếm 5%, 2 chai thủy tinh sẩm màu và nước sạch.

Cách nấu tinh dầu tràm:

Bước 1: Lá tràm sau khi hái cho vào một cái nồi to, đổ thêm nước vào theo tỉ lệ 1:2, là 1 nước 2 lá, đun tràm trong nồi khoảng 5 đến 6 tiếng với mực lửa để, lửa không quá to mà cũng không quá yếu. Vì nếu lửa quá to hoặc quá yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của tinh dầu tràm.

Bước 2: Để thu được tinh dầu tràm nguyên chất, bạn cần thiết kế ra được một cái ống hơi nối từ nắp đậy nồi đến một các chai, lọ… để hứng dầu tràm, chai đựng phải để trong chậu, thau nước ngập đến cổ chai. Làm như thế mục đích khi tinh dầu tràm trong nồi bốc hơi lên đi qua đường ống xuyên xuống chai đựng gặp môi trường lạnh sẽ ngưng tụ thành giọt. Thường thì 150kg lá tràm tươi khi nấu chỉ chiết xuất được 500ml dầu tràm nguyên chất. Tinh dầu tràm sau khi chưng cất nấu xong được cho vào chai lọ thủy tinh sẩm màu để bảo quản, khi cần đem ra dùng.

Trẻ hay bị muỗi cắn chuyển thành nốt viêm và để lại vết thâm lâu khỏi trên làn da mỏng manh. Ảnh: Internet

Việc sử dụng đèn bắt muỗi thì cần lưu ý gì để an toàn cho trẻ ạ?

Các loại đèn bắt muỗi mua nơi cửa hàng có uy tín, có xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn thì khi sử dụng nguồn điện cực thấp, chỉ khoảng 6-20W, đủ mạnh để diệt muỗi nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người nhất là trẻ em.

Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng đèn bắt muỗi để an toàn cho trẻ:

- Nên đặt đàn bắt muỗi có nguồn điện ở những nơi mà trẻ không thể với tới được.
- Đặt đèn cách mặt đất khoảng 1,5 - 2m, không nên đặt sát mặt đất vì muỗi thường bay lượn trên không.
- Không đặt đèn bắt muỗi bằng lưới điện ở những nơi chứa chất dễ cháy nổ.
- Thường xuyên thay đổi vị trí đặt đèn từ phòng ngủ, phòng khách cho đến nhà bếp, nhà tắm... để đạt hiệu quả tốt nhất.
- Tắt các loại đèn khác trong phòng để thu hút muỗi tốt hơn.
- Thường xuyên vệ sinh đèn bắt muỗi để tăng khả năng diệt muỗi.
- Có thể thay bóng đèn chiếu sáng theo định kỳ để tăng thời gian sử dụng sản phẩm.

Một số trang mạng hướng dẫn trồng thảo dược quanh nhà có thể đuổi muỗi, theo BS thì nên trồng những cây nào?

Các loại cây trồng quanh nhà để dùng làm cây cảnh, che bóng mát, thực phẩm, chúng còn công dụng đuổi muỗi như: Cây húng quế, cây bạc hà, cây xả, cây tía tô, cây tỏi, cây ngũ gia bì, ngải cứu, vạn thọ, khuynh diệp, tràm…


Riêng với trẻ sơ sinh, có thể áp dụng cách chống muỗi nào là an toàn cho bé nhất, thưa BS?

- Cách chống muỗi an toàn cho trẻ nhất là ngủ mùng, thoa dầu khuynh diệp cho trẻ..
- Diệt muỗi bằng dợt hay đèn đuổi muỗi.
- Phòng trẻ nên thoáng mát, sáng sủa không nên mở của phòng lúc sáng sớm hay chiều tối.
- Cho trẻ mặc quần áo dài, thoáng, hút mồ hôi.


Ở một số trẻ, vết muỗi đốt có thể chuyển thành nốt viêm và để lại vết thâm lâu khỏi. Trường hợp này nên xử trí vết muỗi cắn cho bé như thế nào để hạn chế thâm ạ?

Trẻ hay bị muỗi cắn chuyển thành nốt viêm và để lại vết thâm lâu khỏi trên làn da mỏng manh. Để giúp da trẻ hạn chế vết thâm, cha mẹ nên áp dụng các cách:

- Với các trẻ trong độ tuổi còn bú mẹ, khi bị muỗi đốt thành nốt đỏ, mẹ nên dùng sữa mẹ thoa vào chỗ muỗi đốt cho trẻ, mỗi ngày khoảng 3-4 lần, 3 ngày vết muỗi đốt sẽ hết và không để lại sẹo.

- Nước chanh: Thoa nước chanh vắt từ quả chanh tươi vào chén rồi thoa vào các nốt màu thâm đen khi bị muỗi đốt và massage da trẻ từ từ vànhẹ nhàng. Những vitamin C có trong chanh sẽ giúp da thâm đen trắng lại 1 cách tự nhiên.

Khoai tây: Chà xát một vài lát mỏng khoai tây sống trên làn da của bé để giúp làm sáng hơn vùng da thâm.

Xin trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian tư vấn cho bạn đọc AloBacsi. Hẹn gặp lại bác sĩ trong chương trình lần sau.

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X